Thứ sáu 08/11/2024 01:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

19:02 | 09/05/2023

(Xây dựng) - Ngày 9/5, tại Lào Cai, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Các đồng chí chủ trì Hội nghị.

Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, các cơ quan liên quan của 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng và trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đây cũng là dịp để các đại biểu thảo luận, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế rừng, trong đó chú trọng tới các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường tín chỉ các bon; kinh tế dưới tán rừng; dịch vụ môi trường rừng; chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; du lịch sinh thái.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, tỉnh Lào Cai mong muốn cùng với các bộ, ngành, địa phương trong vùng, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia thảo luận, cùng góp ý kiến, đề xuất với Trung ương những ý tưởng mới, cách làm sáng tạo, giải pháp chiến lược trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Mục tiêu là để tài nguyên rừng trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế phát triển lâm nghiệp thế giới, là nguồn sinh kế bền vững của nhân dân và đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh với tổng diện tích trên 95,0 ngàn km2 (chiếm 28,75% của cả nước), dân số gần 12 triệu người (chiếm 12,93% dân số cả nước), diện tích đất có rừng gần 5,4 triệu ha, chiếm khoảng 37% diện tích đất có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ là 54,02%, cao hơn nhiều mức bình quân chung toàn quốc (42%), 7/14 địa phương có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc.

Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong 5 năm qua, các địa phương trong vùng đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW. Theo đó, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ngành lâm nghiệp đã có bước phát triển khá, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Diện tích rừng trồng tăng lên; diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ khá tốt, độ che phủ rừng cao hơn trung bình cả nước trên 12% (đạt 54,2%), tăng 0,6% so với trước khi có Chỉ thị 13. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển khá. Các cơ chế, chính sách về phát triển lâm nghiệp từng bước được hoàn thiện.

Các địa phương trong khu vực đã nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong Chỉ thị số 13-CT/TW như: Thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... trên địa bàn được thực hiện đúng quy định của pháp luật…

Tại Hội nghị, các địa phương trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW đánh giá về những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 13, đồng thời đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai Đăng Xuân Phong phát biểu tại Hội nghị.

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác này. Đặc biệt, hầu hết các đại biểu đều đề xuất cần có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết này sẽ đưa ra các chủ trương, chính sách mới, bảo đảm cả 2 hướng chủ đạo là bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của Ban Tổ chức, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của Tỉnh uỷ Lào Cai; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các ý kiến phát biểu, đóng góp tâm huyết tại Hội nghị; đánh giá cao các đại diện Ban, Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các cơ quan liên quan đã tham dự, trực tiếp phát biểu, đóng góp các ý kiến.

Đồng thời, đồng chí Trần Tuấn Anh bày tỏ đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh một số nội dung như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh; tình trạng di dân tự do; Có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng: đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Toàn cảnh Hội nghị.

Có các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam.

Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, bảo đảm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết quốc tế tại COP26 về biến đổi khí hậu.

Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cần có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển giống, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cơ giới hóa trong lâm nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản; Về an sinh, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng; Hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Tổ chức Hội nghị tổng hợp, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến thảo luận phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 và tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, cơ chế, chính sách có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh mới.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Các đồng chí chủ trì hội nghị trao đổi tại hành lang hội trường về tiềm năng phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trước đó, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo dẫn đầu đã khảo sát, nắm tình hình thực tế về công tác bảo vệ, phát triển rừng tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, thăm vùng nguyên liệu quế, cơ sở chế biến tinh dầu quế và cơ sở chế biến đũa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load