Thứ sáu 20/09/2024 11:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tác nghiệp ở công trường “siêu” dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4

19:50 | 20/06/2024

(Xây dựng) - Việc tác nghiệp ở các công trường xây dựng, đặc biệt là những dự án lớn, phóng viên, nhà báo phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo sự an toàn.

Tác nghiệp ở công trường “siêu” dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4
Phóng viên Báo Xây dựng phỏng vấn kỹ sư Lại Hải Triều, Giám đốc công trường dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 – LiLaMa

Hơn 12 năm lăn lộn với nghề, tôi may mắn được tác nghiệp ở nhiều sự kiện, điểm đến. Từ Trường Sa – “phên dậu” biển của Tổ quốc đến những công trình xa xôi của tỉnh Bình Phước, Tây Ninh giáp biên giới Campuchia, hay các dự án trọng điểm xa xôi ở các tỉnh miền Đông Nam bộ… mỗi nơi tôi đến đều để lại những kỷ niệm trong cuộc đời làm báo.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều nhà phóng viên, nhà báo cũng sẽ có ấn tượng với những cuộc tác nghiệp tại các công trình, dự án trọng điểm vùng và quốc gia về xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ở những nơi này, việc tác nghiệp có những quy định riêng biệt, thậm chí nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sự an toàn cho phóng viên, nhà báo.

Cuối năm 2023, lúc đó, nhà báo Mai Thanh, Phó Trưởng Văn phòng đại diện tại Đông Nam bộ giao nhiệm vụ tác nghiệp về tiến độ “siêu” dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Dù đã có kinh nghiệm tác nghiệp ở một số dự án công trình về hạ tầng kỹ thuật nhưng với tôi, mỗi dự án sẽ có một đặc thù riêng, vì vậy, trước giờ “G”, tôi vẫn thường dành khoảng 1 ngày để tìm hiểu về địa điểm nơi mình sẽ đến cùng các thông tin bổ trợ khác và đặc biệt chuẩn bị thật kỹ các phương tiện, máy móc cho quá trình sáng tác cũng như liên hệ công tác.

Tác nghiệp ở công trường “siêu” dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4
Tác giả trong quá trình tác nghiệp tại dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km, tôi quyết định đi xe máy để thuận tiện trong di chuyển vì dự đoán cung đường đi có thể sẽ gặp khó khăn do vị trí nhà máy nằm ở gần sông Lòng Tàu (giáp ranh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh). Muốn vào công trường, tôi phải liên hệ công tác với Ban quản lý dự án để được hướng dẫn vào dự án thuận lợi. Quá trình tác nghiệp, tôi được kỹ sư Lại Hải Triều, Giám đốc công trường dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 – Lilama hướng dẫn nhiều vấn đề liên quan việc sáng tác. Cụ thể, tất cả mọi người khi vào công trường, điều đầu tiên là phải đảm bảo yếu tố an toàn và phóng viên cũng không phải ngoại lệ. Tôi được phát một bộ đồ bảo hộ lao động cũng như được hướng dẫn một số thông tin lộ trình di chuyển vì dự án khá rộng. Ngoài ra, việc tác nghiệp đều phải có kỹ sư đi cùng hướng dẫn vị trí.

Theo kỹ sư Lại Hải Triều, lãnh đạo dự án luôn tạo điều kiện để phóng viên, nhà báo tác nghiệp tốt nhất. Ngoài các yếu tố an toàn công trình, các kỹ sư cũng nghiên cứu các vị trí để phóng viên, nhà báo có thể sáng tạo những bức hình đẹp nhất. “Phần lớn các phóng viên, nhà báo khi đến dự án đều rất hài lòng với sự chuẩn bị chu đáo của anh em tại công trường”, kỹ sư Lại Hải Triều cho biết.

Dù đã “sẵn sàng” các phương án bảo bảo quản thiết bị như máy ảnh, máy quay, máy ghi âm trong quá trình tác nghiệp nhưng tôi cũng khá lo lắng vì công trường thi công khá nhiều bụi. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là với những thông tin được phổ biến, không biết những góc, vị trí mà các kỹ sư dự án sắp xếp có phù hợp như những gì tôi dự tính trong đầu hay không? Việc tác nghiệp có khó khăn hay không? Có được tiếp xúc nhiều với nhân vật hay không?

Tuy nhiên, những câu hỏi đó gần như đã được “giải tỏa” trong quá trình sáng tác. Đúng như khẳng định của Giám đốc công trường dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 – Lilama. Những góc hình mà các kỹ sư dự án sắp xếp đúng với những gì tôi định hình trong đầu khi tham khảo thông tin về dự án. Những vị trí, các hạng mục quan trọng nhất của dự án tôi đều được đến. Nhờ có đồ bảo hộ lao động, tôi dường như “miễn nhiễm” với bụi và thời tiết nắng nóng bên ngoài. Thiết bị máy móc trong quá trình tác nghiệp cũng được bảo vệ tối đa nên không ảnh hưởng nhiều đến việc sáng tác.

Điều ấn tượng nhất chính là việc tôi được tự do tiếp xúc với bất kỳ kỹ sư, công nhân nào ở dự án để phỏng vấn, trò chuyện. Không có một sự “sắp đặt” nào, tất cả những chia sẻ của nhân vật đều rất chân thật. Trong quá trình tác nghiệp, tôi được gặp nhiều kỹ sư lớn tuổi, trong đó có những người gắn bó với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama - thuộc tổng thầu dự án) có thâm niên làm việc trên 30 năm. Mỗi cuộc trò chuyện như thế cho tôi nhiều kỹ năng về khai thác thông tin, thấu hiểu hơn về hoàn cảnh của mỗi nhân vật để từ đó có những chất liệu phù hợp nhất cho tác phẩm của mình.

Ở nhiều hạng mục có độ khó về thi công kỹ thuật có kỹ sư và công nhân đang thao tác, tôi chịu khó quan sát thật lâu để ghi chép. Thuộc hàng yếu tố thông tin bảo mật, nhưng với sự thấu hiểu, chia sẻ, kỹ sư Lại Hải Triều “nhắc nhẹ” tôi: “Anh có thể chụp quá trình các kỹ sư thực hiện thi công kỹ thuật nhé! Đảm bảo không quá cận cảnh là được ạ”. Câu nói của vị Giám đốc công trường dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 – Lilama rất chân tình vì có lẽ anh biết rằng, phóng viên, nhà báo mỗi người có một cách tác nghiệp riêng. Được sự gợi ý đó, tôi nhanh chóng lựa chọn cho mình những góc chụp phù hợp nhất để lột tả được quá trình các kỹ sư, công nhân thi công chi tiết nhưng vẫn đảm bảo được lời “nhắn nhủ” của lãnh đạo dự án.

Một trong những điểm “cộng” để nói về dự án này chính là việc các kỹ sư ở đây luôn có sẵn hình ảnh flycam (thiết bị bay) để gửi cho các phóng viên, nhà báo. Chia sẻ về vấn đề này, kỹ sư Lại Hải Triều cho hay, đây là vấn đề liên quan đến an toàn bay trong khu vực, cũng như thực hiện đúng cam kết của lãnh đạo dự án. Vì vậy, mỗi ngày, tổng thầu đều phải dùng flycam để bay lấy hình ảnh kiểm tra tiến độ. Đây vừa là phục vụ cho dự án, vừa phục vụ cho phóng viên, nhà báo khi cần có hình ảnh toàn cảnh về dự án.

Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình tác nghiệp, cũng như sự hướng dẫn nhiệt tình của các kỹ sư tại dự án. Ba tác phẩm liên quan dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã đến với bạn đọc. Dù chưa biết hiệu ứng của các tác phẩm như thế nào nhưng với tôi đó là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trên hành trình “dấn thân” với nghề.

Thìn Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load