Thứ sáu 08/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Sống an toàn tại các chung cư có F0 cách ly tại nhà

18:35 | 18/08/2021

(Xây dựng) - Chung cư là nơi tập trung nhiều hộ dân trong cùng một tòa nhà, có nhiều không gian sử dụng chung nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khá cao. Trước tình hình biến chủng mới với độ lây lan nhanh, các ca nhiễm ngày càng tăng cao, bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân nhiễm Covid có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được Bộ Y tế hướng dẫn tự cách ly ở nhà. Vậy làm thế nào để sống an toàn tại các chung cư có F0 cách ly?

song an toan tai cac chung cu co f0 cach ly tai nha
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng).

Để trả lời câu hỏi này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng).

PV: Thưa ông, ông có ý kiến như thế nào về việc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19 và Bộ Y tế cho phép cách ly F1 và F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cộng đồng, có nghĩa là tại nhà riêng trong đó có căn hộ trong tòa chung cư?

PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều thành phố như Hồ Chí Minh, Bình Dương... Bệnh viện tại các tuyến, kể cả bệnh viện dã chiến đều trong tình trạng quá tải. Vì vậy, theo tôi việc cho phép cách ly F1 và F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà là cần thiết.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam cho phép các trường hợp F1 qua test nhanh có kết quả âm tính và F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà theo quy định hướng dẫn của Bộ Y tế. Mô hình điều trị F0 cũng luôn thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Giai đoạn đầu Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng mô hình tháp 3 tầng điều trị dựa vào mức độ nặng nhẹ, bệnh lý nền của bệnh nhân, sau đổi thành 5 tầng điều trị. Từ ngày 17/8, Thành phố Hồ Chí Minh lại áp dụng tháp 3 tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, Tầng 1: Chăm sóc sức khỏe F0 (không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ) tại nhà kết hợp với các điều kiện bảo đảm an sinh và tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện. Tầng 2: Thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền tại các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện điều trị Covid-19, các bệnh viện chuyển đổi công năng. Tầng 3: Hồi sức chuyên sâu các trường hợp F0 nặng, nguy kịch tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố và Bộ Y tế tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Do vậy việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho cả ba tầng điều trị là rất quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

song an toan tai cac chung cu co f0 cach ly tai nha
Tổ chống dịch covid cộng đồng được thành lập tại nhiều chung cư ở Hà Nội.

PV: Để đảm bảo an toàn cho cư dân sống tại chung cư không bị lây nhiễm chéo theo ông cần thực hiện những biện pháp cụ thể ra sao?

PGS. TS Vũ Ngọc Anh: Đối với cơ sở (căn hộ) dùng để cách ly F1, F0 cần đảm bảo các yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên theo góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực xây dựng trong đó có vấn đề môi trường vi khí hậu trong nhà và công trình. Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề an toàn dịch bệnh cho người dân sống trong chung cư, theo tôi Ban Chỉ đạo phống chống dịch covid 19 các địa phương trước khi quyết định để F1, F0 cách ly tại nhà cần khảo sát cụ thể căn hộ để cách ly. Căn hộ và gian phòng để cách ly phải đảm bảo mấy yếu tố:

Căn hộ đủ không gian, diện tích để đảm bảo cho người nhiễm bệnh và người không bị nhiễm bệnh sinh hoạt độc lập, tốt nhất chọn căn hộ có từ 3 phòng trở lên - không kể phòng phụ (ví dụ như: 02 phòng ngủ và 01 phòng sinh hoạt chung);

Các phòng phải độc lập, có tường ngăn từ mặt sàn đến trần đảm bảo không thông gió ngang từ phòng này sang phòng khác;

Phòng để cách ly F0 có vệ sinh khép kín, tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài, không bật điều hòa, không để cửa sổ hay cửa hút gió ra hàng lang, cầu thang bộ của chung cư;

Cửa phòng cách ly F0 cần đảm bảo kín, khít, hạn chế đóng mở (chỉ mở khi cần thiết), nếu đóng mở thì cần nhẹ, vừa đủ để tránh tạo luồng khí đối lưu quá mức.

Đối với Ban quản trị nhà chung cư cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để quản lý F1, F0, thông báo rộng rãi về việc F1, F0 được cách ly tại căn hộ nào, tầng nào để toàn thể cư dân được biết và cùng tham gia quản lý giám sát, chống dịch. Đối với thang máy cần giảm 50% trọng lượng tối đa cho phép. Ví dụ trọng lượng tối đa của thang máy là 600kg/lượt, tương đương 8 người/lượt, nay giảm xuống 300kg/lượt tương đương 4 người. Nơi nào không có Ban quản trị nhà chung cư thì cần thành lập Tổ chống dịch covid cộng đồng gồm đại diện chính quyền địa phương, cán bộ y tế và một số cá nhân có uy tín, có trách nhiệm của cộng đồng sống trong chung cư. Tổ chống dịch cộng đồng làm các chức năng hướng dẫn, giám sát đảm bảo để mọi cư dân sống trong chung cư có F1, F0 được an toàn.

Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra hệ thống quạt thông gió trong thang máy, thông gió hàng lang chung cư. Một số chung cư cao cấp có lắp đặt điều hòa trung tâm cho hành lang và khu sảnh tầng 1 không nên vận hành trong mùa dịch.

Ngoài ra vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt tại căn hộ có cách ly F1, F0 cũng hết sức lưu ý. Ban quản trị hay Tổ chống dịch cộng đồng thống nhất màu sắc, kích cỡ túi phân loại rác cho căn hộ có F1, F0 để dễ nhận biết, phân loại trong quá trình thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y Tế.

PV: Người dân đang ở khu vực giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các trường hợp cách ly tại nhà bị hạn chế rất nhiều hoạt động, theo ông xã hội cần quan tâm đến nhóm người này như thế nào để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần?

PGS. TS Vũ Ngọc Anh: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người cách ly tại nhà nên ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên, cùng với đó là duy trì tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Cần chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu, cần thiết như dung dịch khử khuẩn tay, khử khuẩn các bề mặt, nước xúc họng, nước muối sinh lý, khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng và 1 số loại thuốc thiết yếu như hạ sốt, sản phẩm nâng cao sức khỏe…

Và quan trọng nữa là, những trường hợp cách ly tại nhà cần được hỗ trợ về mặt tinh thần và được tư vấn y tế khi cần thiết. Dịch bệnh có thể kéo dài, các gia đình phải cách ly cộng đồng nên trang bị điện thoại hoặc thiết bị kết nối Wifi, thiết bị nghe nhìn để giải trí, nếu có điều kiện nên tổ chức sắp xếp lại phòng sinh hoạt chung thành không gian đa năng, sân vườn với các tiểu cảnh, tập thể dục nhẹ để mọi người cảm thấy thỏa mái, rũ bỏ tâm lý lo lắng…Với sự chuẩn bị kỹ và chu đáo, tôi tin rằng chúng ta đã thực hiện đúng khẩu hiệu mỗi gia đình, mỗi dãy phố, tổ dân cư là một pháo đài chống dịch và chúng ta sẽ vượt qua đại dịch với tổn thất ít nhất.

PV: Xin cám ơn ông!

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, F0 được cách ly tại nhà cần đảm bảo 6 điều kiện cũng như tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thứ nhất, Bộ Y tế quy định cụ thể về việc khám sàng lọc, phân loại F0 được cách ly tại nhà, trường hợp nào phải điều trị trong bệnh viện.

Thứ hai, F0 cần đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng, nhà ở, cơ sở vật chất. Cụ thể, các hộ gia đình phải có phòng riêng, khép kín. Các phòng có thể trong khu chung cư hoặc nhà riêng. Chung cư có điều hòa trung tâm thì không nên dùng làm nơi cách ly F0, bởi dễ lây lan dịch bệnh từ đây.

Thứ ba, F0 cần được gắn máy đo nồng độ oxy, hướng dẫn cụ thể cách theo dõi sức khỏe hằng ngày, cách sinh hoạt, tự cách ly tại nhà. Cán bộ y tế phải tư vấn cụ thể để F0 thường xuyên tự cập nhật và thông báo về tình hình sức khỏe như nhiệt độ, mạch đập, độ bão hòa oxy; khi có diễn biến nặng kịp thời đưa đến bệnh viện.

Thứ tư, các thành viên còn lại trong gia đình được coi là F1, cũng cần tự cách ly tại nhà. Vì vậy, việc mua đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cần có người hỗ trợ. Việc này có thể giao cho các tổ Covid-19 cộng đồng, đoàn thể địa phương và hướng dẫn cụ thể cách đảm bảo an toàn.

Thứ năm, cần quy định cụ thể việc giám sát F0 tại nhà. Giám sát F0 tại nhà khác với F1, bởi đây là những ca dương tính, có thể lây nhiễm cho người khác nên cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cần có quy trình cụ thể để nhân viên y tế địa phương vận dụng, khi nào đưa F0 đến bệnh viện; quá trình vận chuyển như thế nào... Cần tính đến phương án phải cấp cứu F0 nếu tình hình sức khỏe diễn tiến nặng nhanh.

Thứ sáu, xây dựng quy trình, số lần lấy mẫu xét nghiệm cho F0 tại nhà. Nhân viên y tế có thể mặc đồ bảo hộ hai lớp, khi đến nhà F0 sẽ bỏ lớp ngoài, để không bị lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho cộng đồng…

Bài: Sống an toàn tại các chung cư có F0 cách ly tại nhà tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Đặng Ngân – Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load