(Xây dựng) - Là bên đề nghị và nhiều lần đốc thúc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thêm một lần nữa phải bày tỏ quan điểm để quyền cổ đông của mình tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã CK: EIB) được tôn trọng.
Cả 2 phiên họp Đại hội đồng Cổ đông mà Eximbank tổ chức hôm 30/6 đều dùng chung “backdrop”. |
Như các thông tin truyền thông đã đề cập, “liên hoàn” Đại hội đồng Cổ đông của Eximbank hôm 30/6 đã “vỡ” cả 2 phiên: Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 (buổi sáng) và Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2019 (buổi chiều). Đều chung một lý do không đủ túc số để tiến hành.
Nếu như việc triệu tập phiên họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên lần thứ hai được HĐQT Eximbank khẳng định: “Sẽ thông báo thời gian và địa điểm cụ thể sau, theo thủ tục triệu tập được pháp luật quy định” và trên thực tế đã “chốt” tổ chức vào ngày 29/7/2020, thì việc triệu tập phiên họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường dường như đang bị tạm quên.
Là bên đề nghị và nhiều lần đốc thúc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường, giới lãnh đạo của SMBC thêm một lần nữa phải bày tỏ quan điểm, cũng như quyết tâm “thanh lọc” HĐQT Eximbank của mình.
Ngày 10/7/2020, đại diện của SMBC đã có Văn bản gửi HĐQT Eximbank liên quan đến việc triệu tập phiên họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2019 lần thứ hai. Lưu ý, văn bản cũng được đồng kính gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng – Ngân hành Nhà nước. Theo quan điểm của SMBC, việc triệu tập một cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông theo quy định tại Điều 33.2 của Điều lệ Eximbank cũng được áp dụng cho một cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường.
Cụ thể, trong trường hợp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành do không đủ túc số thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định tổ chức cuộc họp lần thứ nhất.
Do đó, SMBC yêu cầu HĐQT Eximbank quyết định và thông báo cho các cổ đông kế hoạch chi tiết cho việc triệu tập Đại hội đồng Cổ đông bất thường lần thứ hai trong thời gian sớm nhất có thể theo các điều khoản và điều lệ của Eximbank.
“Liên quan đến việc này, một điểm quan trọng cần lưu ý lại là cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường nhằm giải quyết các vấn đề thuộc về năm tài chính 2019, nhưng chưa được giải quyết vì bị trì hoãn thời gian dài.
Do đó, cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường cần phải được tiến hành trước để giải quyết xong tất cả các vấn đề của năm tài chính 2019, trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm tài chính 2020 và nhiệm kỳ 2020 – 2025”, Văn bản được Giám đốc Điều hành Cấp cao của SMBC ký, nêu rõ.
“Các vấn đề thuộc về năm tài chính 2019” mà SMBC đề cập nhiều khả năng chính là những nội dung mà họ đã nhiều lần đề xuất khi đề nghị tổ chức phiên họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường từ năm 2019. Đó là việc xem xét bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên HĐQT và cắt giảm quy mô HĐQT.
Không rõ có phải ngại đề xuất “thanh lọc” HĐQT mà SMBC đưa ra hay không mà có vẻ một bộ phận trong HĐQT Eximbank lại chưa muốn phiên Đại hội đồng Cổ đông bất thường 2019 của Ngân hàng này được tiến hành, hoặc chí ít là muốn trì hoãn thêm. Nên biết, cách đây ít tháng, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng đã phải ra Văn bản kết luận việc HĐQT Eximbank không triệu tập Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2019 được xem như là sự vi phạm của thành viên HĐQT. Các thành viên HĐQT không đồng ý tổ chức họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường đã bị lập biên bản xử phạt hành chính cá nhân.
Đáng nói hơn, khi nghị trình Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2019 lại rất được các cổ đông của Eximbank quan tâm. Bằng chứng là hôm 30/6, Đại hội này đã thu hút được sự tham dự của 129 cổ đông, đại diện cho 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết – cao hơn hẳn so với con số 17,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết “check-in” ở phiên Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra buổi sáng.
Dù số chưa đủ túc số để tiến hành vào hôm đó, nhưng nhắc lại rằng, theo quy định tại Điều lệ Eximbank - như SMBC đã dẫn ra: Trong trường hợp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành do không đủ túc số thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định tổ chức cuộc họp lần thứ nhất.
Mà nên biết, phiên Đại hội đồng Cổ đông lần thứ hai này sẽ được tiến hành với túc số yêu cầu chỉ là 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Với 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã “check-in” ở phiên 30/6, rõ ràng Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2019 lần thứ 2 của Eximbank sẽ có cửa rất sáng để tiến hành.
Nhưng phiên đại hội ở thời điểm “hoàng hôn” của nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) này liệu có còn ý nghĩa gì, nếu phiên Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 lại được tổ chức trước và thành công, kiện toàn xong xuôi thượng tầng lãnh đạo và các nội dung nền tảng khác cho nhiệm kỳ VII (2020 - 2025)?
Không lạ khi trong văn bản của mình, cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản đã đề nghị: “Cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường cần phải được tiến hành trước để giải quyết xong tất cả các vấn đề của năm tài chính 2019, trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm tài chính 2020 và nhiệm kỳ 2020 – 2025”.
Dĩ nhiên, khả năng thành công của phiên Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 lần thứ hai của Eximbank vẫn còn bỏ ngỏ, khi mà lần tổ chức hôm 30/6 túc số tham dự chỉ đạt hơn 17%.
Minh Anh
Theo