(Xây dựng) - Những dự án, công trình mới hình thành, đã và đang làm thay đổi diện mạo đô thị trên quê hương Bác (Nam Đàn, Nghệ An). Đặc biệt, công cuộc xây dựng Nông thôn mới, đang giúp Nam Đàn “thay da đổi thịt” từng ngày từ kinh tế, hạ tầng, văn hóa, xã hội đến đời sống người dân.
Nam Đàn đã đổi thay từng ngày từ kinh tế, hạ tầng, văn hóa, xã hội đến đời sống người dân. |
Phát huy những kết quả đã đạt được
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được Ban chỉ đạo Trung ương chọn là 1 trong những huyện Nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn.
Những năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh… ảnh hưởng đến tiến độ phát triển, nhưng Nam Đàn đã gặt hái được những kết quả khả quan trên lộ trình xây dựng huyện thành huyện Nông thôn mới.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo diện mạo mới trên quê hương Bác. |
Nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển mạnh, đồng bộ, các tuyến đường giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa… tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hưởng thụ của người dân.
Hệ thống lưới điện được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cung ứng điện thường xuyên và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu về sản xuất và dân sinh của người dân. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhận thức của nông dân từng bước chuyển biến sang tư duy sản xuất hàng hóa, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch.
Phát huy những kết quả đạt được từ việc xây dựng Nông thôn mới, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn quyết tâm thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm “xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”.
Ngay sau khi tiếp thu chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, UBND huyện Nam Đàn đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, tổ chuyên môn giúp việc cho Ban chỉ đạo huyện và chỉ đạo các xã thành lập đầy đủ bộ máy thực hiện chương trình từ xã đến thôn, xóm; Bộ máy thực hiện chương trình từ huyện đến xã, xóm hoạt động theo quy chế.
Sau 01 năm triển khai thực hiện Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ, Nam Đàn đã được một số kết quả nhất định.
Năm 2019, toàn huyện đã huy động trên 374,4 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Trong đó: Ngân sách các cấp 179,2 tỷ đồng, chiếm 47,86 %; nhân dân đóng góp 44,1 tỷ đồng, chiếm 11,78%; vốn lồng ghép, nguồn khác 151,1 tỷ đồng; ngoài ra nhân dân tự nguyện hiến 30.431m2 đất, tháo dỡ 10.111m2 tường rào và đóng góp 21.240 ngày công để thực hiện.
Nhiều mô hình chăn nuôi được đầu tư phát triển mạnh. |
Việc triển khai các dự án đầu tư từ nguồn dự phòng Trung ương cấp 108 tỷ được triển khai đảm bảo với 13 công trình hiện đang tổ chức đấu thầu; 13,5 tỷ nguồn sự nghiệp nông thôn mới được sử dụng đúng mục đích.
Trong năm qua, Nam Đàn đã chú trọng vào việc đầu tư nâng cấp các loại hình Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp nông, lâm, công nghiệp xã Nam Cường; Dự án Trang trại chăn nuôi tổng hợp tại xã Nam Lĩnh; Dự án sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, xưởng cán tole, xưởng sản xuất gạch Terrazzo, xưởng sản xuất ngói xi măng màu và dịch vụ vận tải tổng hợp; Hệ thống nông nghiệp công nghệ cao Bãi Lau Nam Lộc; Nhà máy sản xuất đóng chai, chế biến trà sen và trồng rau, củ, quả sạch công nghệ cao tại xã Khánh Sơn; Nhà máy bê tông và cấu kiện Nghi Sơn Nan Đàn.
Khu di tích Kim Liên mỗi ngày đều đón dòng người trên mọi miền Tổ quốc về dâng hoa, dâng hương viếng Bác rất đông. |
Hoàn thiện hạ tầng văn hoá như: Xây dựng nhà truyền thống huyện; đưa vào sử dụng Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Truyền thông; nâng cấp, sửa chữa các hạng mục sân vận động huyện (mái che, khán đài B, bờ rào, nâng cao mặt sân vận động); triển khai dự án xây dựng bể bơi thông minh tại vị trí quy hoạch.
Tại Khu di tích Kim Liên xây dựng một số hạng mục sân khấu phục vụ các hội diễn văn nghệ, ao cá Bác Hồ, hệ thống vườn hoa cây cảnh góp phần làm cho không gian di tích ngày càng sạch đẹp, sinh động, hấp dẫn du khách trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân và gắn với phát triển du lịch.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra
Ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Nam Đàn vinh dự được Trung ương chọn là một trong những huyện thí điểm xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu trong cả nước, nhưng huyện cũng xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện phải nỗ lực và quyết tâm cao nhất để phát huy thế mạnh, tiềm năng, khắc phục những khó khăn, yếu kém; đoàn kết, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Để đạt được mục tiêu đó, cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 - 2025”.
Với những kết quả đã đạt được huyện Nam Đàn đạt mục tiêu xây dựng hạ tầng kết nối du lịch như: Dự án bãi đậu xe và hệ thống giao thông phục vụ khách du lịch tại khu di tích Kim Liên đã lập xong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hiện đang trình góp ý hoàn thiện; bến thuyền vua Mai đã hoàn thành Báo cáo kinh tế kỹ thuật; Một số công trình cảnh quan như đường vào quê ngoại Bác Hồ đã trồng hoa, đường vào quê nội đang đổ đất xây móng bồn hoa.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 3 dự án tôn tạo đền vua Mai Hắc Đế, phục dựng đền Cả (xã Nam Thái), tôn tạo đình Giáp Đông (xã Nam Kim), đền Chỉ Thiện (xã Nam Cát); tổ chức đón Bằng công nhận di tích cấp tỉnh đền Thọ Toán (xã Nam Cường), nhà thờ họ Võ Khắc (xã Nam Kim), nhà thánh Hoành Sơn (xã Khánh Sơn), khảo sát và tiến hành lập hồ sơ xếp hạng các di tích: Nhà thờ họ Nguyễn Trọng (xã Nam Kim), họ Hà (xã Kim Liên).
Di sản phi vật thể dân ca ví dặm được quan tâm bảo tồn và khai thác. Tổ chức JICA đã hỗ trợ thành lập, đào tạo, kinh phí mua sắm nhạc cụ, trang phục cho câu lạc bộ dân ca ví dặm Hùng Sơn để biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Cùng với đó, các xã điểm xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu về “văn hoá gắn với du lịch” đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó tập trung cao để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, thực hiện phong trào xây dựng xóm “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”, bước đầu đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn như: Mô hình vườn thực nghiệm sinh thái tại Nam Giang, trang trại hoa gắn du lịch, dịch vụ và 4 hộ du lịch homestay Kim Liên đã cơ bản hoàn thiện các nội dung và có thể mở cửa phục vụ du khách; mô hình trang trại sinh thái đập Cửa Ông (xã Nam Nghĩa) đang tiến hành thi công các hạng mục.
Các mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả có giá trị kinh tế cao, các vùng sản xuất rau màu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Ngoài ra, huyện duy trì các mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả có giá trị kinh tế cao, các vùng sản xuất rau màu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP đã có; Nhân rộng mô hình nhà lưới tại Hùng Tiến, Nam Anh, Kim Liên, Nam Phúc; Xây dựng mới mô hình trồng nấm liên kết theo chuỗi tại Nam Lộc. Đến nay toàn huyện có 9 vùng sản xuất rau củ trong nhà lưới và 4 cánh đồng rau VietGAP.
Thực hiện chuyển đổi được 130ha diện tích đất bãi cao, đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, có 30ha sử dụng hệ thống tưới tiên tiến; chuyển trên 28ha diện tích vùng sâu trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen để cung cấp nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ sen.
Xây dựng thành công các mô hình sản xuất, chăn nuôi liên kết theo chuỗi, trong đó có 216ha lúa năng suất cao tại 4 xã Nam Thanh, Nam Lộc, Nam Kim, Nam Nghĩa; các mô hình nhà lưới sản xuất rau củ quả tại Kim Liên, Hùng Tiến, Nam Anh, Nam Phúc… cùng các mô hình chăn nuôi lợn, bò tập trung số lượng lớn.
Xác định xây dựng chiến lược quy hoạch kinh tế hạ tầng là nhiệm vụ hàng đầu nên việc quy hoạch vùng huyện Nam Đàn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4639/QĐ-UBND.ĐT ngày 20/11/2005. Hiện nay, UBND huyện đang triển khai điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035. Trong đó, nhiệm vụ quy hoạch vùng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 6914/QĐ-UBND ngày 30/12/2016. Đồ án quy hoạch đang trình UBND tỉnh phê duyệt.
Triển khai công bố quy hoạch xây dựng vùng Nam Đàn sau khi UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời chỉ đạo thực hiện quy hoạch theo quy định. Tiếp tục hoàn thành Đồ án Điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung thị trấn Nam Đàn (tỷ lệ 1/5000) trình UBND tỉnh phê duyệt. Phối hợp với Tập đoàn T&T hoàn thiện đồ án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.
Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp Phúc Cường trình UBND tỉnh phê duyệt, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới tại các xã: Nam Nghĩa, Nam Anh, Nam Thanh, Nam Cát, Nam Giang, Kim Liên. Quy hoạch 7 trung tâm văn hóa tại 7 xóm mẫu; quy hoạch công viên trung tâm; quy hoạch mẫu xóm “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”, xóm mẫu.
Giếng Phụ Đầm, Làng Sen được tôn tạo phục vụ du khách tham quan. |
Theo đó, mục tiêu tổng quát là nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “phát triển văn hóa gắn với du lịch”, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên cả nước.
Mục tiêu đến năm 2025, có 100% số xã của huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 6/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; cùng với đó, kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 - 43% cơ cấu kinh tế của huyện; hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí và được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện Nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch”.
Mục tiêu đến năm 2025, có 100% số xã của huyện đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới nâng cao. |
Nhìn vào số liệu trên để thấy được, đời sống, kinh tế của huyện Nam Đàn thay đổi theo từng năm, kéo theo đó là cơ sở hạ tầng, nhất là văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế trên quê hương Bác Hồ kính yêu đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Hoài An
Theo