Chủ nhật 06/10/2024 23:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Trị: Xuân đã về trên những “làng hoa” bên dòng Hiếu Giang  

20:24 | 05/01/2020

(Xây dựng) - Còn gần 20 ngày nữa mới đến Tết Canh Tý 2020, ấy thế mà từ Quốc lộ 1A, theo đường Hoàng Diệu ngược lên phía Tây Nam bờ Bắc sông Hiếu Giang, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) người ta có cảm giác như xuân đã về với đất trời, những vườn hoa lung linh sắc màu, người chơi hoa lũ lượt rong ruổi… tô thêm vẻ đẹp phố thị Đông Hà.

quang tri xuan da ve tren nhung lang hoa ben dong hieu giang
Những điểm kinh doanh hoa trên đường Hoàng Diệu, bờ Bắc sông Hiếu Giang, thành phố Đông Hà, Quảng Trị.

Hợp tác xã Đông Thanh, thành phố Đông Hà - nơi được mệnh danh "Làng hoa tâm linh", bởi Đông Thanh trồng hoa chủ yếu cung cấp cho người dân dùng vào việc thờ cúng.

Ông Phạm Văn Tường - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Thanh cho biết: Nghề trồng hoa hàng hóa Đông Thanh có từ hàng chục năm nay, chủ yếu trồng hoa cúc các loại, đưa tiêu thụ ở các thị trường như Đông Hà, Khe Sanh (Hướng Hóa)... Hàng năm, thu nhập từ trồng hoa đạt trên 1,2 tỷ đồng. Hoa được trồng nhiều để cung cấp vào các dịp như cúng đất tháng hai, rằm tháng tư, tháng bảy... và dịp Tết Nguyên đán. Toàn hợp tác xã có tổng diện tích trồng hoa trên 2,2ha.

Người dân ở đây chia sẻ: Bình thường trong vùng có khoảng 50 hộ trồng hoa, nhưng đến dịp gần Tết số hộ trồng hoa ở đây tăng gấp đôi. Bình quân mỗi năm, hộ trồng hoa có thêm thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/hộ/năm, trong đó có khoảng 10 hộ có mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm.

Nghề trồng hoa ở Đông Thanh đem lại một nguồn thu nhập rất đáng kể cho nhiều hộ gia đình ở đây, niềm phấn khởi ấy càng được nhân lên, bởi mấy năm trở lại đây, hoa của họ được thị trường rất ưa chuộng. Hoa trồng đưa ra thị trường bao nhiêu đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu. Đặc biệt, Hợp tác xã Đông Thanh được UBND thành phố Đông Hà đầu tư trại ươm giống hoa, với tổng diện tích gần 500m2, có mức vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng.

Đây là mô hình sản xuất giống hoa khép kín, có mái che, giàn tưới, giàn phun... bình quân mỗi năm sản xuất và cung ứng khoảng 500.000 - 600.000 cây giống hoa cúc các loại, đáp ứng khoảng 20% giống hoa cho bà con trồng hoa trong toàn hợp tác xã.

quang tri xuan da ve tren nhung lang hoa ben dong hieu giang

Ông Phạm văn Tường phấn khởi: "Có dự án ươm giống hoa giúp người trồng hoa Đông Thanh chủ động một phần giống thay cho việc trước đây phải lấy giống từ Đà Lạt hay Hà Nội, mô hình này thực sự đưa giá thành trồng hoa thấp xuống một phần đáng kể, người trồng hoa có thêm cơ hội mới để phát triển nghề trồng hoa...".

Nép mình bên bờ Bắc sông Hiếu, khu phố I, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà còn có cái tên “làng hoa An Lạc”, bởi nơi đây nổi tiếng nghề trồng hoa cảnh từ hơn một thập niên nay.

Nghề trồng hoa ở An Lạc chủ yếu tự phát, ban đầu chỉ có một số hộ, dần dần về sau số hộ trồng hoa được tăng lên hàng chục hộ. Trồng hoa ở đây cũng sớm đi vào quy củ, năm 2010, Đông Giang đã thành lập tổ hợp tác sản xuất hoa An Lạc, gồm có 10 thành viên tham gia.

Anh Hoàng Hữu Khiêm - Tổ trưởng cho biết: Làng An Lạc sản xuất hoa cảnh hàng hóa cách đây hơn 10 năm, nghề này càng về sau càng phát triển, một phần là nhờ thổ nhưỡng đất đai ở đây rất phù hợp trồng hoa, đặc biệt, thị trường đầu ra cũng gần với nơi sản xuất hoa, chỉ cần mang hoa đi vài cây số là có thể tiêu thụ được.

Tổ trưởng Khiêm cho biết thêm: Nắm bắt được thị trường hoa từ nhiều năm trước, theo quy luật sức tiêu thụ hoa ngày càng nhiều hơn, vì thế để phục vụ Tết Canh Tý, làng hoa An Lạc tăng thêm gần 10.000m2 diện tích trồng hoa, đưa tổng diện tích trồng hoa lên hơn 2ha. Theo đó, số chậu hoa các loại tăng lên từ 20 - 30%, đưa tổng số hoa cúc lên 50.000 chậu (tăng 10.000 chậu so với năm 2018), trong đó gồm 20.000 chậu hoa cúc, 30.000 chậu còn lại là hoa ly, hoa vạn thọ, hoa lữ, nho...

Dự kiến, doanh thu mùa hoa Tết Canh Tý của làng hoa An Lạc đạt khoảng hàng tỷ đồng, chi phí các khoản còn lãi từ 40 - 50%. Nhiều hộ gia đình ở An Lạc nhờ trồng hoa cảnh mà trở nên khá giả, với mức thu nhập gần cả trăm triệu đồng/năm.

Chị Hoàng Như Quỳnh - chủ cơ sở sản xuất hoa Đồng Giang Xanh, phường Đông Giang bộc bạch: Gia đình chị trồng hoa thương mại đã hơn 10 năm nay. Để phục vụ hoa cho Tết Canh Tý cơ sở chị đã trông 5.000 chậu hoa các loại, tăng 2.000 chậu so với Tết năm trước. Những tháng qua, thời tiết thuận lợi nên vườn hoa của chị phát triển tốt, với giá cả thị trường hiện tại, chỉ vụ Tết năm nay doanh thu vườn hoa cơ sở của chị Quỳnh đạt gần 400 triệu đồng, chi phí xong các khoản chị còn lại khoảng 30%.

Trồng hoa cảnh vừa là một nghề thú vui, lại cho thu nhập cao, song cũng lắm đỗi gian truân, đòi hỏi người trồng hoa phải có tính cần mẫn, khéo tay... Đặc biệt là có sự chỉ đạo sát sao và đầu tư thích đáng, đúng quy cách để hỗ trợ cho người trồng hoa, như vậy mới có được những chậu hoa đẹp mắt với người tiêu dùng.

quang tri xuan da ve tren nhung lang hoa ben dong hieu giang

Ông Lê Chí Hồng – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đông Hà cho biết: UBND thành phố Đông Hà đã xây dựng quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý vùng trồng trồng hoa chậu tập trung phường Đông Giang để làm cơ sở triển khai các mô hình. Theo đó, mô hình trồng hoa trong nhà màng theo hướng ứng dụng công nghệ cao được thành phố Đông Hà triển khai xây dựng năm 2018 và 2019 (nguồn vốn của tỉnh, thành phố và người dân đối ứng) tại vùng tập trung; đã xây dựng xong 09 nhà màng, đưa vào sản xuất năm 2019 (không tính 06 nhà màng trồng hoa ở vườn nhà do người dân bỏ vốn đầu tư). Hiện nay các nhà màng đang phát triển các loại hoa như: Hoa hồng, đồng tiền, dạ yến thảo, chuông... một số loại hoa cho sản phẩm hàng hoá thực thụ, giúp người dân trồng hoa sản xuất theo hướng bền vững và hiệu quả, điều đó đã và đang hiện hữu ở những vùng quê bên dòng Hiếu Giang của thành phố Đông Hà, Quảng Trị.

Hữu Tiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load