Thứ năm 07/11/2024 17:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Quảng Trị: Nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn các dự án ODA chậm  trễ?

11:45 | 28/03/2021

(Xây dựng) – Năm 2020, không có dự án ODA mới nào được ký kết, nhưng các dự án chuyển tiếp giải ngân rất chậm trễ. Thậm chí có một số dự án, các hạng mục công trình sử dụng nguồn vốn đối ứng đã được đầu tư hoàn thành nhiều năm nhưng vẫn “đắp chiếu” chờ gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị bằng nguồn vốn nước ngoài, gây ra sự lãng phí.

quang tri nguyen nhan khien cong tac giai ngan von cac du an oda cham tre
Đường Thanh Niên nối từ Quốc lộ 1 (thành phố Đông Hà) đến Quốc lộ 9 về đến Khu du lịch dịch vụ Cửa Việt, được đầu tư bởi ngồn vốn ODA.

Năm 2020, tỉnh Quảng Trị không có dự án ODA mới được ký kết Hiệp định vay với nhà tài trợ, chỉ có 17 dự án đang triển khai dở dang được bố trí vốn, với tổng vốn trên 919 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng 163,845 tỷ đồng, vốn nước ngoài 755,962 tỷ đồng.

Các dự án ODA hoàn thành hoặc hợp phần dự án sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương…

Tuy nhiên, công tác giải ngân các dự án ODA năm 2020 còn thấp, đạt 561,567 tỷ đồng, bằng 61% so với kế hoạch vốn được giao trong năm. Và lũy kế giải ngân vốn các dự án ODA từ đầu dự án đến hết năm 2020 là 3.219,511 tỷ đồng, chỉ bằng 45% tổng vốn được phê duyệt.

Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn các dự án ODA bị chậm trễ như: Một số dự án đề xuất nhu cầu vốn nước ngoài kế hoạch 2020 bao gồm phần vốn dư, vốn dự phòng xây lắp và vốn giảm giá sau đấu thầu do chưa hoàn tất thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án dẫn đến vốn nước ngoài được giao trong kế hoạch 2020 cao hơn so với nhu cầu thực tế của các dự án.

Thủ tục trình nhà tài trợ cho ý kiến không phản đối mất rất nhiều thời gian, hồ sơ mời thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng xây lắp... phải được nhà tài trợ thông qua trước khi chủ đầu tư ký kết hợp đồng với nhà thầu. Thời gian xem xét không phản đối có thể kéo dài 3 tháng cho mỗi bước, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai vì vậy thời gian thực hiện bị kéo dài, kế hoạch vốn được giao không thể giải ngân.

Dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nước ngoài phần cấp phát từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch 2020, nhưng do chưa hoàn tất thủ tục thẩm định khả năng vay, trả nợ của địa phương tại Bộ Tài chính nên Hợp đồng vay lại của dự án chưa được ký kết. Phần vốn địa phương vay lại chưa được giao trong kế hoạch 2020 nên không thể giải ngân được phần vốn nước ngoài cấp phát cho dự án.

Hồ sơ rút vốn của một số dự án do Ban quản lý dự án Trung ương chủ trì tổng hợp trình Bộ Tài chính để giải ngân, không ủy quyền cho chủ đầu tư tại địa phương thực hiện. Tuy nhiên, hướng dẫn về thủ tục rút vốn từ Ban quản lý dự án Trung ương chưa đầy đủ, hồ sơ trình qua nhiều cấp trung gian nên mất nhiều thời gian, chậm trễ, không kịp thời nên tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng rất lớn.

Một số dự án gặp vướng mắc do thay đổi cơ chế giải ngân nên không thể giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Sau nhiều kiến nghị, đến ngày 14/7/2020, Chính phủ có Nghị quyết số 105/NQ-CP thống nhất thực hiện giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc chương trình phát triển giáo dục giai đoạn 2 và chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo Việt Nam trong kế hoạch năm 2020.

Những thay đổi, điều chỉnh của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ dẫn đến việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công kéo dài hơn so với dự kiến đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ mời thầu, trao thầu và giải ngân của dự án. Một số dự án ODA phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện và phần phát sinh thuộc nhiệm vụ cân đối, bố trí của ngân sách địa phương. Trong điều kiện ngân sách rất khó khăn, không thể cân đối, bố trí kịp thời theo nhu cầu của dự án dẫn đến tiến độ giải phóng mặt bằng bị chậm trễ.

Hạng mục giải phóng mặt bằng của một số dự án ODA do UBND các huyện chịu trách nhiệm bố trí vốn từ nguồn ngân sách được phân cấp để triển khai nhưng do điều kiện địa phương khó khăn, không thể cân đối để bố trí cho dự án đã làm ảnh hưởng đến tiến độ trao thầu và triển khai thi công.

Dự án hệ thống cấp nước xã Vĩnh Long, xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) và Dự án hệ thống cấp nước xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng), Hiệp định dự án đã kết thúc từ 29/3/2016. Phần vốn đối ứng thuộc trách nhiệm của địa phương đã được bố trí đủ cho dự án và các hạng mục công trình sử dụng nguồn vốn đối ứng đã được đầu tư hoàn thành. Trong khi đó gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị ngành nước (do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện) sử dụng nguồn vốn do Italia tài trợ vẫn chưa được thực hiện khiến dự án phải dừng lại, một số hạng mục đã thi công “phơi mưa, phơi nắng”. Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính cho phép tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng vốn đối ứng được cấp và huy động sự đóng góp của người hưởng lợi để mua sắm vật tư hàng hóa, đảm bảo xây dựng hoàn thành nhà máy nhưng vẫn chưa được Bộ Tài chính giải quyết triệt để.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, đặc biệt là tiến độ giải ngân vốn dự án ODA trên địa bàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiến nghị, đề xuất những giải pháp xử lý cụ thể. Riêng dự án hệ thống cấp nước xã Vĩnh Long, xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) và dự án hệ thống cấp nước xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất chủ trương cho dừng sử dụng phần vốn nước ngoài, sử dụng vốn đối ứng mua sắm vật tư, thiết bị để hoàn thành công trình đưa vào sử dụng như đề xuất tại Văn bản số 2349/UBND-CN ngày 29/5/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị.

Hữu Tiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load