Thứ sáu 20/09/2024 10:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Ninh: Khôi phục cây rừng bản địa thân gỗ lớn

12:13 | 10/02/2022

(Xây dựng) – Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Tết trồng cây ở Thôn 1, xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái có bài phát biểu về chủ trương khôi phục cây rừng bản địa thân gỗ lớn, rừng ngập mặn... được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Báo điện tử Xây dựng điện tử trân trọng giới thiệu nội dung chính trong bài phát biểu này.

quang ninh khoi phuc cay rung ban dia than go lon
Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại thành phố Móng Cái.

“...Cách đây hơn 60 năm, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên Báo Nhân dân với tựa đề “Tết trồng cây”, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Cuối năm Kỷ Hợi (1959), Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là “Tết trồng cây”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Kể từ đó đến nay, “Tết trồng cây” theo lời dạy của Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một truyền thống, tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45 ngày 30/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 9095 ngày 30/12/2021 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022, trong đó đặt mục tiêu cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn năm 2021-2025.

Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức trồng cây, trồng rừng, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, nhất là trong các dịp đầu xuân năm mới. Việc tổ chức “Tết trồng cây” đã trở thành truyền thống tốt đẹp, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng; Phong trào trồng cây, trồng rừng đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực biên giới, ven biển đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được triển khai sâu rộng và thiết thực. Nhờ đó, năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển lâm nghiệp bền vững, cụ thể:

Trồng rừng tập trung đạt 12.575,5ha, tăng 127% so với kế hoạch tăng trưởng (trong đó, rừng trồng phòng hộ: 586,9ha; rừng trồng sản xuất: 11.988,6ha); Trồng cây phân tán các loại 750.039 cây; Trong 02 năm 2020-2021 đã tổ chức trồng mới và trồng bổ sung 261 ha rừng ngập mặn. Mật độ che phủ rừng đến hết năm 2021 đạt 55%.

Thành lập Khu rừng đặc dụng Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn Quảng Nam Châu, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát huy hiệu quả phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, đảm bảo an ninh nguồn nước; Góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Ninh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo đó: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV và Nghị quyết số 19 ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định quan điểm quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển đổi cơ cấu, trồng cây đa tác dụng, đa mục tiêu, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng rừng rồng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn, phục hồi môi trường trồng rừng trên các bãi thải than…; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước và hình thành vốn tài nguyên du lịch sinh thái. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng ổn định chiếm 55% và nâng cao chất lượng rừng.

Nghị quyết số 08 ngày 25/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và Kế hoạch số 22 ngày 21/01/2022 của UBND tỉnh xác định mục tiêu trồng mới ít nhất 2.500ha cây Lim, Giổi, Lát bản địa ở những nơi có điều kiện phù hợp trong năm 2022.

Trong đợt phát động này, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 650.000 cây gồm các loài Lim, Dổi, Lát, Sồi phảng, Long lão, Sao đen, Tùng Cô Tô, Tùng tháp… cao hơn 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020; tập trung trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, cây có giá trị, đặc biệt là cây Lim, Dổi, Lát để phát triển rừng gỗ lớn tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, thành phố Móng Cái phấn đấu trồng trên 33.000 cây.

quang ninh khoi phuc cay rung ban dia than go lon
Trồng cây khôi phục rừng ngập mặn ở Thôn 1, xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái.

Thành phố Móng Cái có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 28.674,3ha, chiếm 55,19% tổng diện tích đất tự nhiên; Việc phát triển rừng bền vững của thành phố Móng Cái là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Để hoàn thành mục tiêu trồng 62,5ha rừng bằng các loài cây Lim, Dổi, Lát trên tổng số 500ha rừng trồng năm 2022; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,38% theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, đề nghị các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành và thành phố Móng Cái cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về Lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng.

Hai là tạo chuyển biến căn bản, sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của rừng và đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng khôi phục và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây lâm nghiệp để đến năm 2025, đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp theo chuỗi, kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giống cây lâm nghiệp; tỉnh đảm bảo nguồn cung cấp giống cây lâm nghiệp từ vườn ươm giống ứng dụng công nghệ cao, vườn ươm đạt tiêu chuẩn.

Ba là triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn theo chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Đảm bảo đúng thời vụ, biện pháp lâm sinh, chất lượng cây giống, phù hợp thổ nhưỡng và quy định về đầu tư trồng rừng. Tăng cường năng lực, công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp để tự chủ nguồn giống, cung cấp nguồn giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh.

Bốn là huy động nguồn lực đầu tư phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp, gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022; triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tổ chức trồng cây trong giai đoạn 2021-2025 ở mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.

Năm là thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật; kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bảo vệ rừng phòng hộ Móng Cái tại các khu vực rừng đầu nguồn Hồ Tràng Vinh, rừng ngập mặn theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trồng rừng vành đai biên giới theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Sáu là trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU và kết quả thực hiện một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh để nghiên cứu, mở rộng phạm vi áp dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn; Rà soát, có giải pháp hỗ trợ người dân ổn định đời sống để phát triển trồng rừng cây gỗ lớn.

Lễ ra quân đầu xuân và số cây được trồng tại thành phố Móng Cái ngày hôm nay sẽ là một sự khởi đầu mới tốt đẹp cho phong trào trồng cây, trồng rừng trong toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng, góp phần xây dựng thành phố Móng Cái phát triển toàn diện, bền vững, đảm bảo môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp và ngày càng nâng cao chất lượng môi trường sống”.

 Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load