Thứ sáu 20/09/2024 18:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Ninh: Đại úy Trần Dịch ra đi, gợi lại tráng ca bảo vệ vùng trời khu mỏ

12:24 | 20/02/2023

(Xây dựng) - Trong giờ phút lâm chung của vị cựu Đại úy từng làm tham mưu trưởng của Trung đoàn pháo cao xạ, bảo bệ vùng trời khu mỏ Quảng Ninh trong cuộc không kích lần thứ nhất của quân Mỹ ra miền Bắc, đồng đội thương tiếc vị chỉ huy năm nào, lại gợi nhớ đến tráng ca những trận chiến đấu oanh liệt ngày đó.

Quảng Ninh: Đại úy Trần Dịch ra đi, gợi lại tráng ca bảo vệ vùng trời khu mỏ
Cựu Đại úy Trần Dịch (1922-2023), lão thành cách mạng, từng làm tham mưu trưởng Trung đoàn pháo cao xạ 217 bảo vệ vùng trời Quảng Ninh.

Cựu Đại úy Trần Dịch sinh ngày 10/02/1922 trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước tại thôn Cựu Thụy, xã Phạm Hồng Thái, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Khi 18 tuổi, Trần Dịch làm công nhân đốt lò hơi tại Nhà máy điện Yên Phụ và sớm giác ngộ cách mạng; năm 1935 ông đã tham gia tổ chức cách mạng và được giao nhiệm vụ trấn áp bọn Việt gian, tay sai chỉ điểm cho phát xít Nhật, thực dân Pháp đàn áp phong trào công nhân yêu nước; ngày 10/01/1945, Trần Dịch được kết nạp vào Đảng.

Với thời gian 26 năm công tác, cuối năm 1971, Đại úy Trần Dịch về nghỉ hưu, cư trú ở tổ 38, khu 4, phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Cựu Đại úy Trần Dịch có bề dày cống hiến với trang tiểu sử vẻ vang: Cán bộ Lão thành cách mạng; Huân chương chiến công hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Cựu Đại úy Trần Dịch ra đi ngày 7/02/2023, do tuổi cao (102 tuổi), bệnh trọng. Khi còn công tác, Đại úy có 16 năm tuổi quân (1955-1971), từng làm tham mưu trưởng của Trung đoàn pháo cao xạ 217 bảo vệ vùng trời khu mỏ. Những người đồng đội của cụ nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, ai cũng nghẹn lòng về sự thiệt thòi của những người lính ngày khai quốc, nay chức vụ ấy phải là Đại tá.

Quảng Ninh: Đại úy Trần Dịch ra đi, gợi lại tráng ca bảo vệ vùng trời khu mỏ
Cựu Trung úy Phạm Khắc Định, Thượng tá Phạm Văn Kim, Chính trị viên đoàn 22 Hải Quân cùng cựu chiến binh Trung đoàn pháo cao xạ 272 thăm trận địa xưa.

Cựu Trung úy đại đội trưởng Phạm Khắc Định 83 tuổi, cư trú ở khu 2 phường Bãi Cháy tiễn biệt người đồng đội cũ chia sẻ: “Đời lính lớp trước thiệt thòi, bạn mình là Nguyễn Tuấn Biên, quê ở thị trấn Hưng Yên làm trợ lý tác chiến Trung đoàn, nhưng 10 năm vẫn quân hàm chuẩn úy, tham mưu trưởng Trần Dịch cũng Đại úy thâm niên”.

Cuộc đời binh nghiệp của cựu Đại úy Trần Dịch gắn với ụ pháo phòng không bảo vệ vùng trời khu mỏ. Ngày 02/8/1964, tàu khu trục USS Maddox của Mỹ xâm phạm hải phận miền Bắc nước ta, ta cho 3 tàu phóng lôi P-4 của hải đội Ngư lôi 135 ra xua đuổi, đôi bên có nổ súng tới giáp hải phận quốc tế. Quân Mỹ đã dựng lên Sự kiện vịnh Bắc bộ để dùng không quân đánh phá miền Bắc. Ngay hôm sau, ngày 3/8/1964, quân Mỹ đã huy động trên 100 chiếc máy bay với 3 đợt không kích dữ dội các cửa biển quan trọng của ta, từ sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Nghệ An) đến Lạch Trường (Thanh Hóa).

Khoảng 14h30 ngày 5/8/1964, hàng trăm chiếc máy bay Mỹ cất cánh từ Hạm đội 7, căn cứ hải quân lớn của chúng ở vịnh Bắc bộ, chia làm nhiều tốp lao vào ném bom, bắn tên lửa vào tàu hải quân ta đang neo đậu ở quân cảng Cửa Lục (cảng xăng dầu B12 hiện nay) thuộc phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Quân Mỹ không ngờ chạm vào đất mỏ là chạm vào lửa bỏng, quân dân thị xã Hồng Gai khi ấy (nay là thành phố Hạ Long), đã giáng cho chúng một đòn đau. Lưới lửa phòng không trên bờ tầng tầng, lớp lớp kịp thời nổ súng chi viện cho tàu Hải quân dưới biển nhổ neo tác chiến. Trong đó, tàu HQ 225 do thuyền trưởng Lê Văn Chừng và các tàu HQ 134, HQ 227 tuy có chiến sĩ thương vong nhưng vẫn rẽ sóng ra khơi anh dũng chiến đấu. Trận ấy, quân ta đã bắn cháy 3 máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ và bắt sống phi công, được coi là trận chiến đấu đối không kinh điển đi vào lịch sử trận đầu chiến thắng không quân Mỹ của Việt Nam.

Trận đầu chiến thắng không quân Mỹ 5/8/1964, khi ấy lực lượng phòng không mặt đất ở khu mỏ nòng cốt là Tiểu đoàn pháo cao xạ 217, thuộc Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân. Tiểu đoàn 217 thành lập tháng 3/1963 đội hình 3 đại đội, mỗi đại đội là một trận địa pháo gồm 6 cỗ pháo 88mm và có súng máy phòng không 14,5mm bảo vệ. Đại đội 141 đóng ở đồi Gốc đa Hà Tu, có 1 trung đội 4 khẩu 14,5mm 1 nòng đi kèm; Đại đội 142 đóng ở Bãi Cháy, có 1 khẩu 14,5mm 4 nòng đi kèm; Đại đội 143 đóng ở đồi Cột 3, có 1 khẩu 14,5mm đi kèm. Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Nông Ích Hiển, Thượng úy Trần Tam làm tham mưu trưởng. Khi ấy cán bộ tiểu đoàn pháo cao xạ 217 hầu hết trưởng thành từ lính bộ binh ít kiến thức về tác xạ trên không trung. Cả đơn vị chỉ có Thượng úy Trần Tam sĩ quan tham mưu từng là chiến sĩ của Trung đoàn 367 pháo cao xạ đầu tiên của ta được thành lập ngày 01/4/1953, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị bắn rơi 52 máy bay của quân Pháp trên bầu trời Điện Biên (toàn mặt trận Điện Biên Phủ quân ta bắn rơi 62, bắn bị thương 153); trong đó có pháo đài bay B.24, loại máy bay hiện đại nhất của quân Pháp được Mỹ trang bị, bị chính khẩu đội 37mm của Trần Tam bắn rơi. Một sự trùng lặp lý thú, Trần Tam người sĩ quan tham mưu từng là pháo thủ trong đơn vị bắn rơi chiếc máy bay B.24 hiện đại đầu tiên của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thì tròn 10 năm sau 1964 lại là người tham mưu chỉ huy chiến đấu bắn rơi tại chỗ chiếc A4D máy bay hiện đại của Mỹ và bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc.

Cựu Trung úy Phạm Khắc Định kể chi tiết về đại đội bắn rơi chiếc máy bay cường kích A4D hôm đó là Đại đội 141, trận địa bố phòng ở mỏm đồi Gốc Đa phường Hà Tu (nay đại đội pháo phòng không của tự vệ mỏ than mang tên Anh hùng Đặng Bá Hát đang chốt giữ). Khi ấy, Đại đội trưởng là Thượng úy Đinh Công Sự quê ở huyện Quế Võ, Hà Bắc; Chính trị viên Đại đội là Lê Minh Lý quê ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Trung đội trưởng súng máy phòng không 14,5mm là Lê Xuân Kiệm; Trung đội phó là Trương Thanh Luyện; hạ sĩ Đào Ngọc Sao là khẩu đội trưởng khẩu đội 2, hiện 82 tuổi cư trú ở tổ 5 khu 11, phường Thanh Sơn, Uông Bí. Khi chiến trận xảy ra, Trung đội trưởng Lê Xuân Kiệm đi công tác vắng Trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy thay.

Chiến sự đang nóng bỏng thì trinh sát cấp báo một chiếc máy bay A4D (Skyhawk) bay thấp, men theo thung lũng Sặc Lồ (sườn bãi thải mỏ Núi Béo ngày nay) ra biển. Tức tốc 4 khẩu 14,5mm chuyển hướng bám theo, giây lát lọt vào tầm bắn. Trương Thanh Luyện phất cờ, khẩu đội của hạ sĩ Đào Ngọc Sao cùng đơn vị nhả đạn. Những viên đạn lửa đỏ lừ phầm phập cắm vào bụng chiếc máy bay, khiến nó bốc cháy rồi rơi xuống cái Đầu Mối, cách trận địa hơn 1.000m đường chim bay. Giặc lái nhảy dù xuống Khe Cá, Hà Tu, vùng nước ven vịnh Hạ Long, bố con lão ngư đánh cá gần đó chèo thuyền ra bắt sống (bố con lão ngư nay chưa rõ danh tính) và giao cho Thiếu tá Vũ Đình Mai, tỉnh đội trưởng đang chỉ huy lực lượng truy bắt tên phi công này (sau biết người lính Mỹ xấu số ấy là Trung úy Anvaret, phi công Mỹ đầu tiên ta bắt được trên miền Bắc).

Quảng Ninh: Đại úy Trần Dịch ra đi, gợi lại tráng ca bảo vệ vùng trời khu mỏ
Cựu thượng úy Vũ Công Kích năm nay 85 tuổi ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, người tham gia 2 cuộc chiến tranh chống quân Mỹ không kích Quảng Ninh, từng chỉ huy trận địa pháo, không bắn chết lính phi công khi máy bay ta đã bắn cháy lúc 10h ngày 19/7/1972 trên vùng trời thị xã Hồng Gai.

Để gỡ thế thất trận ở miền Nam, quân Mỹ ngày một đẩy mạnh cuộc chiến tranh bắn phá ra Miền Bắc, chúng đã huy động Sư đoàn 2 Không quân (sau là lực lượng Không quân của Hải quân hạm đội 7), mở chiến dịch Sấm Rền, kéo dài từ ngày 2/3/1965 đến 01/11/1968. Đầu năm 1965, Tiểu đoàn 217, phát triển lên cấp Trung đoàn, do Trung tá Khoát là chính ủy; Trung tá Lê Sang là Trung đoàn trưởng; đại úy Lê Sam làm chủ nhiệm chính trị; Trần Tam lên cấp Đại úy tham mưu trưởng Trung đoàn. Đơn vị bảo vệ vùng trời toàn Quảng Ninh, Thượng úy Trần Dịch được Quân khu điều về Trung đoàn và được cử làm chỉ huy cụm (tương đương cấp tiểu đoàn) pháo phòng không bảo vệ khu vực Uông Bí; sau đó lên Đại úy làm tham mưu trưởng thay Đại úy Trần Tam được đề bạt chức cao hơn. Từ năm 1964-1968, Trung đoàn pháo cao xạ 217 cùng quân dân vùng mỏ chiến đấu trên 2.000 trận, bắn rơi 173 chiếc máy bay Mỹ.

Quảng Ninh: Đại úy Trần Dịch ra đi, gợi lại tráng ca bảo vệ vùng trời khu mỏ
Những cựu chiến binh từng là các bộ chủ chốt của Trung đoàn pháo cao xạ 272 tâm sự, càng ngày càng thấy rõ giá trị nhân văn của quân dân Quảng Ninh, không bắn chết phi công khi những người lính Mỹ ngày ấy đang bị thất thế.

Đại úy tham mưu trưởng Trần Dịch ra đi để lại kỷ niệm sâu sắc cho đồng đội về một người chỉ huy có tác phong nhà binh “quân lệnh như sơn”. Ý kiến tham mưu thường dứt khoát, đôi khi lính cảm thấy người chỉ huy của mình khô cứng, nhưng dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Tác phẩm chính của Đại úy tham mưu trưởng Trần Dịch ngày ấy là phương án tác chiến với chiến thuật nghi binh, dựng các trận địa phòng không giả, dụ bom đạn địch vào chỗ không người, và nhìn mặt đất đâu đâu cũng là trận địa pháo tầm thấp, khiến phi công Mỹ bay trên cao vô cùng sợ hãi không dám sà xuống thấp ném bom, nhiều chiếc phải vứt vội bom đạn xuống sông xuống biển mà chuồn. Tham mưu trưởng Trần Dịch, đề xuất với ban chỉ huy trung đoàn xây dựng mối đoàn kết quân dân, huy động xe máy của các mỏ than bí mật mở đường lên núi, lập phòng tuyến phòng không trên cao có các trận địa dự phòng liên hoàn để cơ động chiến đấu trong mọi tình huống.

Quảng Ninh: Đại úy Trần Dịch ra đi, gợi lại tráng ca bảo vệ vùng trời khu mỏ
Trung úy phi công Anvaret bị bắt sống trong trận đầu quân Mỹ không kích vùng mỏ 5/8/1964 (ảnh tư liệu).

Những con đường chiến lược, trận địa phòng không chiến lược mà Đại úy tham mưu trưởng Trần Dịch khởi thảo, Trung đoàn 217 xây dựng. Khi quân Mỹ phát động cuộc không kích lần thứ II ra miền Bắc (4-12/1972), chúng đánh phá khu mỏ mở đầu là trận 10/5/1972 đánh bom vào thị xã Hồng Gai, các tiểu đoàn pháo cao xạ 237, 239, 241, 243 sau phát triển lên cấp Trung đoàn 272 và lực lượng phòng không của tự vệ mỏ Than đều sử dụng lại rất hiệu quả. Công sự kiên cố, ít thương vong; trận địa trên cao nâng tầm hỏa lực, tầm bắn rộng… lần này Quảng Ninh bắn rơi 27 chiếc máy bay. Trong đó, Tiểu đoàn pháo cao xạ 237, hậu duệ của Trung đoàn 217 bắn rơi 4 chiếc.

Quảng Ninh: Đại úy Trần Dịch ra đi, gợi lại tráng ca bảo vệ vùng trời khu mỏ
Trận địa pháo 88mm của đại đội 142, tiểu đoàn 217 tham gia trận 5/8/1964 (ảnh tư liệu).

Kỷ niệm hằn sâu trong cuộc đời người lính pháo phòng không bảo vệ vùng trời khu mỏ, trong hai lần quân Mỹ không kích ra miền Bắc (lần thứ nhất từ 1964-1968 và lần thứ hai từ tháng 4-12/1972), quân dân Quảng Ninh đã trải qua 4 năm, 1 tháng, 7 ngày (tính ra vừa tròn 1.500 ngày) trực tiếp đối mặt với các cuộc oanh kích ác liệt của máy bay Mỹ. Trong 1.500 ngày đêm ấy, quân Mỹ đã đánh vào Quảng Ninh 2.340 trận, rải 28.531 quả bom, mìn, thuỷ lôi các loại (ước khoảng 9.680 tấn bom đạn); giết hại 2.501 người và làm bị thương 3.976 người, gây thiệt hại về tài sản hết sức nặng nề. Trong đó, đại tang lớn nhất vào ngày 20/7/1972 tại thị trấn Hà Lầm trên 100 dân thường thương vong.

Trong 1.500 ngày chiến đấu anh dũng, quân dân Quảng Ninh đã bắn rơi 200 máy bay Mỹ và bắt sống 24 lính phi công. Lực lượng nòng cốt làm nên chiến thắng là Trung đoàn pháo phòng không 217 giai đoạn (1964-1968); các tiểu đoàn pháo cao xạ 237, 239, 241, 243 sau phát triển lên cấp Trung đoàn 272 giai đoạn (4-12/1972).

Lão thành cách mạng Trần Dịch ra đi, đồng đội gợi nhớ tên người, tên đất đã cống hiến trong kháng chiến, lịch sử sẽ không quên “tráng ca” bảo vệ vùng trời khu mỏ Quảng Ninh ngày ấy.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load