(Xây dựng) - Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, xếp thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Sản xuất công nghiệp của Tập đoàn Trường Hải vẫn là nguồn thu chủ lực của tỉnh Quảng Nam. |
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6.487 tỷ đồng, đạt 25% dự toán và giảm 29% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa 5.215 tỷ đồng, đạt 26% dự toán năm và giảm 18% so với cùng kỳ. Thu ngân sách chủ yếu ở khu vực công thương ngoài quốc doanh mà Tập đoàn Ôtô Trường Hải là chủ lực là 3.415 tỷ đồng, chiếm 65,48% tổng thu nội địa, đạt 25% dự toán, giảm 30% so với cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu 1.268 tỷ đồng, đạt 22% dự toán, giảm 55% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 5.628 tỷ đồng, bằng 17% dự toán năm, đạt 100% so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 13.710 tỷ đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, duy trì tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%. Khu vực dịch vụ trong quý I/2023 đã có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hỗ trợ cho sự sụt giảm của khu vực công nghiệp - xây dựng, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bị giảm sâu do một số nguồn thu, lĩnh vực trọng điểm đạt thấp, đặc biệt nguồn thu chủ lực từ Tập đoàn Trường Hải.
Bên cạnh một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước như: cát tự nhiên, nước ngọt, bia, giày, dép thể thao, điện… thì một số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất chế biến thực phẩm, ngành dệt, sản xuất xe có động cơ, sản xuất linh kiện điện tử.
Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cho thấy sự biến động của thị trường thế giới dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu, đơn hàng giảm cả về số lượng và quy mô ở cả trong nước và nước ngoài... Điều này làm sản lượng tồn kho một số sản phẩm công nghiệp ở mức cao. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng tăng 193% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 1.100 dự án đầu tư với 970 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng và 194 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6,06 tỷ USD. Tính đến hết tháng 3/2023, toàn tỉnh Quảng Nam cấp mới 04 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 1,1 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 08 dự án và giảm 2,2 nghìn tỷ đồng về vốn đăng ký, không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép.
Về thành lập doanh nghiệp mới, trong quý I/2023, có 281 doanh nghiệp, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 620 doanh nghiệp, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 553 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,1%. Xử lý cảnh báo và vi phạm thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 93 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Hải Nam
Theo