(Xây dựng) – Sáng 16/3, UBND tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024.
Phát biểu khai mạc Hội nghị công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện mục tiêu, tầm nhìn chiến lược để tỉnh Quảng Nam khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; vững vàng trên hành trình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Địa phương xác định công tác lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ khó khăn và quan trọng hàng đầu để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với không gian kinh tế - xã hội trên cơ sở liên kết cùng các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh Quảng Nam trong hiện tại và tương lai.
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. |
Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương của tỉnh cùng đơn vị tư vấn chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực khảo sát, đánh giá làm rõ các tiềm năng, lợi thế, hạn chế, cơ hội và thách thức của tỉnh Quảng Nam; các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quốc gia có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh để hoàn thành bản dự thảo qui hoạch, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở đó trình Hội đồng thẩm định thông qua, đảm bảo chất lượng, tiến độ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2023.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại.
Qua đó thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Nam với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ôtô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ gắn kết với nông thôn. Đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.
Đây là những mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng và có tính khả thi cao dựa trên các luận cứ khoa học rõ ràng; tuy nhiên đòi hỏi phải có sự đoàn kết, nỗ lực và ý chí quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Trung ương, sự phối hợp tốt của các địa phương bạn, sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.
“Việc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch này, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới để tỉnh Quảng Nam cất cánh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, động lực phát triển của khu vực miền Trung và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chung sống hài hòa với tự nhiên theo quan điểm phát triển bền vững. Những năm gần đây tỉnh Quảng Nam đã hành động tích cực, quyết liệt để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng hủy hoại rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt động vật trái phép; nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng đặc dụng được thành lập; nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng đã phải điều chỉnh; nhiều dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, cảnh quan đã bị từ chối; nhiều dòng sông đã và đang được khơi thông; nhiều thềm bãi biển đang được phục hồi”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. |
Cùng với Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, Quảng Nam cũng khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024. Đây cũng chính là thông điệp thể hiện tỉnh Quảng Nam sẽ kiên trì lựa chọn con đường tăng trưởng xanh, phát triển có trách nhiệm với thiên nhiên, với hành tinh này, với thế hệ hôm nay và mai sau. Trân trọng kính đề nghị các địa phương trên cả nước cùng hưởng ứng.
Theo quy hoạch được phê duyệt, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Nam và vùng không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ôtô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
Mục tiêu cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37,0%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 16,2 - 17,0%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển của Quảng Nam là hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Cụ thể, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục.
Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên với hệ thống giao thông đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế thông suốt; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững.
Nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; phát triển mạnh thành phố Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.
Thanh Đức
Theo