(Xây dựng) - Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn sau thời gian dài đình trệ bởi các bất đồng, nhà thầu chính Suez (Đan Mạch) tiếp tục có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng, kéo theo nguy cơ dự án đổ bể, dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội.
Việc nhà thầu Suez chấm dứt hợp đồng thi công kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. |
Vấn đề khó tháo gỡ
Khởi công vào tháng 9/2016, trên cơ sở sử dụng tín dụng hỗn hợp của Chính phủ Vương quốc Đan Mạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Văn bản số 1079/TTg-QHQT ngày 07/8/2007, có tổng mức đầu tư trên 13,5 triệu Euro, tuy nhiên, sau 05 năm thực hiện, khối lượng thi công toàn dự án mới chỉ đạt hơn 66% tổng khối lượng gói thầu, luôn ở mức báo động về tiến độ thực hiện, mặc dù đã được gia hạn thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2020.
Những khó khăn trong quá trình tổ chức thi công, tiến độ giải ngân, UBND tỉnh Quảng Bình đã báo cáo Chính phủ xin được gia hạn thời gian thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1392/QĐ-TTg ngày 09/8/2021, với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14,96 triệu Euro và kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12/2022. Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để gia hạn thời gian giải ngân đến 31/12/2022 và điều chỉnh Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nordea Đan Mạch cho dự án.
Tuy nhiên, mới đây nhà thầu chính Suez có văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện dự án, có nguy cơ dự án không thành công và xảy ra nhất nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến quan hệ Chính phủ Đan Mạch - Chính phủ Việt Nam; đặc biệt là tranh chấp tại các điều khoản của Hợp đồng Fidic giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính Suez.
Lý giải về tồn tại này, ông Nguyễn Thế Hảo - Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA huyện Quảng Trạch (đại diện chủ đầu tư) cho biết: Tiến độ thi công dự án bị chậm trễ bởi rất nhiều nguyên nhân, như có nhiều sai sót trong quá trình khảo sát, thiết kế chi tiết; nhà thầu chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá, báo cáo hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, công trình của người dân trước khi thi công; trong quá trình thi công không có kỹ sư thiết kế giám sát tác giả tại hiện trường… Ngoài ra, một số có một vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính Suez khó được gỡ bỏ.
Đề xuất lựa chọn nhà thầu trong nước
Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn triển khai bộc lộ các hạn chế khó xử lý, triệt tiêu. Theo đó, trong năm 2020, nhà tài trợ DBF đã hủy khoản viện trợ 978.676 Euro của Chính phủ Đan Mạch dành cho dự án; nhà thầu Suez đưa ra các điều kiện như chủ đầu tư phải thanh toán cho nhà thầu khoản phát sinh đợt 1 là 330.000 Euro trước ngày 31/5/2020; đưa hạng mục đấu nối sau hàng rào ra khỏi trách nhiệm của nhà thầu; thanh toán 260.000 Euro phần thiết bị nhà thầu tự ý thay đổi so với thiết kế chi tiết đã nộp.
Trong tháng 10/2021, trước việc nhà thầu Suez có văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công, ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã giao UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo Ban Quản lý dự án khẩn trương tham mưu UBND tỉnh văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình triển khai dự án. Đồng thời, đề xuất các Bộ làm việc với nhà tài trợ Danida phương án lựa chọn nhà thầu trong đó ưu tiên phương án lựa chọn trong nước thi công các hạng mục còn lại sau khi nhà thầu Suez chấm dứt hợp đồng.
Tham mưu văn bản gửi nhà tài trợ Danida thông báo việc nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời đề nghị dàn xếp việc hoà giải giữa 3 bên để thương thảo việc chấm dứt, thanh lý với nhà thầu một cách thân thiện, tránh khiếu kiện. UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo thành lập Tổ công tác giúp UBND huyện Quảng Trạch, Ban Quản lý dự án ODA trong việc kiểm tra, rà soát, phân tích kỹ các điều khoản trong Hợp đồng Fidic, những điều khoản bất lợi, thuận lợi của chủ đầu tư và nhà thầu Suez, hồ sơ hoàn công các hạng mục thi công, giá trị còn lại.
Việc gia hạn thời gian giải ngân vốn nước ngoài của dự án, ngày 28/9/2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 2124/UBND-TH gửi Bộ Tài chính, giao Ban Quản lý dự án ODA phối hợp Sở Tài chính tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Bộ để sớm có văn bản đồng ý.
Hoàn trả mặt bằng không kỹ lưỡng là vấn đề gây bức xúc dân cư đô thị. |
Về số tiền còn lại để thanh toán cho nhà thầu Suez 8,5 tỷ đồng (bao gồm 5,2 tỷ đồng phần phát sinh đợt 2 và thanh toán VAT còn nợ nhà thầu từ năm 2019 là 3,3 tỷ đồng), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho dự án từ nguồn đối ứng ngân sách Trung ương năm 2021 để thanh toán cho nhà thầu.
Phòng Quản lý đô thị thị xã Ba Đồn cho rằng: Công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận với dự án chưa hiệu quả. Sau nhiều năm thi công, dự án chỉ mới hoàn trả mặt bằng được khoảng 70% tuyến đường trên địa bàn phường.
Nhất Linh
Theo