Thứ sáu 08/11/2024 09:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phú Thọ: Đứng thứ 3 vùng Trung du và miền núi phía Bắc về tăng trưởng kinh tế

09:55 | 12/07/2023

(Xây dựng) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Thọ bất ngờ vượt qua nhiều tỉnh, thành lớn để đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Phú Thọ: Đứng thứ 3 vùng Trung du và miền núi phía Bắc về tăng trưởng kinh tế
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6.

Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 6. Phát biểu tại Kỳ họp, ông Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, dù gặp nhiều khó khăn thách thức do bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, song tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì phát triển và đạt được kết quả quan trọng trên một số ngành, lĩnh vực.

Nhiều quyết sách trở thành điểm sáng của Phú Thọ

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Phú Thọ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) khá 7,22%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 18.485 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.972 tỷ đồng, bằng 81,7% so cùng kỳ.

Với mức tăng trưởng này, tỉnh Phú Thọ đã vượt qua nhiều tỉnh, thành lớn để đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu kinh tế duy trì theo hướng công nghiệp khi lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,87%, riêng công nghiệp đạt 10,11% - đứng trong top 10 tỉnh, thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng cao; có 12/16 chỉ tiêu đạt và vượt 50% dự toán HĐND tỉnh giao.

Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng đã huy động vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 4.503 tỷ đồng, đã phân bổ 4.221,6 tỷ đồng (đạt 93,7% so với kế hoạch) cho 342 dự án, công trình đảm bảo yêu cầu, mục tiêu. Tính đến ngày 31/5/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 37% kế hoạch vốn đã giao (cao hơn trung bình chung cả nước).

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết, xử lý các vấn đề về đất đai, đấu giá đất được tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ điểm nghẽn, ngày càng có sự chuyển biến rõ nét. 6 tháng đầu năm đã bàn giao trên 150ha đất sạch; tạo điều kiện sớm hoàn thành và khởi công một số dự án. Các hoạt động văn hóa - xã hội được tăng cường, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh Phú Thọ được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhấn mạnh, tỉnh đang là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…

Phương thức "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" tiếp tục được chú trọng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Theo đó, ngân sách tỉnh tập trung đầu tư các công trình lớn, không đầu tư dàn trải và ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, các dự án thoát nước, xử lý môi trường, các công trình thủy lợi…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp và tổ công tác trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tiếp nhận, xử lý thông tin nhằm kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Phú Thọ thu hút 102 dự án. Trong đó 70 dự án DDI, tổng vốn đăng ký 2.267,6 tỷ đồng; 32 dự án vốn FDI, tổng vốn đầu tư 52,2 triệu USD; có 25 dự án cấp mới (3 dự án FDI, vốn đăng ký 28,2 triệu USD, 22 dự án DDI, vốn đăng ký 1.354,6 tỷ đồng); 77 dự án tăng vốn (29 dự án FDI, vốn tăng thêm 24,0 triệu USD, 48 dự án DDI, vốn tăng thêm 913 tỷ đồng).

Phú Thọ tiếp tục thực hiện các khâu đột phá

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu đánh giá, 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo đà hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện khâu đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, rà soát lại tất cả các dự án Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã cho chủ trương đầu tư, xem xét, đánh giá khả năng thực hiện các dự án để có những điều chỉnh phù hợp.

Cùng đó, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư trong nước, trong tỉnh. Đối với các dự án chủ đầu tư là các Sở, ngành thực hiện tại các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan cần làm tốt công tác phối hợp, nếu địa phương nào gây khó khăn lãnh đạo huyện phải chịu trách nhiệm…

Phú Thọ: Đứng thứ 3 vùng Trung du và miền núi phía Bắc về tăng trưởng kinh tế
Quang cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 6.

Liên quan đến công tác quản lý đất đai, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại toàn bộ hoạt động giao đất, đấu giá đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định, kiên quyết xử lý các sai phạm nếu có. Đồng thời, rà soát các cơ sở nhà đất đã bàn giao từ việc tách, sáp nhập các địa phương để có phương án xử lý hiệu quả nhất.

Về lĩnh vực an ninh quốc phòng, ông Bùi Minh Châu đề nghị Công an tỉnh Phú Thọ bám sát địa bàn, nắm chắc đối tượng, nếu phát hiện có các đối tượng là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nhóm không chính thống, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời…

Với những giải pháp đưa ra, tỉnh Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu từ 7,5% trở lên; đưa tổng sản phẩm bình quân đầu người đến đạt từ 63 triệu đồng trở lên; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 43,5 nghìn tỷ đồng trở lên, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 6.109 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 19,6% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 71% trở lên và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,5% trở lên.

Thái Lâm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load