(Xây dựng) - Tổng công suất 33 triệu tấn với 16 dây chuyền, 7 thương hiệu, với gần 14 nghìn cán bộ nhân viên trên khắp mọi miền Tổ quốc, dưới ngôi nhà chung VICEM, tất cả đều chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất đưa VICEM phát triển xanh, bền vững.
Tổng Giám đốc các nhà máy ký cam kết thi đua với lãnh đạo Tổng công ty. |
VICEM - DN sản xuất xi măng lớn nhất ASEAN
Trong không khí mùa xuân đang đến rất gần, ở thời khắc chuẩn bị chuyển giao năm cũ và năm mới, người VICEM dành tình cảm tri ân, hướng về nguồn cội: là xây dựng, khánh thành Bảo tàng Xi măng Việt Nam - nơi lưu giữ trang sử và những kỷ vật quý của ngành suốt 120 năm qua; là khánh thành Đền thờ Bác Hồ, nơi mà năm 1957 Bác về thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Tiếp bước cha ông, thế hệ người Xi măng hôm nay tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng và luôn tri ân, hướng về nguồn cội.
Thế hệ lãnh đạo của VICEM hôm nay dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, quyết liệt, sáng tạo và năng động. Tổng công suất 33 triệu tấn với 16 dây chuyền, 7 thương hiệu, với gần 14 nghìn cán bộ công nhân viên trên khắp mọi miền Tổ quốc, dưới ngôi nhà chung VICEM, tất cả đều chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất đưa VICEM phát triển xanh, bền vững.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, từ công suất trên 70 vạn tấn/năm (gồm Xi măng Hải Phòng công suất trên 30 vạn tấn và Xi măng Hà Tiên công suất hơn 40 vạn tấn/năm) trong ngày đầu thành lập Liên hiệp các xí nghiệp xi măng (tức VICEM ngày nay) tháng 4/1980, đến nay sau 40 năm xây dựng và phát triển, VICEM đang quản lý 7 thương hiệu với 16 dây chuyền sản xuất, tổng công suất 33 triệu tấn/năm, trở thành DN lớn nhất ngành xi măng Việt Nam và lớn nhất ASEAN.
Trong những năm qua, VICEM luôn khẳng định trụ cột của ngành Xi măng, là đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, ứng dụng các thành tựu khoa học 4.0.
Năm 2019 là năm trọng tâm trong công tác cổ phần hóa của VICEM, tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất; đổi mới mô hình quản trị DN; là năm VICEM hướng đến phát triển xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm tài nguyên.
Đây cũng là năm VICEM đối mặt, giải bài toán thúc đẩy tăng trưởng, trong khi dư địa tăng đã được khai thác khá cao. VICEM đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng về chất lượng. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh, VICEM sẽ tiếp tục tăng năng lực sản xuất bằng cải tạo đầu tư chiều sâu để tối ưu hóa năng lực sản xuất; đầu tư mở rộng và mua bán sáp nhập những nhà máy xi măng yếu kém, không có thị trường để gia tăng năng lực sản xuất.
Xây dựng nhà máy thông minh
Không bằng lòng với vị trí DN xi măng lớn nhất Đông Nam Á, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh khát vọng đưa VICEM trở thành DN số với những nhà máy xi măng thông minh; có những khâu sản xuất do rô bốt làm để thay thế con người…
“VICEM phát triển theo chiều dài lịch sử đất nước và lịch sử ngành Xi măng Việt Nam, từ công nghệ cũ đến công nghệ mới; các dây chuyền đa dạng về mức độ tự động hóa nên việc triển khai áp dụng số hóa nhà máy sẽ phải chia 2 giai đoạn và lựa chọn mức đầu tư tiết kiệm, hiệu quả… Giai đoạn 1 là số hóa nhà máy và giai đoạn 2 là áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất và tiêu thụ Xi măng như trí tuệ nhân tạo, IOT…” - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.
VICEM sẽ lựa chọn công đoạn và lựa chọn nhà máy để làm thí điểm, sau đó sẽ triển khai diện rộng. VICEM Bỉm Sơn, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hà Tiên và VICEM Bút Sơn sẽ là những nhà máy xi măng đầu tiên được lựa chọn số hóa nhà máy và công đoạn nghiền xi măng, thí nghiệm sẽ do rô bốt làm, không có con người lao động trực tiếp trong các khâu này nữa… VICEM đang chuẩn bị bộ tiêu chuẩn đánh giá chuyển đổi số theo mô hình đánh giá phù hợp với DN sản xuất xi măng; đánh giá hiện trạng chuyển đổi số để đề xuất lộ trình chuyển đổi số và mô hình VICEM 4.0 phù hợp, hiệu quả.
Phát triển VICEM xanh, bền vững
40 năm xây dựng và phát triển, trở thành DN lớn nhất ASEAN, trong chặng đường mới VICEM đang hướng đến phát triển xanh bền vững. Ở đó, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải C02.
VICEM xanh, phát triển bền vững. |
Đại diện VICEM cho biết: VICEM thống nhất sử dụng chỉ số phát thải C02 quy đổi để quản trị mục tiêu “phát triển bền vững và sản xuất xanh” toàn Tổng công ty. Thông qua lộ trình nhằm tối ưu hóa giá thành, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm thương hiệu VICEM, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của VICEM với xã hội, với việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu không tái tạo; chung ta bảo vệ trái đất và môi trường sống.
Lãnh đạo VICEM quán triệt tới toàn thể cán bộ công nhân viên VICEM nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, trách nhiệm, là điều kiện kiên quyết của quá trình sản xuất kinh doanh. Các chương trình làm sạch môi trường đã được VICEM triển khai quyết liệt, bài bản.
Để đảm bảo chất lượng khí thải, các nhà máy VICEM thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định; vận hành chuẩn dây chuyền sản xuất để đáp ứng nồng độ bụi tại các ống khói trong chỉ số cho phép. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online, các nhà máy của VICEM thường xuyên quan trắc nồng độ bụi không khí môi trường làm việc; lắp đặt các thiết bị đo nồng độ bụi và camera giám sát tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao và truyền về Tổng công ty để giám sát.
Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh cho biết: VICEM đang nghiên cứu đốt rác thải công nghiệp kể cả rác thải y tế nhằm thay thế việc sử dụng nhiên liệu trong hệ thống lò quay xi măng. Tìm nguồn nhiên liệu thay thế than dầu nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đồng thời thể hiện trách nhiệm cao của VICEM với vấn đề bảo vệ môi trường, với cộng đồng và xã hội là hướng đi đúng mà VICEM đang quyết tâm làm.
Chặng đường 40 năm, VICEM đang có bước chuyển mình quyết liệt với phát triển bền vững, phát triển xanh, đi đầu thích ứng với xu thế phát triển chung của ngành Xi măng thế giới!
Thảo Nguyên
Theo