Thứ sáu 20/09/2024 14:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

“Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” – Cơ hội và thách thức

16:24 | 30/03/2023

(Xây dựng) - Sáng 30/3/2023, tại Thái Bình, đã diễn ra Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.

“Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” – Cơ hội và thách thức
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc.

Hội thảo do Bộ Công thương và UBND tỉnh Thái Bình đồng chủ trì tổ chức nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP (ngày 8/2/2023) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.

Đây là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp cũng như tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Đồng bằng sông Hồng.

“Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” – Cơ hội và thách thức
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, phát triển liên kết vùng là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định “phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng”. Đồng thời, định hướng phát triển các Vùng theo hướng: “Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...”.

“Với Vùng đồng bằng sông Hồng, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trong những năm qua một số địa phương trong Vùng đồng bằng Sông Hồng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước (điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…). Hạ tầng thương mại phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước.

Tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 40,62% và 40,64%); các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, Thứ trưởng cũng chỉ ra, cần thẳng thắn nhìn nhận - tính liên kết vùng nhìn chung vẫn còn có những hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

“Thực tiễn cho thấy sự cần thiết của việc tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng, thúc đẩy giao thương nội và liên vùng, quốc tế; Tận dụng tối đa các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư” - Thứ trưởng nói.

Giải pháp của ngành Công Thương

Trên cơ sở phân tích, làm rõ thực tiễn liên kết vùng và ngoại vùng, tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, đi sâu phân tích, làm rõ một số nội dung sau: Thứ nhất, nhận diện thách thức và thời cơ phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng; Thứ hai, những giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông) phục vụ phát triển thương mại; Thứ ba, những giải pháp thúc đẩy liên kết thương mại dịch vụ phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thứ tư, tăng cường liên kết để có chiến lược phát triển kinh tế vùng từ chuỗi sản xuất, thương mại và dịch vụ trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương; Thứ năm, liên kết vùng cần làm gì để hướng tới xuất khẩu xanh, phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển bền vững cũng như đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

“Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” – Cơ hội và thách thức
Đại biểu các Bộ, Ngành, địa phương tham dự Hội thảo.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Do vậy, việc xác định rõ cơ hội và thách thức đối với phát triển vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng.

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều cơ hội, trong đó Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động của thế giới và là tâm điểm của các liên kết kinh tế quốc tế; nền kinh tế thế giới đang phát triển theo hướng xanh, sáng tạo, bền vững và bao trùm. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ; Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, những xu hướng phát triển mới của thế giới đặt ra yêu cầu mới về thay đổi thể chế, chính sách để bắt nhịp thời đại.

Về tiềm năng, lợi thế của Vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược quan trọng nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Vùng có hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đầy đủ, hệ thống đô thị phát triển nhanh, mạng lưới giao thông tốt nhất cả nước; vị trí địa lý thuận lợi, khả năng liên kết tốt với các tỉnh lân cận, quốc tế.

Ngoài ra, Vùng đồng bằng sông Hồng với Thủ đô Hà Nội còn là trung tâm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; là vùng đóng vai trò dẫn đầu và là một trong những vùng động lực phát triển chính của cả nước. Điều này được thể hiện rõ nét trong các Nghị quyết của Đảng về vùng, nhất là Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu vùng cần phải có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng suất lao động; phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao; phát triển đô thị thông minh, bền vững và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Hơn thế nữa, Nghị quyết còn đặt ra yêu cầu phát triển vùng phải hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế như trình độ phát triển của một số trung tâm kinh tế, tài chính, Thủ đô Hà Nội và mức sống của người dân. “Bối cảnh quốc tế mới trong nước và quốc tế kể trên đang đưa đến cơ hội đối với vùng trong việc nhanh chóng bắt nhịp và thích ứng có hiệu quả với xu thế phát triển chung của cả nước, khu vực và thế giới”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Từ định hướng đã đề ra, là cơ hội để vùng có cơ hội phát huy các tiềm năng, lợi thế, sẽ có thêm động lực cho phát triển; giúp thu hút được nguồn lực đầu tư, nhân lực chất lượng cao và công nghệ, mở rộng được thị trường, nâng cao được thương hiệu và vị thế; lựa chọn, tham gia và vươn lên trong các chuỗi sản xuất và thương mại toàn cầu, khu vực; Các tiềm năng, lợi thế vượt trội về vị trí địa kinh tế, địa chiến lược, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vai trò dẫn đầu cũng đang tạo ra cơ hội phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế này cho phát triển vùng.

Bởi vì để có thể phát huy được ở mức cao nhất các lợi thế này vùng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là về cơ chế, chính sách mới, cơ chế chính sách thử nghiệm, đột phá. Các tiềm năng, lợi thế vượt trội được phát huy ở mức cao nhất sẽ giúp tạo ra sự đột phát trong phát triển, nhất là về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thông qua việc tạo ra sức hấp dẫn cao hơn đối với đầu tư (cả trong nước và ngoài nước), tạo động lực liên kết, lan toả, thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các địa phương trong vùng và với các vùng lân cận.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, vai trò dẫn đầu của vùng cho phát triển cũng đặt ra những thách thức đối trong bối cảnh sự phát triển của vùng còn nhiều hạn chế như quy mô kinh tế còn nhỏ; năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tham gia chưa sâu vào các chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu.

“Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” – Cơ hội và thách thức
Những tuyến giao thông huyết mạch đang được Thái Bình đầu tư phát triển sẽ tạo thuận lợi trong kết nối vùng và phát triển kinh tế của địa phương

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, hiện đại và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, nhiều cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp với thực tiễn phát triển vùng, chậm được sửa đổi và hoàn thiện, nhất là các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, tín dụng, đất đai, khoa học - công nghệ, thu hút nhân tài... Công tác quy hoạch, liên kết và hợp tác phát triển vùng còn nhiều bất cập, bị chi phối bởi lợi ích riêng của từng địa phương; chưa có thể chế và cơ chế điều phối, kết nối sự phát triển trong toàn vùng…

Do đó, việc vùng có tận dụng được các cơ hội hay biến các thách thức thành cơ hội hay không, trước hết sẽ phụ thuộc vào sự đổi mới về tư duy và thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng, vai trò, vị trí đặc biệt của vùng đối với cả nước; năng lực thể chế hoá, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chiến lược, chính sách của Nhà nước về vùng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và khả năng khơi dậy, phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load