Thứ bảy 21/09/2024 02:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng khi “đất xanh” quý hơn “đất vàng”

10:19 | 13/05/2024

(Xây dựng) - Việc phát triển cây xanh đô thị không đơn thuần là chiến dịch bổ sung số lượng còn thiếu mà phải là chiến lược mang tính toàn diện và bền vững. Chiến lược này cần phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển đô thị, có chỉ tiêu cây xanh trội, hướng đến một hình ảnh đô thị tươi xanh, gợi cảm và đặc sắc. Tuy nhiên nếu xây dựng chiến lược mà không có một quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ, mọi tư duy và hành động sẽ không nhất quán và thường bị chi phối bởi các lợi ích ngắn hạn. Để có một chiến lược phát triển cây xanh mang tính toàn diện và bền vững, ít nhất cần phải có những quan điểm sau.

Phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng khi “đất xanh” quý hơn “đất vàng”
Cảnh quan hấp dẫn trong Khu đô thị Ecopark, tỉnh Hưng Yên.

Đất xanh quý hơn đất vàng

Đất cây xanh là một trong những thành phần căn bản của đất đô thị, bên cạnh các loại đất công cộng, đất ở và đất giao thông. Trong quá trình quản lý và sử dụng đất đô thị, việc ưu tiên loại đất này sẽ đồng nghĩa với việc tiết giảm loại đất khác. Trong mối quan hệ đó, trên thực tế đất xây xanh thường ít được ưu tiên hơn so với các loại đất khác. Thử tưởng tượng rằng ở thời điểm hiện nay có một khu đất gần 20ha, ba mặt tiền đường lớn như Công viên 29/3, liệu có khả năng được làm công viên không? Có lẽ câu trả lời là… rất khó trả lời. Tại sao lại rất khó trả lời?

Có một luồng tư duy phổ biến “đất vàng” phải là đất ở hoặc đất thương mại dịch vụ và phải được đem đấu giá. Trên thực tế các lô đất có vị trí đắc địa rất dễ được đưa vào danh mục đấu giá và rất khó để làm đất công viên cây xanh. Đây là dạng tư duy rất khó thay đổi. Với tư duy đó ,“đất xanh” thường ở vị trí thứ yếu.

Ở một góc nhìn khác, “đất vàng” để nuôi sống đô thị nhưng “đất xanh” mới là tương lai của đô thị. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất là hữu hạn và sẽ dần cạn kiệt. Trong khi đó lợi ích từ những khu đất cây xanh là lâu dài và ngày càng quý báu. Một đô thị có cảnh quan hấp dẫn không những đem lại sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân mà còn có sức thu hút đối với du khách và các nhà đầu tư. Thí dụ như Khu đất A20, đầu cầu Rồng nếu không đem đấu giá thì nay đã có một không gian thoải mái cho người dân thành phố và du khách thưởng thức màn trình diễn phun lửa, phun nước của hình tượng rồng.

Không được làm giảm chỉ tiêu đất cây xanh theo mọi hình thức

Từ bài học về Công viên đường 2/9, thành phố cũng đã đặt ra một số nguyên tắc để bảo vệ quỹ đất cây xanh như “không được điều chỉnh đất cây xanh sang mục đích sử dụng khác”, “điều chỉnh đồ án quy hoạch phải đảm bảo đồ án sau tốt hơn đồ án trước”. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hình thức làm giảm chỉ tiêu đất cây xanh, phổ biến là:

Chấp thuận chủ trương cho một số dự án chưa đảm bảo chỉ tiêu cây xanh. Trường hợp này còn khá phố biến ở mức độ khác nhau. Đơn cử như một dự án công trình căn hộ cao tầng ở đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh làm tăng mật độ dân cư nhưng khi đưa ra báo cáo, một số ý kiến vẫn ủng hộ với lý do rất mập mờ rằng đã có Công viên Khuê Trung ở gần đó. Và ý kiến đó được chấp thuận.

Đề xuất sử dụng đất cây xanh để thực hiện dự án có mục đích sử dụng khác. Đây thường là các đề xuất của các nhà đầu tư. Mặc dù đa phần các đề xuất đó không trở thành hiện thực nhưng vẫn tiếp tục manh nha xuất hiện tình trạng này. Đơn cử như đề xuất lấy vệt ven sông Cẩm Lệ làm sân golf. Đây là khu vực hành lang ven sông, có tác dụng hạn chế việc dâng tràn của sông vào mùa mưa lũ. Nếu không có hành lang ven sông, đoạn sông này sẽ trở thành “ống nước” khi gặp mưa lớn.

Phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng khi “đất xanh” quý hơn “đất vàng”
Cảnh quan đường Hoàng Văn Thái - Đà Nẵng.

Chú trọng phát triển cây xanh trong các khu dân cư

Trong khi các công viên công cộng lớn là nhu cầu không thường xuyên thì cây xanh trong các khu dân cư là nhu cầu thường nhật. Không gian và bóng mát chính là một phần cuộc sống của người dân. Nhiều khu dân cư đã hình thành từ lâu nhưng các không gian cây xanh chưa được đầu tư đúng mức và đúng cách dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp. Nhiều khu vực được đầu tư bởi phường và không có thiết kế hợp lý.

Phủ xanh hơn cho đường phố: Cần sớm thay thế những cây xanh kém phát triển. Đảm bảo kỹ thuật trồng cây để cây có thể phát triển khỏe mạnh. Đa phần các dãy cây xanh kém phát triển là do hố trồng không đủ tơi xốp, thậm chí có trường hợp còn nguyên các phế liệu cứng của quá trình thi công dự án.

Các dải phân cách có đủ điều kiện cần phát triển các cây to, có độ phủ xanh lớn. Cần loại bỏ những tư duy ngăn cản việc phát triển cây xanh theo hình thức này.

Chú trọng tính thẩm mỹ của hệ thống cây xanh: Cần tăng cường yếu tố thiết kế cây xanh thông qua các hình thức là đồ án cảnh quan tuyến đường và các đồ án xanh riêng biệt. Các đồ án cảnh quan tuyến đường có số lượng hạn chế nhưng các đồ án xanh riêng biệt nếu triển khai sẽ có số lượng rất lớn và rất thường xuyên. Vấn đề này cần có sự thống nhất từ các cấp lãnh đạo để triển khai xuống các đơn vị.

Có một câu hỏi thường được đặt ra là “Đà Nẵng cần trồng cây gì để tạo nên tính đặc trưng”. Thực chất là “cây đặc trưng” không phải là loại cây được chọn theo sở thích mà chính là loại cây tự thân nó đã khẳng định sức sống và vẻ đẹp tự nhiên. Không phải do ý thích chủ quan thích hoa sữa là trồng hoa sữa, thích osaka là trồng osaka… Đó là sự phù hợp về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, gió bão… Mặt khác mức độ phủ bóng cao đã là một đặc trưng lớn.

Phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng khi “đất xanh” quý hơn “đất vàng”
Tòa nhà Công ty ALPES Green Design & Build.

Kiến trúc xanh cần được đề cao

Khái niệm kiến trúc xanh không đơn thuần chỉ là kiến trúc có cây xanh. Tuy nhiên các hình thức trồng cây xanh trên công trình kiến trúc cũng góp phần cải thiện vi khí hậu cảnh quan đô thị rất nhiều. Hiện nay tại Đà Nẵng xu hướng này đang dần tăng lên. Đây là vấn đề mà phía quản lý Nhà nước cần quan tâm và khuyến khích, đề cao.

Phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng khi “đất xanh” quý hơn “đất vàng”
Pure Spa tại Naman Retreat.

Xã hội hóa thông tin về cây xanh

Hiện nay, Công ty công viên cây xanh đã thực hiện việc đánh số một số lượng lớn cây xanh. Tuy nhiên cũng còn nhiều trường hợp chưa đánh số đối với các cây nhỏ hoặc cây mới thay thế.

Số lượng cây xanh đô thị ngày càng tăng, rất cần đến sự tham gia của cộng đồng. Việc mã hóa cây xanh một cách đầy đủ sẽ giúp người dân nắm bắt và phản ánh kịp thời các thông tin cần thiết về việc bảo vệ và chăm sóc xây xanh.

Nhìn chung việc phát triển cây xanh tại thành phố Đà Nẵng luôn được quan tâm. Số lượng cây xanh, thảm cỏ trên thực tế không ngừng tăng lên. Tuy nhiên với sự gia tăng dân số và tốc độ mở rộng đô thị, nhu cầu về phát triển cây xanh đô thị ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về số lượng và chất lượng. Hơn bao giờ hết, lúc này Đà Nẵng cần có một chiến lược phát triển cây xanh mang tính khoa học và bền vững, để từ đó xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm hướng tới một hình ảnh đô thị xanh có sự hấp dẫn, tính đặc thù và đậm chất nhân văn.

KTS Bùi Huy Trí

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Trạch (Quảng Bình): Tập trung nguồn lực xây dựng Quảng Phương trở thành đô thị loại V

    (Xây dựng) - Trước khi được quy hoạch, khu vực này là vùng cát trắng mênh mông nhưng bằng sự quyết tâm, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị trẻ Quảng Trạch đang từng bước phát triển…

  • Phục hồi cây xanh đô thị sau bão

    (Xây dựng) – Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với lá phổi xanh của Thủ đô. Thống kê sơ bộ, bão số 3 khiến 8.700 cây đô thị của Hà Nội bị gãy đổ, tuy nhiên trong số đó chỉ có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm tàng từ những cây xanh già cỗi lâu năm trước bão gió, vì vậy việc khôi phục cây xanh nghiêng, đổ… cần khắc phục nhanh và kịp thời.

  • Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh

    Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… của tỉnh Ninh Thuận, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chú trọng xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, từng bước trở thành đô thị thông minh, đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm.

  • Bắc Giang: Đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV

    (Xây dựng) - Ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã ký Quyết định số 868/QĐ-BXD về việc công nhận đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV.

  • Quảng Trị: Ái Tử - đô thị trẻ đang từng ngày đổi mới và phát triển

    (Xây dựng) – Tọa lạc giữa hai đô thị lớn, phía Bắc là thành phố Đông Hà, phía Nam là thị xã Quảng Trị, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một đô thị trẻ đang từng ngày đổi mới và phát triển.

  • Hạ Long: Khôi phục nhanh cảnh quan môi trường sau bão số 3

    (Xây dựng) - Ngày 17/9, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã tổ chức hội nghị Tổng kết chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục thiệt hại bão số 3; biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích thu dọn vệ sinh, khôi phục cảnh quan môi trường, sớm ổn định sản xuất đời sống nhân dân.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load