Thứ năm 19/09/2024 20:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phản hồi ý kiến báo chí liên quan đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1

19:58 | 05/07/2024

(Xây dựng) - Những ngày vừa qua, một số báo có bài viết liên quan đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, trong đó, có một số nội dung trách nhiệm của Bộ Xây dựng đối với việc xây dựng, ban hành định mức dự toán và giá, đơn giá xây dựng. Liên quan đến vấn đề này, Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xin trao đổi thêm một số nội dung để có được cái nhìn khách quan, đa chiều.

Phản hồi ý kiến báo chí liên quan đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1
Ảnh minh họa.

Về thời gian xử lý văn bản, Cục Kinh tế xây dựng thông tin như sau:

Ngày 02/10/2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 4859/UBND-DA gửi Bộ Xây dựng xin về ý kiến định mức dự toán, giá ca máy và thiết bị thi công các hạng mục dự án. Tuy nhiên, đến ngày 15/1/2024, Bộ Xây dựng mới nhận được đầy đủ hồ sơ xây dựng định mức để nghiên cứu, cho ý kiến.

Quá trình nghiên cứu Hồ sơ gửi lấy ý kiến, tài liệu kèm theo, do khối lượng công việc lớn, có nhiều nội dung cần xem xét, trao đổi với các bên có liên quan để làm rõ, vì vậy đến ngày 01/7/2014, Bộ Xây dựng mới có văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Về nội dung đề nghị cho ý kiến tại Văn bản số 4859/UBND-DA của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nội dung văn bản, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét có ý kiến về định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù theo quy định của Điều 20 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, hồ sơ gửi xin ý kiến lại là hồ sơ định mức dự toán để áp dụng cho các hạng mục công trình cụ thể thuộc Dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Điều 21 Nghị định 10/2021/NĐ-CP. Theo quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đối với định mức dự toán áp dụng cho công trình thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ đầu tư, người quyết định đầu tư; không có quy định phải gửi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi quyết định (như thông tin phản ánh trên báo đăng).

Đối với dự án nêu trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và nhà đầu tư Trung Nam (là 02 đại diện trong hợp đồng BT) xem xét, quyết định việc áp dụng các định mức dự toán được xây dựng cho công trình. Việc Bộ Xây dựng có ý kiến đối với hồ sơ xây dựng định mức cho dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh không phải thủ tục hành chính bắt buộc, chỉ thực hiện theo đề nghị của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Giữa nội dung đề nghị tại văn bản và hồ sơ gửi xin ý kiến chưa thống nhất nên đây cũng là một trong các nội dung phải trao đổi, làm rõ, ảnh hưởng đến thời gian xử lý văn bản.

Một số trao đổi liên quan đến tiêu đề, nội dung các bài báo

Về tiêu đề một số bài báo phản ánh liên quan trực tiếp đến Bộ Xây dựng (như “Bộ Xây dựng mất 9 tháng trả lời một văn bản khẩn”, “Dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh: Mòn mỏi chờ ý kiến từ Bộ Xây dựng”, “Vòng vo gỡ khó định mức dự toán đặc thù”...). Tuy nhiên, Bộ Xây dựng không nhận được thông tin tác giả các bài viết liên hệ, tìm hiểu, làm rõ thông tin phản ánh trước khi viết bài. Do đó, với cách đặt tiêu đề của các bài viết trên có thể làm cho người đọc hiểu là việc dự án bị ách tắc, chậm triển khai do chờ đợi ý kiến của Bộ Xây dựng.

Một số nội dung phản ánh chưa phù hợp, dễ gây hiểu nhầm như: “Việc chưa xác định được đơn giá, định mức dự toán giá ca máy và thiết bị thi công đặc thù là một trong những nguyên nhân khiến dự án bị “tắc” giải ngân và kéo dài thời gian thực hiện” là không phù hợp với quy định quản lý dự án theo hình thức đối tác công tư. Dự án này thực hiện theo hình thức hợp đồng BT; nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án sau khi ký hợp đồng BT với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, việc xác định định mức, đơn giá xây dựng không liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư để thực hiện dự án (vì nguồn vốn đầu tư sẽ do nhà đầu tư thu xếp). Việc xác định định mức, đơn giá chỉ để chuẩn xác lại một số công tác được tạm tính trong hợp đồng, để phục vụ công tác quyết toán hợp đồng BT sau khi dự án hoàn thành.

Thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, ngoài việc cần nâng cao tinh thần không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cũng cần phải có cách nhìn, đánh giá thật sự khách quan.

Ở đây, trong phạm vi dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, là trách nhiệm trực tiếp của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn đối với Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1; đã được quy định rõ tại Luật Xây dựng, Luật số 62/2020/QH14, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP…

Một dự án đầu tư xây dựng khi triển khai thường không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ chủ quan đến khách quan, từ việc hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đến việc tổ chức thực hiện còn hạn chế… Đối với Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, cũng trong thời gian qua, một số bài viết đã có đánh giá, phân tích các tồn tại trong triển khai dự án, như còn vướng trong việc lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư, phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công...Bộ Xây dựng ghi nhận các ý kiến được cơ quan truyền thông báo chí đưa tin. Đồng thời, Bộ Xây dựng mong muốn các thông tin trước khi được đăng tải cần được đánh giá, thẩm định, chọn lọc kỹ lưỡng và có sự trao đổi để các thông tin được cung cấp đầy đủ, khách quan.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Tĩnh: Sẵn sàng phương án di dời hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

    (Xây dựng) - Trước tình hình bão số 4 ảnh hưởng gây mưa lớn, có nguy cơ ngập lụt cao, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án di dời các hộ dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa nước đến nơi an toàn.

  • Dáng núi trong điểm trường Thâm Luông

    (Xây dựng) - Được hoàn thành xây dựng vào năm 2023, mới đây, điểm trường Thâm Luông (Hà Giang) đã xuất sắc giành chiến thắng trong hạng mục Trường và Đại học của Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế IAA năm 2024 (International Architecture Awards 2024). Công trình chứa đựng câu chuyện ý nghĩa về kiến trúc “xanh” giữa núi rừng.

  • Phục hồi cây xanh đô thị sau bão

    (Xây dựng) – Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với lá phổi xanh của Thủ đô. Thống kê sơ bộ, bão số 3 khiến 8.700 cây đô thị của Hà Nội bị gãy đổ, tuy nhiên trong số đó chỉ có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm tàng từ những cây xanh già cỗi lâu năm trước bão gió, vì vậy việc khôi phục cây xanh nghiêng, đổ… cần khắc phục nhanh và kịp thời.

  • Sập cầu Ngòi Móng tại thành phố Hòa Bình

    (Xây dựng) - Cầu Ngòi Móng trên Tỉnh lộ 445 (tuyến đường nối thành phố Hòa Bình) bất ngờ bị nứt, sụt mố cầu lúc nửa đêm.

  • Tạm dừng khai thác một số chuyến bay tại sân bay Đồng Hới do ảnh hưởng bão số 4

    (Xây dựng) - Do ảnh hưởng bão số 4, sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) đã tạm dừng khai thác các chuyến bay từ 15h-22h ngày 19/9 nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách.

  • Quảng Trị: Lên kịch bản sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm

    (Xây dựng) - Ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão số 4, cách tỉnh Quảng Trị khoảng 165km về phía Đông Đông Bắc; sức gió mạnh nhất cấp 8 (62-74km/h). Để ứng phó với bão lũ do cơn bão số 4 gây ra, tỉnh Quảng Trị đã lên kịch bản sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load