(Xây dựng) - Đây là vấn đề được đề cập nhiều tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ngày 24/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). |
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu
Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó, bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Dự thảo Luật đã được hoàn thiện theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu.
Kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cần làm rõ giá đề nghị trúng thầu bao gồm tất cả khoản chi phí về thuế của gói thầu, không xét đến giá hàng hóa của gói thầu.
Đề cập đến đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 2 dự thảo Luật có 2 phương án quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu. Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thống nhất với phương án 2 nhằm đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, đồng thời tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của Luật Đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.
Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ băn khoăn: Trong giải thích từ ngữ của dự thảo Luật quy định nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện công việc xây lắp, tư vấn phí tư vấn và dịch vụ liên quan đến gói thầu công việc thuộc gói thầu hỗn hợp theo hợp đồng được ký với nhà thầu.
Theo đại biểu, đối với lĩnh vực xây dựng giao thông thì theo cách giải thích này dẫn đến cách hiểu là các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng cũng là nhà thầu phụ, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng và gặp vướng mắc.
Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định sửa đổi theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không phải là nhà thầu phụ.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thì đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể về cơ chế, quy trình, thủ tục đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu; Nghiên cứu bổ sung quy định về quy trình thực hiện các bước tiếp theo sau hủy thầu bao gồm cả trường hợp sau khi tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu nhưng vẫn không có nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn: Theo quy định về hồ sơ mời thầu tại khoản 1 Điều 44, những nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện nhiều hợp đồng trước đó sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, để Hội đồng đấu thầu thực hiện thực sự minh bạch, có hiệu quả thì cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà thầu. Không nên chỉ hạn chế tập trung lựa chọn nhà thầu, nhà kinh doanh có kinh nghiệm mà hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ nhưng có sự đầu tư bài bản, hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện tốt gói thầu.
Do vậy, kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự trước đó chỉ là một trong những tiêu chí rất nhỏ trong hồ sơ mời thầu; hồ sơ mời thầu cần tập trung vào những yếu tố chính liên quan đến chất lượng, tiến độ, giá cả gói thầu. Trường hợp vẫn lựa chọn yếu tố về uy tín của nhà thầu thì cần có quy định cụ thể, cơ sở, tiêu chí xác định đánh giá uy tín của nhà thầu.
Quy định chỉ định thầu được nhiều đại biểu quan tâm. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thì đề nghị mở rộng thêm quy định chỉ định thầu. Ngoài trường hợp như quy định của dự thảo Luật thì cần có quy định chỉ định thầu giảm giá, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại để đem lại lợi nhuận và hiệu quả cao hơn.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư chào giá cạnh tranh, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: Việc mở rộng thêm chào giá cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực khác để mang lại hiệu quả thiết thực cho ngân sách Nhà nước (NSNN).
Có loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư thực hiện đấu thầu hay không?
Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tán thành phương án 2 liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Tranh luận với ý kiến về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng: Đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, do vậy đề nghị không loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu. Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư phải thực hiện, dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện.
Trong khi đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi DNNN đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5 - 10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời cho biết thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Trước ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện có 2 luồng ý kiến và có 2 phương án. Trong đó, phương án của Chính phủ là: Luật này thì chỉ áp dụng đối với cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng mà quy định tại Khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và không áp dụng Luật này đối với cả các trường hợp lựa chọn nhà thầu dự án mà có sử dụng vốn Nhà nước từ 30% vốn trở lên hoặc là dưới 30% trên 500 tỷ đồng. Trong khi đó, một số đại biểu thì lại cho rằng quy định như vậy là chưa đảm bảo quản lý chặt chẽ vốn Nhà nước vì nhiều các gói thầu của các công ty con mà thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sẽ không phải đấu thầu.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước.
Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của Nhà nước thì DNNN hay không phải DNNN mà đã sử dụng vốn của Nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của Luật này.
Mặt khác, DNNN phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của DNNN tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phương án Chính phủ trình đã phù hợp với cả các quan điểm của Nghị quyết của Trung ương XII, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các DNNN, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Về trường hợp chỉ định thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ cùng cơ quan thẩm tra rà soát lại để bảo đảm quy định bao phủ các trường hợp, chủ động được những trường hợp phát sinh.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, đồng thời chỉnh lý hoàn thiện dự thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Quý Anh
Theo