(Xây dựng) - Không được đào tạo nghề sư phạm, cũng chẳng được lên giảng đường ngày nào… thế nhưng 13 năm nay, anh công nhân Hoàng Trọng Khánh (38 tuổi, trú tại phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn miệt mài làm tròn bổn phận của một thầy giáo. “Thầy giáo Khánh” chẳng được ai công nhận, chỉ có lũ trẻ xóm nghèo thừa nhận anh là thầy.
Lớp học của anh công nhân Hoàng Trọng Khánh ở khu trọ nghèo phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Dạy học ở khu “gò mả”
Năm 2010, khu gò mả ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ) còn rất hoang sơ. Hồi đấy, người lao động ở khu gò mả đa phần là dân tứ xứ kéo nhau vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, làm ăn. Dân lao động thuê trọ ở nhiều, lâu dần thành xóm. Xóm nghèo, nên trẻ em ở đây cũng “nghèo con chữ” vì thường nghỉ học sớm để phụ giúp ba mẹ làm ăn.
Thời điểm này, khi mới “chân ướt chân ráo” từ Thừa Thiên - Huế vào Thành phố Hồ Chí Minh xin làm công nhân, anh Hoàng Trọng Khánh có tới phòng trọ của một người bạn ở đường Tăng Nhơn Phú xin nhờ giúp đỡ.
“Lúc đi qua khu gò mả, tôi thấy một nhóm 4 đứa trẻ đang ngồi học nhưng không ai dò bài, chẳng ai chỉ dạy nên không biết đáp án đúng, sai. Lân la hỏi thăm thì mới biết tụi nhỏ vì phụ gia đình nên rất ít khi tới lớp, người lớn thì không quản do bận mưu sinh. Trẻ nhỏ mất kiến thức thì rất dễ nản, cũng mất luôn đam mê đến lớp”, anh Khánh nhớ lại.
Thời gian rảnh, anh Khánh lại chuẩn bị nội dung cho bài học tiếp theo để học trò tiếp thu hiệu quả nhất. |
Thời còn học phổ thông, Hoàng Trọng Khánh cũng là một học sinh giỏi, nhưng vì gia đình nghèo nên anh không được học hành đến nơi đến chốn, phải đi làm công nhân vất vả. Nghĩ tới mình, rồi nhìn sang lũ trẻ, anh Khánh quyết định lại gần làm quen rồi tiện thể anh giảng giải, chỉ bảo cho tụi nhỏ làm bài tập.
Sau buổi đầu tiên, lúc chia tay một vài đứa cất tiếng “Chú ơi, mai chú có đến nữa không? Chú ơi mai chú lại quay lại nhé…”, chỉ đơn giản là câu nói ngây ngô của trẻ nhỏ, nhưng Khánh đã hứa và Khánh giữ lời.
Từ đó, chiều nào cũng vậy, vừa tan ca, Khánh lại đến khu gò mả để làm thầy giáo cho đám nhỏ. Cứ vậy, cái lớp học gò mả lúc đầu chỉ có vài ba đứa theo học, chẳng ai buồn để ý. Rồi đến lúc càng nhiều trẻ nhỏ xin ba mẹ ra gò mả để học bài, sĩ số lớp học ở khu gò mả bắt đầu tăng lên thì cũng là lúc “thầy giáo Khánh”, ông thầy bất đắc dĩ bị nhiều người chú ý.
“Có người nghi ngờ mục đích dạy học của tôi, cũng có người chê tôi gầy gò. Có người thì sợ tôi nghiện ngập làm hư con họ…”, anh Khánh mỉm cười kể lại.
Mặc kệ lời ra tiếng vào, Khánh vẫn đều đặn ra khu gò mả, giữ lời hứa dạy tụi nhỏ làm bài. Lớp học ban đầu chỉ có cái bàn nhỏ đặt ở khu đất trống, thấy thương, dân xóm trọ dựng cái chòi nhỏ để thầy trò che nắng, che mưa.
Có cái chòi, việc học tập của lũ trẻ cũng tốt hơn, sĩ số lại tiếp tục tăng cao. Học ở khu gò mả phần vì muỗi mòng nhiều, phần thì mưa gió khó khăn, thấy thương bà chủ trọ tài trợ hẳn cho cái sân nhà. Sân nhà bà chủ trọ sạch đẹp, có hẳn mái che.
Dân xóm trọ người hùn cái bàn, người góp cái ghế, có người bán đồ ăn dạo còn dư cũng tài trợ luôn cho nhóm thầy trò. Từ đó, lớp học gò mả chính thức lên đời.
Chỉ là “thầy” của lũ trẻ xóm nghèo
“Thoắt cái đã 13 năm, hết lứa học sinh này lại đến lứa học sinh khác… Lúc đầu, tôi không nghĩ mình sẽ làm thầy tụi nhỏ lâu như vậy. Thế nhưng, niềm vui khi dạy tụi nhỏ theo thời gian đã trở thành thói quen, không thể thiếu. Học trò của tôi, giờ cũng đã có đứa học lên cao, theo đuổi ước mơ của mình”, anh Khánh thỏa mãn bộc bạch.
Có những lúc đi làm về rất mệt, nhưng nghĩ tới niềm vui khi gặp tụi nhỏ thì anh Khánh lại có động lực. Nhiều khi vừa bước vào lớp, tụi nhỏ đã nhao nhao reo hò “Thầy ơi con đói có gì ăn không thầy, hoặc “Sao hôm nay thầy về trễ vậy…” sự ngây thơ, chân tình của tụi nhỏ là niềm vui lớn nhất mà anh Khánh nhận được.
Thầy Pascal người Bỉ, nghe tiếng cũng đến tham gia giảng dạy, tiếp lửa cho lớp học của Khánh. |
Tiếng lành đồn xa, người hảo tâm, mạnh thường quân khắp nơi cũng tìm tới giúp Khánh, giúp cái lớp học của Khánh… cứ vậy lớp học đã kéo dài 13 năm.
“Có lần cuối tuần, một nhà hảo tâm người Bỉ tên Pascal tìm đến phụ tôi dạy tụi nhỏ. Thầy Pascal chia sẻ nhiều, dạy tụi nhỏ nhiều bài học bổ ích về con người và văn hóa Bỉ. Không chỉ những người có tâm, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng giúp đỡ, đó chính là liều thuốc để lớp học này kéo dài đến hôm nay”, anh Khánh chia sẻ.
Đến nay, sĩ số lớp học đã lên đến gần 40 em, cái sân xóm trọ không còn đủ chỗ cho lũ trẻ theo học nên anh Khánh phải sắp thành 2 ca, dạy đều các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh văn. Học sinh của Khánh chủ yếu là cấp 2, cứ lớp trước kết thúc thì lại tất bật chuẩn bị cho lớp sau bắt đầu.
Lớp học của Khánh sĩ số ngày càng tăng, Khánh phải chia làm 2 ca để giảng dạy. |
Phụ huynh của các em cũng bắt đầu cảm nhận được tấm lòng của ông thầy công nhân ốm yếu. Con họ từ học lực yếu, kém sau thời gian được kèm cặp đã có thành tích học tập tiến bộ rõ rệt, có em vươn lên khá, giỏi. Vậy là lớp học của Khánh lại một lần nữa phải thay đổi chỗ. Phụ huynh gom góp lại thuê hẳn 1 căn nhà nhỏ với giá 3,5 triệu/tháng để làm chỗ học cho thầy trò.
“Khánh không lấy tiền nên phụ huynh tiếp sức bằng cách của họ để duy trì lớp học ý nghĩa này”, chỉ tay về căn phòng trọ kiêm luôn lớp học của anh Khánh, một người hàng xóm nói.
Chẳng qua trường lớp chuyên môn nào, để có thể truyền đạt cho học sinh những kiến thức cần có, Khánh phải vận dụng hết vốn liếng từ thời phổ thông; lại tìm tòi học hỏi thêm những kiến thức mới trên internet, hoặc tham khảo kiến thức từ những thầy cô giáo có mối thân tình. Cách dạy của Khánh vừa thực tế, vừa dí dỏm nên học sinh rất nhanh hiểu bài.
“Học với thầy tụi con thích vì dễ hiểu, không khí học không gò bó, vui nhộn, cách truyền đạt của thầy gần gũi, nhiệt tình nên tụi con không thấy áp lực mà càng học càng thích”, bé Như học sinh lớp 9, trường Đặng Tấn Tài, hồn nhiên kể về thầy khánh.
Không chỉ bé Như, mà chị gái của Như và nhiều đứa trẻ trước đó của xóm nghèo đều đã từng theo học Khánh. Truyền thống này cứ thế kéo dài suốt 13 năm; và cũng từng ấy năm Hoàng Trọng Khánh phải vừa làm công nhân vừa làm “thầy” của tụi nhỏ xóm nghèo.
Cứ buổi sáng, Khánh rời nhà với vai trò công nhân, khoảng 5 giờ chiều tan ca về Khánh lại vào vai thầy giáo. Khánh dạy lũ nhỏ đến tận 8 giờ tối mới xong, ròng rã suốt 13 năm. Đối tượng học sinh của Khánh cũng chỉ là con em của những gia đình lao động nghèo. Khánh không được ai công nhận là “thầy”, không có bằng cấp làm “thầy” nhưng Khánh có cái tâm của người thầy.
Khánh dạy chữ không phải vì mưu sinh hay vì danh vọng. Mục đích của Khánh chỉ đơn giản là vì niềm vui, vì tương lai của những đứa trẻ đã gọi anh là “thầy”.
Thiên Nam - Như Mai
Theo