Thứ tư 13/11/2024 14:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Những dấu ấn mới về phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng

15:32 | 13/11/2022

(Xây dựng) – Thành phố Hải Phòng là đô thị có lịch sử truyền thống, gắn với quá trình xây dựng và phát triển lâu đời, là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã đạt nhiều dấu ấn mới trong công tác cải tạo, chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị.

Những dấu ấn mới về phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng
Thành phố Hải Phòng phát triển đô thị với những dấu ấn rõ nét.

Bên cạnh công tác đầu tư, xây dựng mới và phát triển thành phố trở thành một trong các thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại I, cấp quốc gia thì công cuộc cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị, cải tạo các khu vực dân cư đô thị hiện hữu, khu vực dân cư đô thị hóa cũng là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của thành phố. Với mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng sống của nhân dân và làm thay đổi căn bản nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan đô thị thành phố Hải Phòng, đồng thời là dịp để thành phố quan tâm, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình đô thị hóa. Theo đó, tăng hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai; bên cạnh việc tối ưu hóa công tác vận hành và khai thác hiệu quả hệ hống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân thành phố.

Để triển khai hiệu quả công tác phát triển đô thị và cải tạo, chỉnh trang đô thị thành phố, thành phố Hải Phòng đã được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm và ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các Nghị quyết trên là kim chỉ nam và là hành lang pháp lý để thành phố Hải Phòng thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển đô thị. Trong thời gian qua thành phố đã triển khai tập trung cao cho công tác phát triển đô thị, đồng thời cũng gắn với công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị theo chương trình công tác năm, trọng tâm phát triển, mở rộng không gian đô thị về 03 hướng đột phá phát triển đô thị.

Những dấu ấn mới về phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng
Những cây cầu nối liền khiến kinh tế, giao thương tại Hải Phòng nhanh chóng phát triển.

Hướng Bắc phát triển trên địa bàn huyện Thủy Nguyên với khu đô thị mới Bắc sông Cấm với các hạng mục trọng tâm như xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố, khu vui chơi - giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên, trong đó hiện nay Khu trung tâm hành chính Bắc sông Cấm hiện đã được khởi công xây dựng với định hướng phát triển nhiều không gian xanh.

Hướng Đông với việc xây dựng các khu đô thị phục vụ du lịch đảo Cát Bà, khu nhà ở công nhân Đình Vũ (quận Hải An), Cát Hải (huyện đảo Cát Hải) và khu hậu cần phục vụ tuyến cáp treo Cát Hải - Cát Bà, tiếp tục được đẩy mạnh xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện; tổ hợp nhà máy sản xuất chế tạo và quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí đảo Cát Bà.

Hướng Đông Nam đột phá phát triển về phía quận Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray với việc triển khai nhiều dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại ở khu vực cửa ngõ phía Nam Hải Phòng, như hoàn thiện xây dựng khu du lịch Đồi Rồng, đầu tư các dự án du lịch tại Đồ Sơn (quận Đồ Sơn).

Trong năm 2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2022 có nội dung “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, xác định mục tiêu, giải pháp cụ thể về công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị thành phố, góp phần tạo đột phá trong xây dựng, phát triển và từng bước hiện đại hoá đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới đạt tiêu chí đô thị đặc biệt, đô thị thông minh.

Những dấu ấn mới về phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng
Đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các quận, giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 12/4/2022 của HĐND thành phố với mục tiêu chỉnh trang, nâng cấp đô thị, tạo cảnh quan, nâng cao chỉ tiêu cây xanh, công viên, vườn hoa.

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng sống nhân dân thành phố, tăng lỷ lệ đất cây xanh đô thị. Trong thời gian qua các cấp chính quyền thành phố đã tập trung triển khai các chương trình về cơ chế hỗ trợ vật tư, cải tạo một số công viên, vườn hoa và trồng mới cây xanh trên địa bàn các quận, trồng mới thêm 3.302 cây xanh; Giai đoạn 2021-2025, đầu tư bổ sung 62 công viên vườn hoa cho khu vực 07 quận với tổng diện tích khoảng 71ha. Riêng năm 2021 đã đầu tư xây dựng 8 công viên, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 4 công viên (công viên tại phường Quán Toan, Hồng Bàng; công viên tại số 53 Lạch Tray, Ngô Quyền; công viên tại phường Hưng Đạo và phường Hải Thành, quận Dương Kinh) và đang hoàn thành 4 công viên (công viên tại Hồ Sen, Lê Chân; công viên Đằng Hải, Hải An; công viên Đồng Hòa, Kiến An; công viên Hải Sơn, Đồ Sơn).

Những dấu ấn mới về phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng
Hải Phòng ưu tiên tập trung ngân sách xây dựng cây xanh nhằm cải thiện điều kiện sống nhân dân.

Giai đoạn 2022-2025, dự kiến đầu tư tiếp 54 công viên, vườn hoa, với mục tiêu xanh hóa đô thị, nâng cao chất lượng sống nhân dân thành phố và góp phần hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I trên địa bàn thành phố và hướng tới mục tiêu chí đô thị loại đặc biệt vào năm 2030 theo yêu cầu Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng.

Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố có khoảng 205 chung cư cũ, trong đó đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 tòa chung cư mới trên nền hiện trạng khoảng 31 chung cư cũ và hiện đang tiếp tục hoàn thiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ theo quy định. HĐND thành phố cũng đã thông qua Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ còn lại trên địa bàn thành phố tại Nghị quyết số 04/NQ-HDND ngày 12/4/2022 về xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển quỹ nhà ở xã hội trêm địa bàn thành phố, kết hợp với việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ nhằm đạt hiệu quả cao, bổ sung quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, góp phần ổn định đời sống dân sinh.

Ngoài ra, Hải Phòng tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và ổn định đời sống dân sinh. Hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện với 46 cây cầu được xây dựng, hàng chục bến phà, đò đã được thay thế bằng cầu cứng, hiện đại. Đặc biệt, 118 tuyến đường nội đô được trải nhựa át-phan phẳng phiu. Các nút giao thông trọng yếu đã được đầu tư cải tạo mở rộng đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị chung thành phố.

Không chỉ vậy, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 về cơ chế hỗ trợ vật tư (xi măng, gạch lát vỉa hè, pha đèn chiếu sáng và cây xanh) để cải tạo, nâng cấp hè, đường ngõ đã xuống cấp trên địa bàn các quận, cụ thể đã triển khai hỗ trợ vật tư cho 07 quận với kết quả khả quan như, hỗ trợ thực hiện 10.208 pha đèn LED lắp đặt tại 3.298 tuyến đường ngõ; 3.302 cây xanh trồng tại 156 tuyến đường ngõ; 28.659m2 gạch lát vỉa hè tại 29 tuyến đường ngõ; 26.111 tấn xi măng để cải tạo 2.037 tuyến ngõ với tổng chiều dài 158km.

Và trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình giao thông trọng điểm, hoàn thiện các yêu cầu, mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị Quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ về tái thiết, cải tạo, chỉnh trang đô thị thành phố theo yêu cầu tại nghị Quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, hướng đến mục tiêu là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc bộ và cả nước và tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố, trọng tâm tập trung vào 03 giải pháp đột phá như: Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển. Tập trung cao cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đẩy nhanh tốc độ phát triển, mở rộng không gian đô thị về 03 hướng đột phá; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp 4 chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường để Hải Phòng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của đất nước; Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa.

Nhằm tiếp tục phát triển đô thị thành phố bứt phá về kinh tế - xã hội, phát triển mở rộng đô thị, đáp ứng vai trò, vị trí của thành phố trong tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, trong các năm tiếp theo, thành phố sẽ tập trung tiếp tục thực hiện một số giải pháp. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về phát triển đô thị thành phố Hải Phòng, trong đó tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và triển khai xây dựng Đề án thành lập khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng.

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Tập trung phát triển, hiện đại hóa cảng biển, dịch vụ logistics. Khởi công dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Mở rộng phạm vi, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạnh các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển 03 sản phẩm du lịch cốt lõi: du lịch biển đảo, du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Cuối cùng là chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa và Nhà ga hành khách số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung chính quyền số thành phố là hạt nhân, nền móng xây dựng và phát triển chính quyền số, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load