Thứ năm 07/11/2024 21:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Như Xuân (Thanh Hóa): Những sản phẩm “trái ngọt” đầu mùa của chương trình OCOP

19:38 | 13/09/2020

(Xây dựng) - Trong những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ tích cực, chương trình OCOP tại Như Xuân đã thu được thành quả ban đầu đáng khích lệ với 2 sản phẩm cam của xã Xuân Hòa đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, được xếp hạng 3 sao.

nhu xuan thanh hoa nhung san pham trai ngot dau mua cua chuong trinh ocop
Anh Lê Minh Hải bên những gốc cam sắp cho mùa quả ngọt.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Đình Tuấn, sau quá trình tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hình thành vùng cây ăn quả chuyên canh, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, từ vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Xuân Hòa đã xây dựng vùng cây ăn quả từ đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp chuyển đổi, có tổng diện tích 166,7ha. Bao gồm các loại cây cam, bưởi, ổi, mít Thái được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó cây cam, bưởi là chủ yếu. Tham gia trồng cây ăn quả có 44 hộ dân, trong đó 34 hộ cá thể và Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công gồm 10 thành viên.

Để giúp các hộ dân trong quá trình sản xuất, phát triển bền vững vùng cây ăn quả, UBND tỉnh, huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ hiệu quả, phù hợp như: Hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống, phân bón, hỗ trợ tiền cải tạo đất 15 triệu đồng/ha cây ăn quả. Ngoài ra, năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã hỗ trợ cho Hợp tác xã Thành Công một chiếc máy cày. Đầu năm 2020, hỗ trợ tiếp cho hợp tác xã xây dựng một nhà kho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch với diện tích 500m2, tổng kinh phí 4 tỷ đồng, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 3,2 tỷ đồng, Hợp tác xã đối ứng 800 triệu đồng.

Mới đây, sau khi hai sản phẩm cam Xuân Hòa gồm Cam đường canh Như Xuân và Cam Xã Đoài Như Xuân, qua kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt của cơ quan chức năng chuyên môn, được xếp hạng 3 sao trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh. Để hướng tới xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cam Xuân Hòa với người tiêu dùng, chuẩn bị vào vụ thu hoạch cam năm nay (bắt đầu từ tháng 11), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã hỗ trợ cho bà con trồng cam tại đây toàn bộ bao bì bao gói sản phẩm và nhãn mác, xuất xứ của sản phẩm.

Nhờ các chính sách hỗ trợ hiệu quả trên, mấy năm trở lại đây, cây cam đã trở thành loại cây trồng chủ lực trong vườn cây ăn quả của Xuân Hòa, với diện tích 70ha đã cho thu hoạch. Theo cán bộ chuyên môn của xã, qua kiểm tra, đánh giá thực tế tại vườn và tham khảo các hộ, dự kiến năm nay, cây cam của Xuân Hòa sẽ cho năng suất trung bình 30 tấn/ha, đạt tổng sản lượng 2.100 tấn, tính theo giá bán bình quân 18.000 đồng/kg của năm trước. Dự tính tổng doanh thu từ riêng cây cam năm nay của Xuân Hòa sẽ đạt khoảng 4 tỷ đồng, một con số khá ấn tượng so với các loại cây trồng truyền thống của địa phương.

Một trong những người đi tiên phong đưa cây cam về vùng đất Như Xuân là anh Lê Minh Hải, cán bộ Tư pháp xã Xuân Hòa. Sau nhiều ngày đêm trăn trở “tầm sư học đạo” tìm hướng làm ăn mới, anh đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất chuyên trồng sắn và mía sang trồng cam. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn cam của anh sau 4 năm đã cho thu hoạch cao.

Sau đó, vừa làm vừa học hỏi, thăm dò thị trường, dùng tiền lãi thu được để tái đầu tư cho sản xuất, mở rộng diện tích trồng cam lên vài ha. Tiếp đó, đến năm 2015, hưởng ứng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa. Được sự hỗ trợ của huyện, xã, anh đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên 10ha, trong đó có 8ha trồng cam, còn lại là bưởi, chanh và ổi.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, anh Hải cho biết, hiện tại vườn cam của anh có khoảng 6.000 cây thuộc 3 lứa khác nhau, trong đó có 2.000 cây đã cho thu hoạch ổn định, sang năm 2021 có thêm 2.000 cây đến kỳ thu hoạch (hiện đã bói quả đầu mùa) và 2.000 cây còn lại sẽ cho thu hoạch vào năm 2022. Dự tính vụ thu hoạch cam năm nay sẽ bắt đầu từ tháng 9 (âm) kéo dài đến sau Tết Âm lịch. Về sản lượng, theo tính toán của anh Hải, với năng suất trung bình mỗi cây 50kg quả, vụ này anh sẽ thu được 100 tấn cam.

Cùng với cam còn có bưởi Diễn, bưởi da xanh, quýt, chanh đào... dự tính, tổng doanh thu từ vườn cây ăn quả của gia đình anh năm nay đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Và con số này sẽ còn tăng đáng kể trong 2 năm tới, nhất là vào năm 2022, khi cả 8ha cam đều cho thu hoạch. Nếu không có gì đột biến, chỉ 2 năm sau, mỗi năm anh Hải có thể ung dung thu lãi hàng tỷ đồng từ vườn cây của mình.

Nói về chất lượng và đầu ra của sản phẩm hiện nay, anh Hải cho biết, cả hai loại cam của Như xuân đều được đánh giá cao bởi độ ngọt, hình thức đẹp, vỏ căng bóng, mịn màng. Trong đó, cam đường canh có vị ngọt thanh, cam Xã Đoài ruột màu vàng, có vị ngọt đậm. Do ưu điểm về chất lượng, quả cam Xuân Hòa hiện nay “cung chưa đủ cầu” nên thường được thương lái đến đặt mua tại vườn. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển bền vững, việc tìm đầu ra ổn định, số lượng lớn cho cây cam, bưởi cũng đã được hợp tác xã và chính quyền địa phương tính đến.

nhu xuan thanh hoa nhung san pham trai ngot dau mua cua chuong trinh ocop
Những cây cam trĩu quả, dự tính cho năng suất khoảng 50kg quả/cây.

Từ thực tế sản xuất, tiêu thụ cây cam nói riêng, cây ăn quả nói chung hiện nay tại Như Xuân đã cho thấy tính đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển của chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Đáng phấn khởi hơn, chương trình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho người nông dân mà còn tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load