Thứ sáu 08/11/2024 05:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nhiều khó khăn trong kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng nhái

21:17 | 26/11/2019

(Xây dựng) – Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn nạn gây bức xúc dư luận xã hội trong nhiều năm, thế nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập gây khó khăn cho cơ quan điều tra, quản lý.

Nhiều khó khăn trong kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng nhái
Bên trong một kho hàng nhập lậu sứ, sen vòi không có nhãn mác, bao bì sản phẩm.

Khó truy xuất nguồn gốc

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh, từ thực phẩm (mỳ chính, nước mắm, bánh kẹo, sữa, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng) cho tới vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi), dược phẩm (đông dược, tân dược ngoại nhập), các loại phụ tùng (cho ô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện), các loại hàng tiêu dùng, thời trang cũng như vật liệu xây dựng (gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sen vòi)…

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.

Nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiêu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ...

Trong 01 năm qua, Tổng Cục Quản lý thị trường kiểm tra 141.000 vụ việc, phát hiện và xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan Công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. Riêng đối với hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng đầu năm 2019, các cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý gần 6.600 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng.

Tổng Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm rất khó khăn bởi hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại vào thị trường nội địa được hợp thức hóa bằng rất nhiều phương thức, phân phối thông qua các kênh tiêu thụ đa dạng, linh hoạt. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng, thì việc phát hiện vi phạm cũng rất khó khăn, đặc biệt là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở,... Và, kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm.

Bên cạnh đó, nhận thức, thị hiếu của người tiêu dùng muốn sở hữu hàng hoá với giá rẻ, cùng với đó là khả năng nhận biết và thông tin để nhận biết hàng thật-hàng giả của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế.

Vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật

Theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 (Bộ Công an), đã có nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo hướng tăng cường hình thức xử lý đối với loại tội phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong khi sở hữu trí tuệ là lĩnh vực liên quan đến nhiều Bộ, ngành đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, nhưng trên thực tế, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Về chính sách pháp luật, Điều 226, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 có quy định về các tình tiết như “quy mô thương mại”,“gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”.

Điều 226, Bộ Luật Hình sự quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý). Tuy nhiên, tại Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, trong khi mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng (mà không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính). Nên thực tiễn dẫn đến một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính và thông thường các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều đối với thủ tục để xử lý vụ việc bằng biện pháp hình sự. Thực tế này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Về thực thi, việc thu thập chứng cứ để xác định dấu hiệu thu lời bất chính theo quy định tại Điều 226 gặp khó khăn do đối tượng phạm tội thường sử dụng ký hiệu đặc biệt để quy ước hàng hóa hoặc không ghi chép sổ sách, quá trình mua đi bán lại không có hóa đơn, chứng từ. Công tác định giá hàng hóa vi phạm gặp khó khăn, thông thường phải thuê thẩm định giá, tiến hành theo đúng trình tự nên rất mất thời gian.

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý hệ thống phân phối, áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật nhằm bảo vệ sản phẩm (Ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới…), đồng hành với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, tuyên truyền để người dân, người tiêu dùng chủ động phòng tránh hàng giả, hàng nhái.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load