(Xây dựng) – Bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và hoàn lưu bão gây ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh phía Bắc khiến nhiều công trình như: Trụ sở, trường học, chung cư, bảo tàng, khách sạn, nhà ở… bị tốc mái, vỡ kính, hư hỏng nặng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều công trình xây dựng hay một phần kết cấu bao che của công trình có khả năng trụ vững dưới sức tàn phá của bão. Điều này đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến an toàn công trình cần được bàn luận.
Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng về vấn đề này.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. (Ảnh: NVCC) |
PV: Có thể thấy, siêu bão Yagi lướt qua Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc, đã gây thiệt hại rất lớn, trong đó có các công trình xây dựng; mặc dù công tác đảm bảo an toàn công trình đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước bão. Vậy, công trình xây dựng đảm bảo an toàn trong bão lũ đã được quy định như thế nào trong luật pháp, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Do vị trí địa lý và đặc điểm địa hình, Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu hầu hết các loại thiên tai như bão, lốc xoáy, lũ lụt. Bão đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho dân chúng. Mỗi cơn bão có thể trút hàng trăm milimet nước trong thời gian cực ngắn gây lũ lụt nghiêm trọng. Ngoài ra, gió giật trong bão kèm theo những cơn lốc xoáy có thể làm đổ công trình xây dựng, bung tách các bộ phận bao che và làm sập đổ các vật thể khác.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua đã có những chiến lược và các chính sách cụ thể về phòng chống thiên tai đặc biệt về bão lụt. Tác động của thiên tai thực sự là khó lường, cho nên những quy định pháp luật đều hướng tới mục tiêu giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Hàng loạt các quy định kỹ thuật như: Quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được Chính phủ ban hành như quy định về quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công nhà và các công trình không ngoài mục tiêu đảm bảo chịu lực, đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản trước tác động của bão, lũ. Sự quan tâm của Nhà nước còn thể hiện việc đầu tư Phòng nghiên cứu thực nghiệm hiện đại về gió bão, động đất đặt tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST - Bộ Xây dựng).
Sức tàn phá khủng khiếp của bão số 3 khiến nhiều công trình, nhà ở bị thiệt hại. (Ảnh: Internet) |
PV: Bằng trực quan và kinh nghiệm nghề nghiệp, ông có đánh giá như thế nào về các công trình bị giật tung kết cấu bao che, tốc mái, sập trần, vỡ gạch ốp thang máy… do bão số 3 gây ra vừa qua?
PGS.TS Trần Chủng: Trước hết, tôi nói một chút về cơn bão số 3 vừa qua. Hiện nay, ở nước ta và trên hầu hết các nước trên thế giới đều dùng thang Beaufort để đo sức mạnh của bão. Thông thường chúng ta biết tới bão được phân theo 12 cấp (0-12) vận tốc gió cấp 12 tương đương 118km/h. Sau đó (năm 1946) thang này mở rộng lên 17 cấp (vận tốc gió 202km/h) và hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu mở rộng lên tới cấp 30 (vận tốc gió trên 527km/h).
Theo các thông báo về sức mạnh cơn bão đều ghi sức gió mạnh nhất cấp 13, gió giật trên cấp 16. Số liệu Đài khí tượng Nhật Bản công bố mà tôi theo dõi được thì gió giật có thể tương đương cấp 18 (vận tốc 221km/h) thuộc loại siêu cuồng phong. Tôi có theo dõi sức tàn phá kinh hoàng tại Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều địa phương. Có thể nói, không có phép thử nào về độ bền vững, mức độ an toàn của công trình mà cơn bão Yagi đã quá “tàn nhẫn” gây ra.
Vì vậy tôi mong các Bộ, ngành liên quan cần tổ chức khảo sát, đánh giá một cách khoa học nguyên nhân của các sự cố, tổng kết thành các bài học về công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng tài liệu kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình để có thể xây dựng các công trình tương tự không mắc lại trong tương lai.
PV: Trong các thiệt hại sau cơn bão, một loại hình kết cấu bao che là “vách dựng” được cấu tạo từ kết cấu kim loại và kính an toàn bị hư hại thậm chí bị bóc toàn bộ mặt dựng của một công trình. Vậy, vật liệu bao che được sử dụng cho công trình thì được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn nào, thưa ông?
Bão số 3 và hoàn lưu bão khiến nhiều công trình bị hư hỏng nặng. |
PGS.TS Trần Chủng: Đúng là trong các thiệt hại sau cơn bão, loại hình kết cấu bao che là “vách dựng” bị hư hại, thậm chí bị bóc toàn bộ mặt dựng của một công trình. Giải pháp kết cấu bao che này đang được áp dụng tại Việt Nam chủ yếu tại các công trình dân dụng như: Nhà ga hàng không, công trình văn hóa, khách sạn và chung cư nhiều tầng. Loại kết cấu này có yêu cầu rất cao về độ bền và mức độ an toàn của vật liệu kính. Các loại kính dùng cho mặt dựng được gọi là “kính an toàn” như kính dán hay kính cường lực để khi xảy ra nứt vỡ, các mảng kính không thể gây thương tích cho con người.
Tôi được biết, Bộ Xây dựng đã ban hành khoảng 15 tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm soát chất lượng kính nói chung và kính thuộc nhóm an toàn này. Ngoài các công tác kiểm nghiệm từng loại vật liệu, công tác thử nghiệm trên cấu kiện hoàn chỉnh “vách kính khung nhôm” cho từng loại hình công trình đã được thực hiện rất nhiều năm qua tại Phòng thí nghiệm trọng điểm về gió bão đặt tại Viện IBST.
Tại phòng thí nghiệm này, các cấu kiện được kiểm tra các chỉ tiêu về độ bền, độ kín phòng nước, độ bền chịu va đập của các vật thể rắn trong bão và những chỉ tiêu khác theo yêu cầu của thiết kế. Thí nghiệm trên mô hình cấu kiện theo tỷ lệ 1:1 như vậy, chính là bước kiểm nghiệm quan trong cuối cùng trước khi lắp đặt vào công trình.
Trong các thiệt hại sau cơn bão, loại hình kết cấu bao che là “vách dựng” bị hư hại nặng. (Ảnh: Internet) |
PV: Người dân thật sự hoang mang trước vấn đề an toàn công trình trong siêu bão số 3. Ông có khuyến cáo gì để người dân có phương cách bảo vệ tính mạng và tài sản của mình khi tránh trú bão ở những công trình nhà ở, chung cư hay công trình công cộng?
PGS.TS Trần Chủng: Các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ ứng xử của nhà và công trình trước tác động của gió bão, nên đã thiết kế các công trình phải đảm bảo ổn định chống lật hoặc bị bốc lên theo cơn gió. Trong công trình, từng cấu kiện hay bộ phận công trình phải được kiểm toán khả năng chịu được các tác động của gió bão mà không bị phá hoại trong suốt vòng đời của nó.
Đối với công trình có chiều cao lớn, người thiết kế phải có giải pháp đảm bảo tính tiện nghi cho người sử dụng với việc kiểm soát tốt hệ kết cấu chịu lực và kích thước các cấu kiện chịu lực của tòa nhà. Đối với các nhà ở thấp tầng, Bộ Xây dựng đã ban hành tài liệu do Viện IBST biên soạn để giúp người dân tự thực hiện các giải pháp phòng chống bão nhằm giảm thiểu hư hại cho nhà ở.
Đối với cư dân sống trong các khu nhà ở nhiều tầng, do các khối nhà cao tầng đứng gần nhau gây ra hiệu ứng gió lùa thậm chí rất mạnh, cho nên cần khuyên người dân khi bộ hành gần các khu nhà cao tầng phải lưu ý hiệu ứng này và phòng ngừa các vật rơi khác. Một biện pháp chủ động, khi có bão lũ, người dân hạn chế ra khỏi nhà trừ các trường hợp đặc biệt.
PV: Thưa ông, ngoài vấn đề an toàn công trình thì tình trạng ngập lụt tại các đô thị, kể cả các khu đô thị mới cũng rất bất cập sau mỗi trận mưa bão. Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi xin lỗi, vì tôi không thuộc chuyên ngành cấp thoát nước. Nhưng qua nhiều năm làm công tác quản lý chất lượng công trình, bài toán gập lụt trong các đô thị, tôi cũng rất quan tâm. Tôi có dịp đi công tác ở một số nước, cũng tìm hiểu về tình hình gập lụt và cách giải quyết vấn đề này.
Ví dụ: ở Tokyo, mặt nước biển nhiều khi cao hơn mực nước cần thoát. Các bạn Nhật đã xây dựng bể chứa nước cực lớn dưới lòng đất Tokyo để tiêu thụ nước mưa rồi sau đó mới bơm ra biển. Hoặc tại Kuala Lumpur (Malaysia) họ xây một đường hầm (tunel) có đường kính khá lớn trong lòng đất vừa làm bể thu nước vừa làm giao thông được vận hành rất thông minh. Phần nửa phía đươi đường hầm làm bể thu nước, nửa trên dành cho đường cao tốc. Một khi lượng nước quá lớn thì phần đường giao thông được sử dụng như bể chứa.
Chúng ta có thể chưa có điều kiện kinh tế để làm các công trình bể thu trong lòng đất như các nước bạn. Nhân đây, tôi có nhớ tới câu chuyện ông Trương Tùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội có nói chuyện về công tác thoát nước trong đô thị theo nguyên tắc “3T” mà ông, cha chúng ta đã đúc kết.
“Ba chữ T” đó là: “Trang, Thu, Tiêu”. Khi mưa xuống thì phải “Trang” ra chứ không để tập trung. Bây giờ, các đô thị không còn đất, vì vậy “Trang” đi đâu? Đường, xá, sân vận động. “Thu” ngày xưa có ao hồ. Bây giờ lấp rồi đành nhờ các hố thu được bố trí dọc các tuyến đường. Nhưng dung tích của nó có đủ thu không hay đã bị bùn đất lấp đầy? Còn “Tiêu” là các cống, rãnh dẫn nước ra các sông lớn. Thử xem lại vị trí, dung tích các hố thu, hệ thống cống thoát đã đáp ứng lưu lượng nước không? Mặt khác, các cống này có đang bị tắc bởi đủ các thứ ngăn cản dòng chảy không? Có thể ý kiến này ai cũng biết, nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta thật tâm làm tốt “Ba chữ T” này, tình trạng ngập lụt của đô thị ít nhiều giảm thiểu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 15/9, cho thấy, cơn bão số 3 khiến khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại. Bộ Xây dựng cho biết dưới sức ảnh hưởng của siêu bão số 3, các công trình xây dựng dân dụng kiên cố đảm bảo an toàn chịu lực, không xảy ra sự cố mất an toàn. Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng không kiên cố (ví dụ nhà kho, một số của hàng của người dân…) bị hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, kết cấu bao che như mái tôn, mặt dựng kính, cửa kính, mái thép bị hư hỏng khá nhiều. Nguyên nhân ban đầu được xác định là: Khả năng chịu gió bão mạnh của mái nhà kém. Một số vách kính, cửa kính thi công không đúng kỹ thuật, khung kính không được liên kết chắc chắn vào kết cấu bê tông hoặc thi công không đúng chỉ dẫn kỹ thuật hoặc không có tính toán thiết kế… |
Ngọc Hà (thực hiện)
Theo