Thứ sáu 08/11/2024 01:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Nhà thầu đứng tên nhập khẩu thiết bị, tính thuế thế nào?

10:58 | 28/10/2022

(Xây dựng) – Công ty ông Trần Hồng Anh (Hà Nội) là nhà thầu xây dựng, có vốn 100% nước ngoài, được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Công ty đang thực hiện hợp đồng thi công dự án cho chủ đầu tư là doanh nghiệp chế xuất.

nha thau dung ten nhap khau thiet bi tinh thue the nao
Ảnh minh họa (nguồn: TL).

Theo hợp đồng, một số thiết bị công trình (sau này tạo thành tài sản cố định cho chủ đầu tư) sẽ được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam để lắp đặt cho dự án theo thiết kế. Những thiết bị công trình này sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, đơn vị có ký hợp đồng thầu phụ với các nhà thầu phụ (trong nước) cho một số phần việc tương ứng với phạm vi công việc theo hợp đồng chính.

Theo đó, nhà thầu phụ sẽ nhập khẩu một số vật tư, thiết bị từ nước ngoài để xây dựng và lắp đặt cho công trình này.

Ông Hồng Anh hỏi, trường hợp nhà thầu chính đứng tên nhập các vật tư, thiết bị cho công trình của doanh nghiệp chế xuất, để được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu của chủ đầu tư, nhà thầu phải làm thủ tục gì? Ngoài ra, còn có các loại thuế nào khác áp dụng cho trường hợp này không?

Theo hợp đồng ký kết giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ cho dự án này, nếu nhà thầu phụ nhập vật tư, thiết bị từ nước ngoài vào Việt Nam để xây dựng và lắp đặt cho công trình thì nhà thầu chính và nhà thầu phụ cần phải làm thủ tục gì để được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu (vì những thiết bị công trình này sẽ được lắp đặt vào công trình của chủ đầu tư là doanh nghiệp chế xuất và tạo thành tài sản cố định của chủ đầu tư)? Còn có loại thuế nào khác sẽ áp dụng cho trường hợp này không?

Nếu trong trường hợp 2 nêu trên mà nhà thầu phụ phải nộp thuế nhập khẩu cho các thiết bị nhập khẩu đó thì chủ đầu tư có được hoàn thuế nhập khẩu sau này không?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:

Tại Điều 1 quy định về đối tượng áp dụng:

"Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):

1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa nhà thầu nước ngoài với nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của hợp đồng nhà thầu…".

Tại Điều 2 quy định về đối tượng không áp dụng:

"Hướng dẫn tại Thông tư này không áp dụng đối với:

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hoá cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:

Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).

Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hoá cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán)...".

Tại Khoản 2, Điều 4 quy định về đối tượng nộp thuế:

"2. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh: Mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ; mua hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms); thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Bên Việt Nam) bao gồm:

Các tổ chức kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Hợp tác xã.

Các tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác.

Nhà thầu dầu khí hoạt động theo Luật Dầu khí.

Chi nhánh của công ty nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

Tổ chức nước ngoài hoặc đại diện của tổ chức nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

Các tổ chức khác ở Việt Nam.

Các cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 4, Chương I có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hướng dẫn tại Mục 3, Chương II trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài".

Tại Điều 5 quy định về các loại thuế áp dụng:

"Điều 5. Các loại thuế áp dụng

1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TNDN theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.

3. Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành".

Tại Điều 11 quy định về đối tượng và điều kiện áp dụng nộp thuế GTGT, nộp thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu (phương pháp trực tiếp).

Tại Khoản 3, Điều 17 quy định: "3. Trường hợp tại Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về việc nộp thuế của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài khác với các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó".

Khai nộp thuế đối với nhà cung cấp hàng hóa ở nước ngoài

Căn cứ Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế:

Tại Điều 73 quy định các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Tại Điều 76 quy định về đăng ký thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Tại Điều 77 hướng dẫn về khai thuế, tính thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Tại Điều 78 quy định về việc nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Tại Điều 79 quy định về ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Tại Khoản 1 Điều 81 quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài: "1. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư này thì tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ hoặc phân phối hàng hóa, dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính...".

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp nhà thầu chính, nhà thầu phụ tại Việt Nam mua vật tư, thiết bị của nhà cung cấp nước ngoài thì:

Trường hợp nhà thầu nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Thông tư số 103/2014/TT-BTC thì thuộc đối tượng áp dụng nghĩa vụ thuế theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC. Các loại thuế áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài được quy định tại Điều 5 Thông tư số 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì tổ chức mua hàng hóa hoặc phân phối hàng hóa thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính.

Trường hợp tại Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về việc nộp thuế của nhà thầu nước ngoài khác với các nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.

Về chính sách miễn thuế nhập khẩu và hoàn thuế nhập khẩu không thuộc thẩm quyền trả lời của cơ quan thuế, đề nghị ông liên hệ với cơ quan hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Nếu còn vướng mắc, đề nghị ông cung cấp hồ sơ cụ thể tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp công ty của ông để được giải đáp.

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load