(Xây dựng) - Một công ty hỏi, tất cả nhà hàng của công ty, kể cả nhà hàng đang đặt trong trung tâm thương mại, tòa nhà... (không phân biệt quy mô, diện tích và khối tích theo Mục 6 Phụ lục II, III, IV, V Nghị định 136/2020/NĐ-CP) đều phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy định kỳ hằng năm, hay chỉ các nhà hàng không thuộc trường hợp được quy định tại Phụ lục II, III, IV, V? Công ty cũng muốn biết, cách xác định nhà hàng chỉ thuộc Phụ lục I được thực hiện như thế nào?
Nhà hàng có địa điểm độc lập thì nhà hàng của công ty là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; hằng năm phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở, không phụ thuộc vào quy mô. |
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Theo mô tả, các nhà hàng thuộc công ty được chia thành hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Nhà hàng có địa điểm độc lập thì nhà hàng của công ty là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (Mục 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ) thì nhà hàng này phải tổ chức xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở theo quy định; hằng năm phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở, không phụ thuộc vào quy mô.
Nếu nhà hàng có quy mô thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thì có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an trong việc xây dựng, thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an khi có yêu cầu.
Trường hợp thứ hai: Nhà hàng nằm trong một trung tâm thương mại, tòa nhà… thì nhà hàng của công ty được xác định là cơ quan, tổ chức nằm trong cơ sở (quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP), nhà hàng của công ty không được coi là cơ sở.
Tuy nhiên, nhà hàng của công ty có trách nhiệm phối hợp với trung tâm thương mại hoặc Ban quản lý tòa nhà trong việc xây dựng và tham gia thực tập phương án chữa cháy của cơ sở hoặc phối hợp với cơ quan Công an thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an khi có yêu cầu.
Khánh An
Theo