Thứ tư 13/11/2024 07:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung

16:46 | 16/01/2021

(Xây dựng) – Ngày 16/01/2021, tại thành phố Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì cùng sự phối hợp của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”.

nguyen nhan va giai phap giam thieu lu quet sat lo dat o khu vuc mien trung
Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và cơ quan quản lý Nhà nước.

Cuối năm 2020 vừa qua có thể nói là một năm thiên tai tàn khốc đối với khu vực miền Trung. Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất và bão lớn đã làm thiệt hại nhiều về người và của. Nguy cơ, hiểm họa và thiệt hại từ sạt lở đất là rất lớn đối với các khu vực miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… Tuy nhiên vấn đề chủ động nhận biết, phòng tránh và ứng phó đối với loại hình thiên tai này ở các địa phương hiện nay còn rất hạn chế.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Từ giữa tháng 9 đến tháng 11/2020, khu vực miền Trung nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng, liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các huyện miền núi... Các công trình trường học, bệnh viện, trạm y tế bị hư hỏng nặng, hàng trăm km kè, kênh mương, công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở, gây khó khăn cho công tác khắc phục, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn.

Ngay sau bão, lũ, các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, kịp thời chia sẻ khó khăn với các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Đó chỉ là những giải pháp tạm thời, trước mắt, chưa có một nghiên cứu tổng thể, đề xuất được các giải pháp kỹ thuật khả thi để giảm thiểu thiên tai, lũ quét tại khu vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Vì vậy, hôm nay tại diễn đàn hoàn toàn khoa học với mục tiêu nhất quán là đánh giá nguyên nhân tổng thể của thiên tai, lũ quét ở khu vực miền Trung trong thời gian gần đây, đề xuất các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tác hại của thiên tai.

Tôi hy vọng rằng các chuyên gia đầu ngành trong nước và thế giới sẽ có những đóng góp tích cực trong việc đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác hại của thiên tai, lũ quét tại khu vực miền Trung”.

Nguyên nhân dẫn đến sạt lỡ đất vừa qua, theo PGS. TS Trần Văn Tân - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản thì có 2 nguyên nhân để lý giải hiện tượng này. Đó là do sự tương tác liên quan đến trái đất và mặt trời sẽ khiến nhiệt độ, độ ẩm về ban đêm chênh lệch ban ngày, điều này liên quan trực tiếp đến áp lực nước lỗ rỗng trong đất. Khi thay đổi từ trạng thái ngày, đêm khiến áp lực lỗ rỗng thay đổi tác động đến cường suất trong khu vực địa hình sườn dốc sẽ kích thích sạt, trượt lở đất.

Nguyên nhân thứ 2 là do xảy ra sạt lở đất đá nhiều hơn khi một sườn dốc bị bão hòa nước. Tại các khu vực sạt lở đất đã mưa quá nhiều, mưa lớn dai dẳng trong nhiều ngày khiến đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu đi khiến các khối địa chất bị trượt lở. Và có thể trượt lở xảy ra bất cứ lúc nào dù ban ngày hay đêm.

Theo nghiên cứu của Viện khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, kết quả nghiên cứu tại tỉnh Quảng Nam đã chỉ rõ, độ dốc lớn, mưa lớn kéo dài, địa chất, chất lượng của thảm phủ rừng và cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến sạc lỡ đất.

nguyen nhan va giai phap giam thieu lu quet sat lo dat o khu vuc mien trung
Lũ quét, sạt lở đất tại Quảng Nam đã làm 23 người chết, 23 người mất tích, uớc tính sơ bộ tổng thiệt hại khoảng 8.136 tỷ đồng.

Trước một số nguyên nhân gây sạt lở, trượt lở đất trong thời gian vừa qua, một số chuyên gia đã đề xuất các giải pháp. Cụ thể, Ths. Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế thì với tình hình mưa lũ, phức tạp hiện nay tại miền Trung, trong quá trình quy hoạch, xây dựng công trình nói chung, công trình giao thông nói riêng, cần chú trọng đến những vấn đề về công tác quy hoạch, nâng cao năng lực dự báo, tiên lượng, tích hợp toàn diện các kiến thức. Trong quy hoạch, tránh hiện tượng quy hoạch nhưng chỉ nhìn phiến diện dưới một góc độ nào đó, như: Quỹ đất, vận tải… Song song với đó, cần rà soát các tiêu chí năng lực tư vấn và bổ sung các định mức tính kinh phí tư vấn cho phù hợp, làm cơ sở thực hiện đồng bộ.

Cần bổ sung quy định bắt buộc về quy hoạch mạng lưới thoát nước trên địa bàn toàn tỉnh, trong các khu đô thị, để tránh sự thiếu liên kết giữa từng công trình, dự án – cần tính toán có tính mạng lưới, tính đến liên kết, ảnh hưởng lẫn nhau, lập các bài toán mô phỏng khi xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đưa ra giải pháp phi công trình, rà soát đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực dân cư đang sinh sống thuộc các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét như đã xảy ra trong năm 2020. Tập trung tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và Tây Giang. Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát địa hình, địa chất, địa vật lý, khí tượng thủy văn, mặt đệm, phân bố dân cư, cơ sở hạ tầng... thực tế và số liệu dự báo ngưỡng gây sạt lở đất của các cơ quan chuyên môn cụ thể để từ đó có phương án di dời hẳn hay di dời tạm thời theo thời điểm cụ thể.

Đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực quy hoạch mới bố trí tái định cư. Cần phải tìm được vị trí an toàn cao nhất có thể bởi vì khu vực miền núi thì quỹ đất bằng đáp ứng các yêu cầu có thể bố trí được 1 làng, bản không phải đơn giản. Chính vì vậy trước khi quy hoạch và bố trí dân cư thì phải tránh các vị có nguy cơ sạt lở đất cao được cơ quan chuyên môn cảnh báo trước. Đối với một khu đất cụ thể cần phải được khảo sát địa hình, địa chất, địa vật lý cẩn thận vì bằng mắt thường không thể khẳng định được nên rất dễ nhầm.

Trong quy hoạch cần phải chú ý các thiên tai bất thường có thể xảy ra để có giải pháp thích ứng: Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sath lở đất tới cấp huyện tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã tỷ lệ (1/1.000 - 1/2.000) và phổ biến tới chính quyền cấp xã, thôn và người dân biết.

Rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét. Bởi vì rừng có vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm cũng như ổn định của các mái dốc sườn đồi.

Về giải pháp công trình cần nghiên cứu các mẫu nhà phù hợp, an toàn như nhà cộng đồng để khi có cảnh báo xảy ra thiên tai thì người dân có thể tránh trú trong những thời điểm mưa bão, có nguy cơ sạt lở đất.

Nâng cao mức độ an toàn cho các mái dốc như bố trí các ống tiêu nước để giảm mực nước ngầm và áp lực lỗ rỗng, giảm độ dốc sườn đồi, bố trí các cơ hoặc các neo xuyên qua các khối trượt. Đối với công trình thủy lợi, thủy điện: Cần đánh giá lại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá khối lớn trong khu vực lòng hồ, có thể dẫn tới nguy cơ tạo ra các con sóng xung kích gây vỡ đập, nước tràn qua đỉnh đập gây mất an toàn cho công trình; Đối với các mái dốc đất đá trong tính toán thiết kế và thi công xây dựng cần phải xem xét đến yếu tố mưa lớn, thời gian kéo dài đối với khu vực miền núi.

Để chủ động ứng phó với sạt lở đất, giảm thiểu tác hại do sạt lở đất gây ra, đề nghị Trung ương, UBND tỉnh cho triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình như đã trình bày trên. Chính phủ cần dành ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho việc khắc phục, tái thiết cơ sở hạ tầng sau thiên tai cho miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng để chính quyền và người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Để cảnh báo sớm và phòng chống lũ quét, sạt lở đất, theo ông Hoàng Anh Tuấn - Ban Công nghệ thông tin và Đổi mới sáng tạo, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị: Cảnh báo sớm và phòng chống lũ quét, sạt lở đất chúng ta cần thực hiện một số biện pháp đã được thực hiện tại Việt Nam như: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm là sự kết hợp của nhiều thiết bị như thiết bị đo mưa, camera cảm biến hồng ngoại, cảm biến chấn rung, cảm biến căng kế, cảm biến đo mực nước bằng ra đa và trạm thu thập xử lý dữ liệu quan trắc.

Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất, thực hiện các biện pháp thông tin truyền thông như: Mạng xã hội, đào tạo trực tuyến, xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh, cung cấp các hình ảnh trực quan cho cộng đồng, tổ chức các lớp tập huấn cho dân cư tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng, hệ thống tin nhắn (SMS) cảnh báo.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load