Thứ tư 13/11/2024 16:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Người lao động mắc kẹt trong thành phố

21:46 | 23/08/2021

(Xây dựng) - Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đã khiến cho đời sống người lao động trở nên lao đao. Đặc biệt là sau đợt giãn cách lần thứ hai thì những người lao động thuê trọ tại Hà Nội đã không còn cầm cự nổi.

nguoi lao dong mac ket trong thanh pho
Trong thời gian mất việc, nhiều thợ xây dựng đã phải sống nhờ vào các bữa ăn từ thiện của các mạnh thường quân (Ảnh minh họa).

Trong các diễn đàn được lập ra để giúp nhau mùa dịch, không thiếu những tiếng kêu cứu của nhiều nhóm thợ xây dựng không có việc làm và đang mắc kẹt lại trong các phòng trọ. Vì Hà Nội đang là vùng dịch, lại đang trong đợt giãn cách xã hội nên Chính phủ yêu cầu tất cả người dân đều ở yên tại chỗ không ai được di chuyển về quê. Vừa xa gia đình, vừa không có việc làm, bị hạn chế đi lại, thực phẩm đắt đỏ, chỗ ở chật chội, họ hầu như đang phải sống cầm cự nhờ vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân đến cứu trợ.

Chị Hoàng Thu Thanh đã viết trên nhóm: Gần nhà tôi có một nhóm thợ xây dựng khoảng gần 10 người đang ở trọ trong ngôi nhà hơn 30m vuông, họ không có việc làm và đang sống rất vất vả, bữa cơm của họ hàng ngày chỉ là mì tôm với vài cọng rau muống. Mong các mạnh thường quân hãy giúp họ qua lúc khó khăn này.

Anh Sùng viết lên nhóm: Các anh chị ơi, em quê ở Điện Biên, xuống Hà Nội làm thợ hồ, nhưng em bị mất việc gần 2 tháng nay rồi, hiện tại em chỉ đủ tiền trả tiền trọ tháng này, em không có tiền để mua thức ăn nữa, em xin các anh chị giúp em chút ít lượng thực qua lúc đói.

Chị Hương quê Bắc Giang viết: Chồng em làm thợ xây dựng, nhưng đã mất việc 1 tháng nay rồi, em thì vừa mới sinh con được 4 tháng, hiện gia đình em còn phải nợ tiền phòng trọ, tiền ăn đã cạn kiệt, em xin các anh chị giúp em chút sữa và bỉm cho con em ạ!

Những tiếng kêu cứu từ những người lao động xây dựng như thế này không hiếm trên các diễn đàn giúp nhau mùa dịch.

Khi có người chất vấn, sao không biết tích góp để phòng khi ốm đau bệnh dịch thì anh chị Hương cho biết, tiền công làm thợ xây, thợ hồ chỉ đủ trang trải chi phí gia đình hằng ngày, có khi đau bệnh còn không đủ thì lấy đâu dư dả nhiều. Do đó, nếu mất việc trong nửa tháng là thợ xây, thợ hồ phải tìm công việc khác để sống.

Chị Hương cho biết thêm: “Chồng tôi vốn là người chăm chỉ hiền lành, ai kêu gì cũng làm. Anh đang làm thợ phụ xây cho một công trình ở quận Hà Đông. Trước khi sinh em bé tôi làm thợ phụ hồ, cùng công trình với chồng tôi. Sau khi sinh con thì mọi chi phí như tiền ăn uống, bỉm sữa, tiền thuê trọ, tiền điện nước… đều chỉ trông chờ vào lương thợ xây của chồng tôi. Anh mất việc một tháng là nhà tôi gặp khó khăn ngay”.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có văn bản về thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp với người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Văn bản được gửi đến 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất các tỉnh, thành phố thực hiện miễn giảm tiền điện, tiền nước và vận động chủ cho thuê nhà miễn giảm tiền thuê nhà; thực hiện kịp thời, đầy đủ hỗ trợ khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 20 của Chính phủ, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Đối với những trường hợp bất khả kháng, người dân phải di chuyển về quê thì cơ quan, đoàn thể nơi cư trú phối hợp với chính quyền địa phương nơi quê nhà hỗ trợ thức ăn, nước uống và tổ chức phương tiện đưa người dân về quê, không để tình trạng người dân di chuyển tự phát.

Đây cũng là thông tin đáng mừng cho những người lao động đang bị mắc kẹt lại trong các tỉnh thành trong thời gian giãn cách xã hội.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load