Thứ sáu 20/09/2024 10:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Người dân phố cổ Hà Nội bám trụ vì mưu sinh

12:25 | 19/06/2023

(Xây dựng) - Đối lập với sự nhộn nhịp ở mặt đường, sâu bên trong phố cổ Hà Nội là những con hẻm nhỏ, nơi người dân sinh sống chật chội, chen chúc.

Người dân phố cổ Hà Nội bám trụ vì mưu sinh
Đằng sau sự nhộn nhịp, tất bật của phố cổ là cuộc sống muôn vàn bất tiện trong những con ngõ nhỏ, xuống cấp.

Nhà gắn liền với nơi mưu sinh

Phố cổ vốn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của Thủ đô, với những căn nhà cổ kính nằm san sát nhau. Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, phố cổ luôn đông đúc, nhộn nhịp, hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập. Điều này đã dần trở thành một nét văn hóa đặc biệt, thu hút người dân và cả những du khách tới Hà Nội du lịch.

Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài sầm uất bên ngoài lại là cuộc sống chật hẹp bên trong của chính người dân sống tại khu vực phố cổ. Dọc trên khắp các con phố như Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Bông…, cứ cách vài mét lại có một con ngõ nhỏ tối tăm, sâu hun hút, chiều rộng chưa đầy 1m, vừa đủ một người đi lại.

Những căn nhà bé nhỏ, xập xệ dần xuất hiện khi đi sâu vào bên trong con ngõ. Không ít những căn nhà xếp chồng lên nhau vớ gác xép diện tích chỉ khoảng 10m2.

Người dân phố cổ Hà Nội bám trụ vì mưu sinh
Sâu trong những con ngõ hẹp là các căn nhà nằm san sát nhau.

Bà Nguyễn Thị Oanh đã sống tại phố Hàng Buồm gần 50 năm qua bằng công việc buôn bán bánh kẹo. 3 thế hệ trong gia đình bà đã quen với việc cùng chung sống với nhau trong căn hộ nhỏ. Ngày cũng như đêm, bên trong căn nhà đều tối tăm, không có ánh nắng mặt trời nên phải sử dụng đèn chiếu sáng. Sóng điện thoại thì chập chờn. Không khí bên trong ẩm mốc, bí bách nếu ai mới vào lần đầu có thể cảm thấy ngột ngạt, khó mà chịu được.

Vật dụng trong nhà chỉ vỏn vẹn có chiếc ti vi, tủ lạnh, tủ đựng quần áo và một số thứ thiết yếu. Tường xung quanh đã có dấu hiệu mốc…

“Hôm trước tôi mới sơn lại bên trong, nhìn trông mới hơn trước nhiều. Nhà tôi sống quen rồi, 7 người thì cứ chia với thay nhau sinh hoạt với ngủ hàng ngày. Nhà gắn với công việc kinh doanh. Khách hàng, đầu mối đều đã quen địa chỉ nhà tôi ở đây nên cả nhà tôi đều chấp nhận sống trong căn nhà này”, bà Oanh nói.

Giống như gia đình bà Oanh, gia đình ông Trần Văn Quỳnh cũng đã quen gắn bó với căn hộ nhỏ nằm trong ngõ trên phố Hàng Bông. Căn hộ này thuộc khu tập thể đã có từ nhiều năm về trước, diện tích khoảng 10 - 15m2 mà có tới 4 - 5 người ở. Phía bên ngoài có nhà vệ sinh, khu vực rửa tay, nấu cơm, giặt giũ chung. Tình trạng “xếp hàng” để tắm giặt hay vệ sinh cá nhân là chuyện hàng ngày đối với những người ở đây.

Ông Quỳnh cho biết, sống và mưu sinh cùng phố cổ đã tồn tại suốt nhiều đời của bao gia đình. Sinh hoạt chung, 3-4 thế hệ sống cùng nhau đã thành nếp sống quen thuộc khó bỏ.

“Nhà tôi và nhiều nhà khác đã sống ở đây rất lâu rồi, vì kinh doanh buôn bán nên mọi người bám trụ ở phố cổ này. Tôi đã làm công việc buôn bán hàng hóa, cung ứng sản phẩm cho nhiều nơi trong suốt hơn 25 năm qua. Sống trong những căn nhà này, dù nắng hay mưa cũng đều phải chịu. Nhất là mấy hôm trời nắng, trong này giống như một cái chảo lửa hút hết nóng nực vào bên trong”, ông Quỳnh chia sẻ.

Sống và mưu sinh cùng phố cổ đã tồn tại suốt nhiều đời của bao gia đình. Các con phố được thương mại hóa. Người dân phố cổ tận dụng từng mét vuông trong ngõ để bày bán đầy đủ các loại hàng hóa, quần áo, quán ăn, trà đá... Vì nơi ở thuận tiện trong kinh doanh, buôn bán, họ chấp nhận chung sống với sự sầm uất, ồn ào và cả sự khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt.

Bám trụ đến cùng?

Trước đây, Thành phố Hà Nội đã công bố đề án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này.

Việc giãn dân phố cổ được thực theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016, thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân.

Người dân phố cổ Hà Nội bám trụ vì mưu sinh
Hoạt động buôn bán sầm uất là đặc trưng của phố cổ.

Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2 dự kiến bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân, phải thực hiện xong trong năm 2020.

Mục tiêu giãn dân đó là không những giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn, chỗ ở rộng rãi, khang trang hơn, mà quan trọng là giúp bảo tồn di sản của Hà Nội.

Tuy nhiên cho đến nay, việc giãn dân phố cổ vẫn chưa thể hoàn thành. Mật độ dân cư tập trung tại phố cổ luôn trong tình trạng quá tải, đông đúc hơn so với những khu vực khác. Trong khi đó, phố cổ lại đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải nhanh chóng bảo tồn.

Do đó, Thành phố Hà Nội cùng với quận Hoàn Kiếm và các Sở, ngành liên quan đã nghiên cứu và đang có phương án tái khởi động đề án giãn dân phố cổ trong thời gian tới.

Khi được hỏi về việc này, nhiều người dân phố cổ cho rằng, khó có thể di dời người dân khỏi khu vực trên. Nhiều người sẽ sẵn sàng bám trụ đến cùng chứ nhất quyết không rời khỏi phố cổ.

Người dân phố cổ Hà Nội bám trụ vì mưu sinh
Người dân vẫn chấp nhận sống chật chội trong những ngôi nhà xuống cấp vì đã quá quen với sự tiện nghi, sầm uất mà phố cổ đem lại.

Chị Nguyễn Ngọc Hà, sống ở Hàng Khoai ngán ngẩm lắc đầu: “Bây giờ chúng tôi đã quá quen với cuộc sống ở đây, sao có thể nói đi là đi được. Thêm vào đó, phố cổ nằm giữa trung tâm Hà Nội, kinh doanh, buôn bán cũng thuận tiện. Chúng tôi cũng đã có lượng khách quen bao nhiêu năm qua, nếu đi rồi thì buôn bán sao còn được như trước”.

Cũng theo chị Hà, sống ở trung tâm thành phố, đặc biệt là phố cổ lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp, đông đảo các đoàn khách du lịch tới thăm, từ đó công việc buôn bán trở nên khá khẩm hơn. Trong khi đó, nơi giãn dân có thể sẽ là những khu đô thị mới, vắng vẻ, không có nhiều địa điểm vui chơi, chưa nói đến việc sẽ không và nhất là không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống, do không có công ăn việc làm.

Còn theo anh Nguyễn Văn Vinh sống ở phố Hàng Đường, nếu tiếp tục thực hiện giãn dân thì Thành phố phải có những kế hoạch rõ ràng, chi tiết và có hiệu quả.

“Dân chúng tôi đều mong muốn có cuộc sống ổn định, có thu nhập, việc làm. Do đó chúng tôi mong quận Hoàn Kiếm và Thành phố Hà Nội quan tâm, có những chính sách tạo điều kiện cho dân chúng tôi. Nếu bắt buộc phải rời phố cổ sang nơi ở mới thì nơi ở đó phải bố trí hợp lý, chất lượng nhà ổn định, có các dịch vụ thiết yếu như trường học, bệnh viện…

Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách có tính thuyết phục người dân là không thể thiếu. Dân phố cổ nhiều năm qua đã không chịu di dời rồi, nên chính quyền phải đôn đốc, đẩy nhanh việc thực hiện”, anh Vinh nói.

Có thể thấy, người dân phố cổ luôn tìm cách để trụ lại, chấp nhận sống cuộc sống bí bách, chật hẹp chỉ vì nơi đây gắn với nguồn thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, chính người dân cũng phải hiểu rằng, nếu không di dời thì phổ cổ sẽ ngày một xuống cấp nghiêm trọng và nét đẹp văn hóa này có thể bị mai một trong tương lai…

Tô Thị Thúy Vân – Phạm Thị Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load