(Xây dựng) – Hiện tượng trượt lở đất như ở Rào Trăng 3 thời gian gần đây gây ra hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, đặt các nhà khoa học trước những thách thức trong công tác nghiên cứu khoa học sát với thực tế. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Hữu Sy – Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam về vấn đề này.
PGS.TS Phạm Hữu Sy – Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam. |
Chưa dự báo trượt cho một vùng
PV: Từ những sự cố trượt lở đất như ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đặt ra vấn đề về công tác dự báo cũng như chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học của Nhà nước về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Phạm Hữu Sy: Tôi thấy các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ về vấn đề trượt lở đất mà tôi đã đọc đều có một cách làm chung là điều tra, thu thập thông tin của vùng nghiên cứu liên quan đến trượt lở đất (địa hình, cấu trúc địa chất, tính chất đất đá, chiều dày lớp phủ, lượng mưa bình quân năm), dựa vào các nhân tố tác động gây trượt này phân chia vùng nghiên cứu ra các khu vực có nguy cơ trượt lở khác nhauđể lập nên bản đồ cánh báo trượt lở đất. Cách làm này chỉ có tác dụng trong quy hoạch phát triển vùng, không có tác dụng dự báo trượt.
Hiện nay Việt Nam đã nhập một hệ thống thiết bị cảnh báo sớm trượt lở đất bằng căng kế và dây rung. Các thiết bị này cảnh báo trượt lở chính xác, nhưng khoảng thời gian dự báo quá ngắn, cho nên hiệu quả phòng tránh bị hạn chế, nhiều khi dự báo được thì cũng chỉ chạy cho kịp thoát thân.Vì vậy vấn đề nghiên cứu dự báo trượt lở đất có thể nói chưa đáp ứng được yêu cầu.
Điểm trượt ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Ảnh: CG). |
PV: Như vậy, biện pháp xử lý trượt lở đất gần như chưa có, thưa ông?
PGS.TS Phạm Hữu Sy: Để trả lời câu hỏi này cần chia biện pháp xử lý trượt lở ra làm hai loại: Xử lý cho một khối trượt cụ thể và xử lý cho một vùng.
Đối với một khối trượt cụ thể thì có nhiều dấu hiệu để dự báo, ví dụ như sự xuất hiện sống đất trượt (con trạch) ở chân, kẽ nứt hình vòng cung trên mái dốc, sườn dốc, hiện tượng cây bị đổ nghiêng… Vì các dấu hiệu rất rõ ràng nên có nhiều giải pháp để xử lý trượt như xây tường chắn, neo…
Cái mà ta đáng quan tâm và đang nói ở trên là trượt cho một vùng, thì đúng là chưa dự báo được và vì vậy đúng là chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
Cần thay đổi cách tiếp cận nghiên cứu
PV: Nhiều ý kiến người dân thậm chí cả những nhà khoa học cho rằng để xảy ra hiện tượng trượt lở đất như ở khu vực Rào Trăng 3 là do làm thủy điện, do chặt phá rừng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Phạm Hữu Sy: Đường vào thủy điện Rào Trăng 3 bị trượt lở là do làm thủy điện, đây là trượt lở nhỏ, không đáng kể. Còn trượt lở làm chết người là do trượt lở tự nhiên, không phải do thủy điện.
Khi làm thủy điện, chủ đầu tư phải thực hiện công tác chặt phá rừng khu vực trong lòng hồ (ở phần sẽ ngập nước) để khi nước dâng không xảy ra tình trạng thực vật chết phân hủy làm tiêu tán ô xy trong nước làm cá chết, còn trên sườn dốc không ai chặt phá rừng làm gì.
PV: Vậy nguyên nhân sâu xa của trượt lở đất khu vực thủy điện Rào Trăng 3 là gì, thưa ông?
PGS.TS Phạm Hữu Sy: Theo sách vở, trượt là do tổ hợp tác dụng của các nhân tố địa hình dốc, đất đá bị phong hóa, mưa làm ẩm ướt đất… Tại khu vực Rào Trăng tất cả các nhân tố đó từ trước đến nay vẫn tồn tại, vẫn tác động lên đất đá ở các sườn dốc, nhưng trượt lại chỉ xảy ra lác đác. Vậy tại sao trong thời gian này trượt xảy ra dồn dập, trong vòng 1 tuần, từ 11/10 đến 18/10 đã xảy ra 41 vụ?
Cho nên, ở Rào Trăng các tác nhân kể trên nên coi là điều kiện phát sinh còn nguyên nhân gây ra trượt phải là một tác nhân nào đó khác. Ở đây ta nên chú ý đến yếu tố “trượt dồn dập”.
Theo lý thuyết, khi đất trên sườn dốc bị mưa thấm ướt, khối lượng riêng của đất tăng lên đồng thời tính chất của đất (góc ma sát trong và lực dính) bị giảm xuống, hệ số ổn định suy giảm dẫn đến trượt.
Điểm trượt ở sườn dốc tự nhiên (Ảnh: CG). |
Ở Rào Trăng mưa liên tục với cường độ rất lớn, lượng mưa trong một tuần bằng tổng lượng mưa của cả năm. Với cường độ mưa và lượng mưa như thế không chỉ nhanh chóng làm bão hòa đất mà hình thành dòng chảy ngầm và dòng chảy mặt trên sườn dốc rất mạnh tạo lực đẩy phụ thêm vào nhóm lực gây trượt không có gì ngăn cản được, vì thế tất cả cùng trượt. Các khối trượt lệch nhau một vài giờ hoặc ngày chẳng qua là do độ dốc ở các sườn dốc khác nhau gây ảnh hưởng.
Như vậy nguyên nhân gây trượt ở Rào Trăng không phải là “do mưa” mà là “do mưa liên tục với cường độ quá lớn” gây nên trượt chảy chứ không phải là trượt thông thường như các khối trượt độc lập.
Chính vì vậy, nghiên cứu dự báo trượt dựa vào tổng lượng mưa hàng năm như các nhà khoa học đã làm là không thể đúng được. Cũng vì vậy, kể từ đây nghiên cứu dự báo trượt cần phải thay đổi cách tiếp cận, không thể theo lối mòn, kiểu phân vùng cảnh báo trượt như trước đây.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Như vậy, nguyên nhân gây trượt ở Rào Trăng không phải là “do mưa” mà là “do mưa liên tục với cường độ quá lớn” gây nên trượt chảy. Nghiên cứu dự báo trượt dựa vào tổng lượng mưa hằng năm như các nhà khoa học đã làm là không thể đúng, cần phải thay đổi cách tiếp cận. |
Thanh Nga (thực hiện)
Theo