(Xây dựng) – Tại Nghệ An, hoạt động khai thác mỏ, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng được trải dài, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên để đảm bảo công tác an toàn trong hoạt động sản xuất cần phải tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn của các cấp ngành địa phương.
Yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn cho người lao động
Trong thời gian qua, tại Nghệ An các cơ quan Nhà nước đã tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác mỏ, chế biết khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng; các doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới công tác quản lý, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tai nạn thương tâm, gần đây nhất là tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Sông Lam II ở huyện Anh Sơn làm 3 công nhân tử vong...; việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị tham gia hoạt động khai thác mỏ, công tác quản lý kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo sản xuất và bảo vệ môi trường chưa thực sự nghiêm túc và đặc biệt là tổ chức khai thác chưa đúng theo thiết kế mỏ được phê duyệt.
![]() |
Một khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở huyện Quỳ Hợp. |
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong khai thác mỏ, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn lao động trong khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Sở Xây dựng Nghệ An đã có văn bản đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến khoảng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm thực hiện các nội dung như: Tổ chức khai thác theo đúng thiết kế mỏ đã được phê duyệt (đúng trình tự khai thác, đúng hệ thống mở vỉa, hệ thống khai thác đã phê duyệt; đảm bảo các thông số kỹ thuật về: chiều cao tầng, góc nghiêng sườn tầng, góc nghiêng bờ mỏ, chiều rộng mặt tầng, đai an toàn, góc nghiêng bờ kết thúc khai thác mỏ…); đầu tư đầy đủ máy móc, thiết bị và công nghệ theo đúng hồ sơ dự án đã phê duyệt; thực hiện kiểm định đối với các loại máy, thiết bị, phương tiện có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào hoạt động; khuyến khích đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường; Sử dụng người lao động có đủ điều kiện về sức khỏe, chứng chỉ, giấy phép... khi điều khiển, vận hành các loại máy, thiết bị, phương tiện.
Không những thế các doanh nghiệp khai thác mỏ cần phải chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn khai thác mỏ, các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và thiết bị tham gia hoạt động khai thác mỏ, quản lý kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo sản xuất, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản… phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04: 2009/BCT về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn lao động trong khai thác và chế biến đá QCVN 05:2012/BLĐTBXH…; việc khoan nổ mìn làm tơi đất đá phải tuân các quy định về an toàn bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật lỉệu nổ công nghiệp - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT và theo thiết kế nổ mìn đặc trưng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải có hộ chiếu khoan, hộ chiếu nổ mìn theo quy định; Phân công người chịu trách nhiệm kỹ thuật an toàn, thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động; giám sát hiện trường khai thác mỏ, nếu xuất hiện các yếu tố mất an toàn (đá có phân lớp, nứt nẻ dấu hiệu trượt lở taluy, sườn tầng, bờ mỏ…), thì phải tạm dừng thi công khai thác để khắc phục, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý. Chỉ được tiếp tục khai thác khi được cơ quan có thẩm quyền xác định đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức an toàn lao động
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, khai khác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, ngành Xây dựng Nghệ An cũng yêu cầu các cấp ngành địa phương cũng như các chủ doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự chủ an toàn của người lao động; tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn, huấn luyện biện pháp thi công, kỹ năng nhận diện nguy cơ, rủi ro và kỹ năng phòng tránh, loại trừ, cứu hộ cứu nạn, sơ cấp cứu, để người lao động thực hiện đúng quy trình, quy định kỹ thuật an toàn, tự bảo vệ bản thân và người lao động trong quá trình tham gia lao động sản xuất. Rà soát, cắm hàng rào, biến cấm, biển báo hiệu xung quanh khu vực khai thác mỏ theo đúng quy định, để người dân được biết, phòng tránh các sự cố trong quá trình khai thác khoáng sản.
![]() |
Khu vực khai thác khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất của một nhà máy xi măng tại Nghệ An. |
Đối với chủ đầu tư mỏ đất san lấp và mỏ cát sỏi lòng sông, cần tổ chức khai thác theo đúng thời gian quy định, đảm bảo vị trí, phạm vị, độ sâu cho phép khai thác, tuân thủ phương án công nghệ khai thác đã được phê duyệt; đảm bảo không gây xói lở để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; không khai thác gần khu vực trụ/mố cầu và các công trình trong khu vực. Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hoạt động vận chuyển, tập kết phải đảm bảo an toàn giao thông, tuân thủ các quy định của pháp luật tránh làm ảnh hưởng đến môi trường, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đời sống người dân trong khu vực. Phương tiện, thiết bị khai thác phải được kiểm định, đăng kiểm đảm bảo an toàn trước khi sử dụng; người điều khiển phương tiện, thiết bị phải có chứng chỉ, giấy phép theo quy định của pháp luật.
Còn đối với các nhà máy sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng, xi măng: Cần lưu ý kiện toàn hệ thống quản lý công tác an toàn xây dựng đảm bảo đủ năng lực theo quy định của pháp luật; quy định trách nhiệm về an toàn xây dựng đến từng bộ phận, tổ, đội và các cá nhân quản lý, trực tiếp thi công, sản xuất. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về an toàn xây dựng, vệ sinh lao động, nâng cao nhận thức, sự tuân thủ pháp luật về an toàn xây dựng sâu rộng đến từng bộ phận, tổ, đội và người lao động. Rà soát các quy định, quy trình, biện pháp an toàn xây dựng, quy trình sản xuất của đơn vị để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn xây dựng hiện hành.
Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn xây dựng tại đơn vị, nhằm chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, ngăn ngừa các nguy cơ gây tai nạn lao động trên công trường, trong nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng. Thường xuyên duy trì công trác bảo trì, bảo dưỡng các công trình xây dựng, hệ thống dây chuyền công nghệ, thiết bị; rà soát, hoàn thiện quy trình để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, sản xuất; trường hợp phát hiện công trình có dấu hiệu mất an toàn cần phải dừng sử dụng và tổ chức kiểm định để đánh giá chất lượng trước khi tiếp tục sử dụng…
Quang Hợp
Theo