Thứ năm 07/11/2024 13:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VPE500

21:13 | 31/08/2023

(Xây dựng) - Sáng 31/8, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Viện Konrad Andenauer Stiftung (KAS) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

Ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VPE500
Toàn cảnh hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

Báo cáo VPE500 đã được công bố lần đầu vào năm 2022, đã đưa ra bức tranh tổng thể về 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong giai đoạn 2016-2019 khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và có nhiều thuận lợi. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới cấu trúc thị trường, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, Việt Nam hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Để lớn mạnh được, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển.

Báo cáo VPE500 lần này tập trung vào phân tích biến động của VPE500 trong giai đoạn 2021-2022, khi nền kinh tế gặp cú shock Covid-19. Theo đó, xác định danh sách VPE500 dựa trên ba tiêu chí: Quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu gộp. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo ba tiêu chí trên.

Tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong nước, chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp. VPE phần lớn là các doanh nghiệp được thành lập sau Đổi mới có quy mô nhỏ và vừa; vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp dịch vụ chiếm ưu thế

Đại dịch đã làm giảm quy mô lao động của doanh nghiệp nói chung. So với năm 2019, quy mô lao động trung bình/doanh nghiệp năm 2020 đã giảm 4,13% trong đó của nhóm doanh nghiệp nhà nước giảm 2,7%, của FDI giảm tới 13.8% và doanh nghiệp tư nhân giảm 3,8%. Mức giảm doanh thu chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhà nước và FDI (3,3% và 12,2%).

Ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VPE500
Các doanh nghiệp đứng đầu trong bảng xếp hạng VPE500.

Với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, một điểm thấy rõ là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp nhỏ hơn là với các doanh nghiệp lớn. Cụ thể, so giữa 2020 và 2019, với doanh nghiệp dưới 100 lao động, quy mô lao động đã giảm tới 7,4%, trong khi nhóm 100-200 lao động tăng nhẹ 0,2%. Nhóm VPE500 cũng bị suy giảm lao động, mặc dù ở mức không đáng kể (-0.4%); điểm khá thú vị là các doanh nghiệp đã tồn tại trong danh mục trong vòng 3 năm liên tiếp vẫn duy trì được lao động tăng 0.2%.

VPE500 cho thấy nhóm doanh nghiệp này không chỉ có quy mô lớn hơn mà tăng trưởng quy mô cũng nhanh hơn các nhóm doanh nghiệp tư nhân còn lại. VPE500 có tốc độ NSLĐ bình quân cao nhất (khoảng 9,3%/năm), cũng như tài sản (18,0%/năm) và doanh thu (11,9%). Điều này cho thấy đại dịch Covid-19 có tác động tới nhóm VPE500 không nhiều, thể hiện ở việc các doanh nghiệp này vẫn có khả năng đầu tư tăng tài sản và vốn sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, như vậy, VPE500 có sức chống chịu tốt hơn doanh nghiệp tư nhân nói chung.

Trong vòng 2 năm khi dịch bệnh bùng phát, với các doanh nghiệp VPE500, những doanh nghiệp có sự sụt giảm lớn về quy mô là thuộc nhóm giải trí (-38%), xây dựng (-18,9%), dịch vụ lưu trú ăn uống (-14%). Trong khi đó một số nhóm ngành khác lại tăng khá tốt trong điều kiện dịch bệnh như: Điện ga, y tế, vận tải, kho bãi.

Do rất nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được doanh thu (một phần vì biến động giá) trong bối cảnh lao động giảm đi, năng suất lao động nói chung vẫn được duy trì, các doanh nghiệp VPE500 có mức năng suất lao động cao nhất (9,3%) so với nhóm tư nhân nói chung (6,8%), và nhóm FDI (6,5%).

Mức tăng năng suất lao động đáng kể thấy ở các ngành như: Tài chính, ngân hàng (16,9%), vận tải kho bãi 21%. Mức tăng này khá vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại. Có thể nói tiềm lực của doanh nghiệp đã giúp nhóm các doanh nghiệp này duy trì và phát triển được trong bối cảnh Covid-19 và cũng giúp trở thành trụ đỡ tốt cho toàn nền kinh tế.

Doanh nghiệp dịch vụ chiếm ưu thế về số lượng doanh nghiệp trong VPE500 đặc biệt là trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất. Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế với 7 doanh nghiệp (năm 2019), 9 doanh nghiệp (năm 2020) và 8 doanh nghiệp (năm 2021). Số lượng doanh nghiệp ngành thương mại trong Top 10 giảm từ 3 doanh nghiệp (năm 2019) xuống còn 1 doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo. Công ty cổ phần Thế giới Di động là doanh nghiệp ngành thương mại duy nhất nằm trong Top 50 cả 3 năm, nhưng với thứ hạng giảm dần (xếp thứ 5, 7 và 8 trong các năm 2019-2021).

Đóng góp của VPE500

Do nhóm VPE500 hoạt động vượt trội và vẫn duy trì tốt được tốc độ tăng trưởng so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, mức độ vượt trội trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân của VPE. Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội nên VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng doanh nghiệp nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Bình quân giai đoạn 2019-2021, VPE500 chỉ chiếm 0,075% tổng số doanh nghiệp tư nhân trong nước nhưng tạo việc làm cho 12,0% lao động, chiếm 28,0% tổng tài sản, tạo ra 18,4% doanh thu gộp và đóng góp 18,4% nộp ngân sách của nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước.

VPE500 vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân và các loại hình sở hữu khác về tỷ lệ thực hiện đổi mới sáng tạo và tự động hóa. Có tới 43,0% doanh nghiệp thuộc VPE500 có hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2020, gấp gần 3 lần tỷ lệ của doanh nghiệp nhà nước; gấp 4 lần tỷ lệ của doanh nghiệp FDI và gần 27 lần tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân nói chung. Có tới 44,0% doanh nghiệp VPE500 có hệ thống tự động hóa, cao gấp 20 lần tỷ lệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước (2,1%), cao hơn tỷ lệ 21,6% của doanh nghiệp nhà nước và 13,3% của doanh nghiệp FDI.

Một số phân tích định lượng cho thấy VPE500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc doanh nghiệp vệ tinh của VPE500.

Ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VPE500
Đóng góp của VPE500 cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, VPE500 có tác động tiêu cực về năng suất tới các khách hàng là doanh nghiệp tư nhân khác, mặc dù mức tác động thấp (chỉ khoảng -0,048% và tăng lên - 0,054% vào năm tiếp theo. Tác động của VPE500 tới doanh nghiệp tư nhân khác và giữa các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp tư nhân có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể tác động tiêu cực của cạnh tranh cùng ngành do doanh nghiệp FDI tạo ra nhỏ hơn khoảng 2 lần tác động của VPE500 cùng ngành.

Tại hội thảo, các chuyên gia phân tích về VPE500 và quan hệ với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung cho thấy cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú shock lớn từ bên ngoài, và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Ngoài ra, các chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load