(Xây dựng) - Trong bối cảnh ngân hàng bị “bệnh thừa tiền” như hiện nay, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (Mã chứng khoán: ACB) vẫn phát hành 15.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với lãi suất 6,5%/năm trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Ngân hàng ACB liên tiếp phát hành 5 lô trái phiếu trong vòng chưa đầy 2 tháng. |
Mua lại trái phiếu cũ, phát hành trái phiếu mới
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vào đầu tháng 9/2023, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “ví von” rằng, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Do đó, các ngân hàng đang chạy đua giảm lãi suất; tạo thanh khoản cho tổ chức tín dụng; tái cấu trúc nợ, lãi đến hạn…
Tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp, lãi suất huy động và cho vay đều giảm, Ngân hàng ACB vẫn huy động 15.000 tỷ đồng từ 5 lô trái phiếu trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ ngày 7/8 đến 19/9).
Cụ thể theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 8/2023, Ngân hàng ACB phát hành thành công 4 lô trái phiếu ACBL2325001, ACBL2325002, ACBL2325003, ACBL2325004 lần lượt vào các ngày 7, 11, 15 và 25/8 với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng. Tháng 9/2023, ngân hàng ACB tiếp tục phát hành thành công lô trái ACBL2325005 và ACBL2325006 với giá trị 7.000 tỷ đồng.
Tất cả các lô trái phiếu nêu trên đều có kỳ hạn 2 năm, tức đáo hạn vào năm 2025, có lãi suất cố định 6,5%/năm và đều loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản.
Việc phát hành trái phiếu này nằm trong phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 trong năm 2023, với tổng quy mô tối đa 20.000 tỷ đồng được HĐQT Ngân hàng ACB thông qua hồi tháng 7/2023. Số trái phiếu được phát hành nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài 5 lô trái phiếu nêu trên, hiện Ngân hàng ACB đang lưu hành 20 lô trái phiếu khác. Như vậy tính đến cuối tháng 9/2023, Ngân hàng ACB đang lưu hành 25 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 37.200 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB chi 10.000 tỷ đồng mua lại trước hạn. |
Đáng chú ý, trước khi “hút ròng” 15.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, Ngân hàng ACB cũng mạnh tay chi 10.000 tỷ đồng để mua lại trái phiếu. Theo HNX, Ngân hàng ACB đã mua lại toàn bộ trước hạn 4 lô trái phiếu gồm: ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá lên tới 10.000 tỷ đồng. Thời gian mua lại 4 lô trái phiếu này lần lượt vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7.
Như vậy, việc Ngân hàng ACB mua lại trái phiếu cũ và sau đó phát hành trái phiếu mới có nét tương đồng với hình thức “đảo nợ”, mục đích nhằm để hút vốn trở lại đảm bảo tính thanh khoản và chỉ số tài chính lành mạnh trên sổ sách?.
Nợ xấu tăng mạnh
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023, tính tới ngày 30/6/2023, nợ xấu nội bảng của Ngân hàng ACB đang ở mức 4.621,8 tỷ đồng, tăng 51,8% (tương đương tăng gần 1.577 tỷ đồng) so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 90% so với đầu năm đạt mức 841,4 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 117% lên 950,8 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 30,7% lên mức 2.829,5 tỷ đồng, chiếm 61,% cơ cấu nợ xấu của Ngân hàng ACB. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng từ 0,74% vào thời điểm đầu năm lên 1,06% vào cuối quý tháng 6/2023.
Nợ xấu của ACB tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. |
Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng ACB ghi nhận gần 12.461 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 1.431,4 tỷ đồng, tăng 17,4%; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đạt 765,4 tỷ đồng, tăng 70,6 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác thu về 730,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 114,5 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái lỗ 110 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 406,7 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí và thuế, Ngân hàng ACB báo lãi sau thuế 1.988 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính tới ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Ngân hàng ACB hơn 630.893 tỷ đồng, tăng so 3,8% với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 434.032 tỷ đồng, tăng 4,9%; tiền gửi khách hàng đang ở mức 432.410 tỷ đồng, tăng 4,4 %.
Tiền thân của Ngân hàng ACB là Ngân hàng TMCP Á Châu đi vào hoạt động ngày 4/6/1993. Tính tới ngày 30/6/2023, Ngân hàng ACB có vốn điều lệ 38.840,5 tỷ đồng; hội sở chính tại 442 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh và có 384 chi nhánh, văn phòng trên toàn quốc với 13.190 nhân viên. Hiện, ông Trần Hùng Huy (1978) đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB sở hữu gần 131,1 triệu cổ phiếu ngân hàng ACB. Ngoài ra, nhiều thành viên gia đình ông Huy cũng đang sở hữu cổ phiếu ACB như bà Đặng Thu Thủy (mẹ) gần 46,4 triệu cổ phiếu, ông Trần Phú Mỹ (chú) hơn 29,6 triệu cổ phiếu; bà Trần Tuyết Nga (cô) hơn 3,5 triệu cổ phiếu; bà Đặng Thu Hà (cô) hơn 40 triệu cổ phiếu… |
Thành Nguyên
Theo