Thứ năm 07/11/2024 17:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Năng lượng điện gió – Bước đi chiến lược của những doanh nghiệp Việt

17:30 | 22/06/2020

(Xây dựng) - Trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã và đang được khai thác triệt để, các nguồn điện lớn khác cần thời gian hoàn thành dài, trong khi nhu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn, năng lượng tái tạo đang được doanh nghiệp Việt lựa chọn là bước đi chiến lược trên một sân chơi lớn.

nang luong dien gio buoc di chien luoc cua nhung doanh nghiep viet
Năng lượng điện gió có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Tiềm năng phát triển ngành Năng lượng điện gió tại Việt Nam

Việt Nam nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển nguồn năng lượng điện gió, thuộc vùng khí hậu gió mùa, được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.000km. 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương tiềm năng sản lượng điện gió 513GW. Đặc biệt, khoảng 10% trong số đó, được coi là có tiềm năng năng lượng điện gió rất lớn nằm tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và Nam bộ.

Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiêm môi trường, sản lượng dự trữ dầu thô và các mỏ dầu khí truyền thống như: Bạch Hổ, Sư Tử, Rồng, Ruby đang sụt giảm; xu hướng thúc đẩy sản xuất điện từ năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã quy hoạch công suất hệ thống điện quốc gia phải đạt 60GW vào năm 2020, trong đó tỷ trọng năng lượng tái tạo là 9,9%. Tuy nhiên, tổng công suất đến thời điểm này chỉ đạt 56GW, thấp hơn khoảng 4GW theo con số được phê duyệt.

Cũng theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến phải bổ sung nguồn cung cấp điện ít nhất 32GW, chủ yếu từ các dự án điện than và điện khí, tuy nhiên các dự án này đến nay thường bị chậm 3 - 4 năm, dự báo năm 2023 sẽ thiếu hụt 13GW và 2025 thiếu hụt khoảng 8GW nguồn điện. Tại Tờ trình số 1931 ngày 19/3/2020 Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, tương đương 11,6GW.

Đồng thời, tại Tờ trình 3299/BCT-ĐL ngày 08/05/2020 Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió theo Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023 nhằm tạo niềm tin và động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Với cơ chế giá FIT ưu đãi được kéo dài thêm 2 năm, sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp. Trong văn bản kiến nghị mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng với tiềm năng lớn, điện gió sẽ là một trong những nguồn điện quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn 2021 - 2025, bù đắp vào phần thiếu hụt do nhiều dự án nguồn điện lớn khác đang chậm tiến độ.

Phát biểu trong chương trình thảo luận về chủ đề dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam, Tiến sỹ Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: “Năng lượng sạch – Năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới được chú ý trong vài năm gần đây. Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) xác định từ năm 2020 tới năm 2023 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tiếp tục bị chậm tiến độ. Vấn đề thiếu điện sẽ trở thành sự đe dọa cho tình hình sản xuất kinh doanh, gây khó khăn kép cho nền kinh tế cả nước.

Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao, bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành Vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển”.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gia nhập lĩnh vực tiềm năng sinh lợi cao này như: Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Xuân Cầu, Công ty Pacific, Công ty FECON, Tập đoàn Thành Công Group, BCG Bamboo Capital, Tập đoàn Trường Thành hay Tập đoàn Hà Đô…

Với thế mạnh là nhà thầu uy tín tại Việt Nam, Công ty Cổ phần FECON (mã FCN) đã có những quyết sách chuyển mình nhịp nhàng theo xu hướng và nhu cầu của thị trường chung. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra vào ngày 18/6/2020, FECON đã tuyên bố chiến lược vươn lên thành nhà thầu xây dựng công nghiệp & hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư dự án uy tín theo chuẩn quốc tế dựa trên năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm. FECON đặt mục tiêu chinh phục lĩnh vực xây dựng công nghiệp và đầu tư dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Cho đến thời điểm này, FECON đã thi công hoàn thành 4 dự án điện mặt trời, trúng thầu 4 dự án điện gió, đã đầu tư hoàn thành 01 dự án điện mặt trời và đang chuẩn bị tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120MW tại tỉnh Sóc Trăng, đồng thời công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5 dự án sau khi hoàn thành khoảng 700MW.

Theo đánh giá từ Công ty Cổ phần chứng khoán Dầu Khí (PSI), việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu trong tương lai của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, dự kiến nhu cầu điện tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt sau khi Việt Nam đã chính thức đạt được các thỏa thuận CPTPP, EVFTA cũng như đang được đánh giá là quốc gia hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn đang leo thang.

Trên thị trường chứng khoán niêm yết hiện nay, có gần 30 doanh nghiệp sản xuất điện, hầu hết là các doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí và thủy điện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này khó có khả năng gia tăng công suất trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu, điều kiện thủy văn… Do vậy, các doanh nghiệp tham gia đón sóng năng lượng tái tạo sẽ hiện thực hóa được nhiều cơ hội phát triển khi thị trường năng lượng sạch được đánh giá là dư địa lớn cho việc gia tăng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra vào ngày 18/6/2020, FECON đã tuyên bố chiến lược vươn lên thành nhà thầu xây dựng công nghiệp & hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư dự án uy tín theo chuẩn quốc tế dựa trên năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm.

FECON đặt mục tiêu doanh thu Tập đoàn đạt 10.000 tỷ vào năm 2025.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load