(Xây dựng) - Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU, về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Nam Định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa) |
Trong thời gian qua, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nam Định luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách với gia đình người có công, người nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều ngôi nhà tạm, nhà dột nát đã được nâng cấp, thay mới góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 7.041 hộ nghèo, tỷ lệ 1,09%; còn 17.803 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,76%; tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) là 3,85%. Trong đó có những hộ vẫn còn ở trong nhà tạm, nhà dột nát nhưng không đủ khả năng tự sửa chữa, nâng cấp, rất cần được sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai nhiều biện pháp, cách làm linh hoạt để huy động hiệu quả các nguồn lực chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự kết hợp các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, các nguồn lực xã hội hóa, sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư và nguồn lực từ chính các hộ gia đình có nhà tạm, nhà dột nát. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao ý thức, sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp huy động hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa, linh hoạt, phù hợp với thực tế, bảo đảm công khai minh bạch, đúng quy định không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Phát huy vai trò, sự vào cuộc trực tiếp của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp; tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Văn Đạt
Theo