(Xây dựng) - Những ngày vừa qua, nhân dân các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi phải oằn mình chống chọi với đợt lũ lịch sử. Nhiều địa phương như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh bị ngập sâu, hàng nghìn hộ gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng cũng chính giữa khó khăn ấy, ngọn lửa tình người được thắp lên khắp muôn nơi, những yêu thương được nối dài và sẻ chia với nỗi đau của mảnh đất vốn chịu nhiều thiệt thòi, cơ cực. Hơn lúc nào hết, người dân trong, ngoài nước và đặc biệt là những người con của miền Trung đều đau đáu nỗi niềm hướng về khúc ruột miền Trung.
Nhiều ngôi nhà và tài sản của bà con miền Trung bị nước lũ nhấn chìm (Ảnh: Trinh Lưu) |
Đợt mưa lũ này, nhìn con số thống kê sơ bộ thiệt hại mà nhói lòng. Theo ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn cực đoan từ ngày 15 đến 20/10 đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương, đặc biệt là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh. Thời điểm cao nhất, có 118 xã, phường, thị trấn với 42.456 hộ/151.288 người của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt trong nước lũ. Nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn
Người dân mong manh trong nước lũ (Ảnh: Vietnamnet). |
Còn tại Quảng Bình, ông Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Vừa qua, để ứng phó với mưa lũ, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức di dời hơn 32.250 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Hiện, số hộ dân đã quay về nhà sau khi lũ rút là hơn 14.600 hộ. Đến trưa 22/10, mặc dù lũ đã rút mạnh nhưng toàn tỉnh vẫn còn gần 32.000 nhà dân đang bị ngập lụt. Theo thống kê thiệt hại ban đầu, mưa lũ đã làm 8 người chết, 44 người bị thương; gần 10 km đường giao thông, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng với khối lượng hơn 60.000 m3.
Lũ về nhanh không kịp trở tay, người dân vùng ngập chỉ còn biết chèo lên nóc nhà thoi thóp chờ ứng cứu. Miền Trung rơi vào cảnh tan tác đã thôi thúc rất nhiều tổ chức, cá nhân xuyên màn đêm vào cứu trợ.
Hàng trăm đoàn cứu trợ miền Trung. |
Ngay sau đó, hàng nghìn lượt đoàn cứu trợ trên mọi miền Tổ quốc cũng đổ về các tỉnh miền Trung mang theo lượng lớn nhu yếu phẩm, thuốc men... hỗ trợ người dân. Tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn, mất mát với đồng bào vùng lũ còn thể hiện qua hình ảnh người dân dậy sớm, thức khuya gói bánh chưng, bánh tét… để kịp mang đến cho người dân chống đói. Tuy nhiên nhiều nơi gặp khó khăn vì nước vẫn còn ngập, nên di chuyển để đưa hàng cứu trợ tới dân không kịp như mong đợi.
Nhiều chủ xe tải tự nguyện vận chuyển những chiếc thuyền vượt qua những bàu cát mênh mông để đến được tâm lũ. Có cả những “biệt đội” cano đặc biệt do người dân ở các tỉnh, thành lân cận lập nên, được gọi là “biệt đội cano 0 đồng” làm nhiệm vụ giải cứu người dân gặp nạn và cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu vào những nơi bị lũ lụt nặng nề. Những con đường quốc lộ đổ về khúc ruột miền Trung nườm nượp những chuyến xe nghĩa tình chở theo đồ ứng cứu của người dân khắp cả nước.
Thanh niên trong làng đi từng ngõ, gõ từng nhà để cứu trợ ở Quảng Bình (Ảnh: Trần Thành). |
Lũ ngập ngang nhà, những người con miền Trung có thể là bất kỳ ai, không phân biệt địa vị sang hèn… đã biến yêu thương, lo lắng thành hành động. Họ trở về quê hương ngay khi nghe có lũ lớn, vận động quyên góp bạn bè, đồng nghiệp mua lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết nhất cho dù là nhiều hay ít và trực tiếp tham gia cứu trợ cho bà con lối xóm.
Anh Trần Thành (Quảng Bình) chia sẻ: “Lũ về, những người con xa quê như chúng tôi lòng nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên khi chứng kiến cảnh quê hương bị nước lũ hoành hành. Mặc kệ tất cả những lời khuyên can của mọi người, chúng tôi về với ba mẹ, quê hương để giúp bà con chống lũ. Chắc chắn, các anh chị và các bạn cũng không thể kìm được nước mắt khi chứng kiến người thân của mình lao đao trong biển nước mênh mông, khi lúa gạo và mọi thứ khác bị lũ nhấn chìm. Chúng tôi huy động thanh niên trai tráng trong làng, mỗi người một nhiệm vụ, không quản vất vả, nguy hiểm đi từng ngõ, từng nhà để trao những nhu yếu phẩm cần thiết đến cho bà con lúc khốn khó”.
Với bà con vùng lũ, thứ họ cần nhất trong lúc ngập là lương thực, thực phẩm, nước lọc đóng chai, thuốc men. Còn sau lũ, là vô vàn khó khăn khác lại chất chồng, họ cần tiền, cần hạt giống, cần phục hồi sản xuất và sớm ổn định cuộc sống.
Chị Trinh đăng tải trên mạng xã hội kêu gọi cứu trợ bà con qua cơn hoạn nạn (Ảnh: Trinh Lưu). |
Chị Lưu Trinh – người con xa quê của Hà Tĩnh đã không thể ngồi yên khi cả dân làng của mình chìm trong vùng ngập lũ. Ngay lập tức, chị kêu gọi trên trang cá nhân ủng hộ người dân vùng lũ vì nhà cửa, lợn gà, trâu bò, đồ đạc của người dân xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên đã bị cuốn trôi.
Chị cho biết: “Khi lũ về, bà con đã nhận được gạo, cơm, mỳ tôm, nước uống, quần áo... và tiền để họ có thể vượt qua thiệt hại nặng nề của đợt lũ lịch sử này. Giờ nước đã rút nhưng mọi thứ trong nhà bị trôi, hoặc ngâm nước hư hỏng hết. Mọi thứ tan hoang, tanh bành sau lũ. Đặc biệt bao nhiêu lúa gạo vừa thu hoạch xong bị lũ ngâm 3 ngày đã nhú mầm. Đồ ăn nhanh như mỳ tôm, bánh chưng, lương khô được các đội thiện nguyện đang hỗ trợ. Giờ người dân rất rất cần gạo để nấu cơm ăn hàng ngày và lâu dài. Vụ mùa tiếp theo phải đợi đến tháng 5 năm sau mới có, phải chờ gần 8 tháng nữa mới có. Giờ họ rất cần thóc, gạo cứu đói”.
“Team cứu trợ” của anh Sơn tiếp cận được bà con vùng lũ (Ảnh: Hoàng Sơn). |
Với những người con sinh sống ở quê hương bị ngập lũ, dù làm bất kể nghề gì, họ cũng đều đứng lên chung tay góp sức cứu trợ không chỉ bà con lối xóm và còn ở các huyện lân cận khi có đủ phương tiện cứu hộ. Cùng với nhiều tấm lòng thơm thảo khác, anh Hoàng Sơn - thành phố Hà Tĩnh đã nhân rộng hình ảnh đẹp của người dân miền Trung chào đón các đoàn thiện nguyện khi qua Hà Tĩnh bằng việc hỗ trợ 100% chi phí đồ uống khi họ dừng chân nghỉ tại cửa hàng DINGTEA Hà Tĩnh (110 Hàm Nghi – thành phố Hà Tĩnh).
Không dừng lại ở đó, anh Sơn còn cùng với các anh em bạn bè lập “Team cứu trợ” cho bà con trong suốt mấy ngày lũ lên ở các vùng ngập nặng của Hà Tĩnh và Quảng Bình. Anh Sơn chia sẻ: “Chúng tôi lập Team ngay khi nhận được nhiều thông tin kêu cứu trợ của bà con vùng lũ. Nhận thấy tình hình lũ lụt có thể kéo dài mấy anh em ở 3 địa bàn: Lộc Hà – thành phố Hà tĩnh - Kỳ Anh đã cùng nhau kêu gọi mọi người quyên góp lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà con”.
Team đã đến được những nơi ngập sâu ngập nặng nhất trên địa bản tỉnh Hà Tĩnh như xã Cẩm Duệ huyện Cẩm xuyên, xã Tân Lâm Hương huyện Thạch Hà, xã Kỳ Khang, xã Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi... Sau khi thấy tình hình lũ lụt ở hà tĩnh đã ổn định trở lại thì nhóm lại xuất phát vào huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) - là huyện ngập nặng nhất của tỉnh để cứu trợ.
“Hầu như những xã trên đều ngập hết nhà cửa và phải dùng thuyền dùng cano để tiếp cận. Công tác cứu trợ của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi vì đã liên hệ với Bí thư và cán bộ của các xã, các xóm dẫn đi từng hộ gia đình. Những mặt hàng cứu trợ cần thiết trong lũ lụt như: bánh mì, lương khô, nước lọc, bật lửa, nến, đèn pin... đã được chúng tôi đưa đến trao tận tay giúp bà con vượt qua khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, có nhiều điểm ngập sâu, đoàn chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận và cứu trợ được”, anh Sơn cho biết.
Đoàn cứu trợ quyết không để người dân bị bỏ lại trong cơn nước lũ (Ảnh: Hoàng Sơn). |
Đó chỉ là những câu chuyện điển hình trong hàng ngàn câu chuyện xúc động về những người con miền Trung đang hướng về quê hương yêu dấu đang trong những ngày phải oằn mình gánh chịu cơn khốn khó mà thiên tai lũ lụt hoành hành. So với những lần “đại hồng thủy” lịch sử từng càn qua khúc ruột miền Trung trước đây, trận thiên tai lần này có mức độ tàn phá khủng khiếp hơn rất nhiều. Nhưng trong khó khăn ấy, hơn bao giờ hết mới thấy tinh thần tương thân tương ái và sự lan toả yêu thương của nhân dân cả nước đang hướng về miền Trung và trong đó là cả những trái tim của những người con miền Trung vẫn đang từng đêm, từng đêm mất ngủ.
Ngọc Hà
Theo