(Xây dựng) - Mẹ tôi, một người lính cụ Hồ - một Trung tá quân y khoác trên người bộ quần áo blouse trắng, cuộc đời của bà gắn liền với 35 năm trong quân ngũ, nay đã 76 tuổi, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong tâm trí bà - 11 ngày được cận kề bên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng lời nói, từng cử chỉ hành động và cả cuộc sống giản dị của Người đã trở thành bài học lớn lao cho cuộc đời của mẹ và là tấm gương sáng cho hai chị em tôi sau này - những đứa con của nữ y tá.
Tổ công tác đặc biệt chăm sóc Bác Hồ, bà Trần Thị Quý – người ngồi thứ hai từ phải sang. |
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông có giấy gọi nhập học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng thời gian đó phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô đang trong không khí sục sôi lên đường đánh Mỹ, mẹ đã không nhập học mà xung phong vào quân đội học lớp y tá và phục vụ tại Viện Quân y 108 - một đơn vị Anh hùng của lực lượng vũ trang.
Trong những năm tháng công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ, đã để lại ấn tượng sâu sắc và cũng là niềm tự hào, vinh dự nhất của mẹ tôi, một cô gái mới tuổi đôi mươi. Mẹ kể rằng: Ngày 22/8/1969, mẹ tôi - nữ y tá Trần Thị Quý cùng với nữ y tá Ngô Thị Oanh và một số bác sỹ được Chính ủy, Viện trưởng gọi lên giao nhiệm vụ: khẩn trương chuẩn bị thuốc men, dụng cụ y tế như mọi chuyến đi công tác thường ngày. Khi xe ôtô tới Phủ Chủ tịch, hai nữ y tá rất ngạc nhiên không hiểu chuyến công tác này đi đâu và nhận nhiệm vụ gì mà lại vào khu vực của Chủ tịch nước. Ngay buổi chiều hôm đó, có một chú mặc bộ quần áo nâu sòng (sau này mẹ tôi mới biết đó là chú Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác Hồ) đến gặp và thông báo về nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác. Lúc mới nghe mẹ tôi sung sướng vô cùng vì được vào phục vụ, chăm sóc Bác Hồ, nhưng biết Bác đang mệt nặng thì lại hồi hộp và vô cùng lo lắng, làm thế nào để hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt này? Đêm đó mọi người trong đoàn công tác hầu như không ngủ được.
Sáng hôm sau, chú Vũ Kỳ dẫn mẹ tôi và cô Oanh vào gặp Bác Hồ, mẹ kể, vừa thấy chúng tôi Bác hỏi: “Các cháu nào đây?” Chú Vũ Kỳ nói: “Thưa Bác, đây là các cháu ở Viện Quân y 108 vào chăm sóc Bác”, Bác liền xua tay: “Cho các cháu về phục vụ thương binh, ở đây Bác tự lo được, ở đây Bác đã có y tá rồi mà”. Bác coi công việc chăm sóc thương binh quan trọng hơn là việc chăm sóc sức khỏe của Bác, Bác không muốn làm phiền đến mọi người.
Càng gần đến ngày Quốc Khánh 2/9 thì sức khỏe của Bác càng mệt hơn, Bộ Chính trị chuyển Bác từ nhà sàn nơi Bác sống, làm việc hàng ngày khi còn khỏe xuống nhà H67 để tiện theo dõi sức khỏe và chăm sóc. Trung ương điều thêm hai y tá nữa là đồng chí Láng và đồng chí Thanh, bốn y tá được chia làm 2 kíp trực; công việc của y tá là xoa bóp chân tay cho Bác đỡ mỏi, phục vụ Bác ăn uống…Dù rất mệt, nằm trên giường bệnh Bác vẫn quan tâm hỏi về mực nước các triền sông, diễn biến các trận đánh ở miền Nam… Có những lần lấy cháo định xúc cho Bác ăn, nhưng Bác bảo Bác còn tự ăn được, các cháu không phải xúc cho Bác đâu. Có những đêm Bác thức giấc thấy y tá vẫn còn thức quạt cho Bác ngủ, Bác bảo: “Các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn mà phải thức khuya thế này thì mệt lắm, các cháu tranh thủ ngủ đi cho đỡ mệt”. Bác hay nói chuyện với mọi người, Bác hỏi mẹ tôi: “Cháu làm nghề gì?” Mẹ tôi trả lời: “Thưa Bác cháu làm y tá, sau này thống nhất đất nước cháu đi học Đại học cũng được, bây giờ góp sức nhỏ của mình vào quân đội là cần thiết hơn…”. Nghe xong Bác động viên: “Sau này học cũng được, làm y tá giỏi còn hơn bác sỹ tồi, công việc nào làm tốt cũng vinh quang mà”. Bác lại hỏi: “Cháu sinh năm bao nhiêu? Nhà cháu có mấy anh chị em?” Mẹ tôi thưa: “Cháu sinh năm 1947, nhà cháu có 10 anh chị em ạ”, Bác nói luôn: “Cháu tuổi con lợn, tuổi lợn sướng, cứ nằm duỗi mà ăn… nhưng bố mẹ cháu đẻ nhiều thì vất vả lắm, sau này cháu lấy chồng thì đẻ ít thôi nhé, đẻ ít mà nuôi con khỏe, dạy con ngoan thì đời sống mới sung sướng”. Mẹ đáp: Vâng ạ, nói xong hai bác cháu cùng cười. Lúc này trong lòng mẹ tôi trào dâng niềm sung sướng vô hạn, sao mà một vị Chủ tịch của một nước mà lại quan tâm đến một người bình thường như mẹ tôi, cách nói chuyện sao mà thân thương, gần gũi đến thế? Khi thời tiết nóng mẹ tôi bật quạt máy cho Bác, Bác bảo tắt đi Bác cầm chiếc quạt lá cọ và tự quạt bằng tay. Ôi! Một con người vĩ đại, một vị Chủ tịch nước đến những ngày cuối đời vẫn còn “tiết kiệm”, vẫn còn tự lo cho bản thân mà không phiền đến người khác… Bác biết cô y tá Oanh quê ở Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc, Bác nói: “Quê cháu lắm ruồi, khi nào về quê nhớ vận động bà con giữ vệ sinh, diệt ruồi muỗi không để ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng…”. Những câu nói của Bác rất đỗi thân thương, Bác quan tâm, nhắc nhở cả những việc nhỏ nhất. Thật đáng tự hào khi dân tộc Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Bà Trần Thị Quý được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà nhân buổi gặp mặt các cán bộ từng phục vụ và bảo vệ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 2/6/2010. |
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi hồi tưởng lại giây phút Bác ra đi, mẹ tôi vẫn không khỏi xúc động: “8h sáng ngày 2/9, đến giờ thay ca, mẹ tôi thấy thần sắc Bác thay đổi rất nhanh nên vội vàng gọi các bác sỹ; mọi người trong tổ y tế cũng chạy cả đến, người đặt máy thở, người đặt máy trợ tim… ai nấy đều dốc hết sức, nỗ lực cấp cứu cho Bác nhưng đã muộn. Đúng 9 giờ 47’, Bác trút hơi thở cuối cùng. Thương nhớ Bác, mẹ tôi tự nhủ quyết tâm học tập đức tính khiêm tốn, giản dị, sống có trách nhiệm của Người, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để trở thành người tốt, có ích cho xã hội, đúng như lời động viên của Bác: “Y tá giỏi còn hơn bác sỹ tồi”.
Hàng năm, cứ đến ngày sinh nhật Bác, thật vinh dự và tự hào khi mẹ tôi cùng các bác, các cô chú - những người phục vụ Bác Hồ từ chiến khu đến những ngày cuối đời đều được gặp mặt Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch.
Bác ơi, Bác đã đi xa nhưng chúng cháu - những thế hệ trẻ ngày nay luôn luôn tâm niệm phải sống, học tập và làm theo lời Bác. Thật tự hào và trân quý biết bao - Người cha già của dân tộc!
Thùy Dương
Theo