Thứ sáu 08/11/2024 01:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Ma túy và những tác hại nguy hiểm đến con người

17:24 | 16/09/2022

(Xây dựng) – Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có những cảnh báo về tác hại của ma túy đối với con người, nhưng vẫn còn không ít người tỏ ra thờ ơ trước tác hại của nó. Đây cũng là nguyên nhân gây nên những hành vi phạm tội, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và là một trong những nguyên nhân lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.

ma tuy va nhung tac hai nguy hiem den con nguoi
Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống ma túy cho nhân dân.

Ma túy là gì?

Theo Tổ chức Liên hợp quốc, ma túy là “các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”.

Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO: Ma túy theo nghĩa rộng nhất là “Mọi thực thể hóa học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khỏe bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”.

Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, cũng đưa khái niệm về chất ma túy như sau: Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 của Chính phủ ban hành quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo Nghị định này các danh mục chất ma túy và tiền chất gồm các nhóm sau đây:

Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền, nhóm này gồm có 46 loại.

Danh mục II: Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Nhóm này gồm có 398 loại.

Danh mục III: Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Nhóm này gồm có 71 loại.

Danh mục IV: Các tiền chất sử dụng vì mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Công an quản lý và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu. Các tiền chất sử dụng trong lĩnh vực thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu. Nhóm này gồm có 44 loại.

Như vậy, theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tại thời điểm hiện tại có tổng cộng có tới 559 chất được đưa vào danh mục là chất ma túy. Với sự ra đời ngày càng nhiều loại ma túy, danh mục ma túy chắc chắn sẽ được bổ sung.

Tác hại nguy hiểm của ma túy

Hiện nay, có rất nhiều loại ma túy gây nghiện nhanh, mạnh và nguy hiểm, có sức tàn phá sức khỏe tinh thần và thể chất của con người như Heroin, cần sa, ma túy đá, hồng phiến, thuốc lắc, ketamin, cỏ Mỹ, nước vui, tem giấy, bùa lưỡi... và được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi; lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, dẫn dắt vào con đường: Trộm cắp, cướp giật, mua bán, vận chuyển ma túy trái phép.

Nguy hiểm hơn, hiện nay giới trẻ có quan niệm hết sức sai lầm cho rằng sử dụng các loại ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, cỏ Mỹ chỉ gây hưng phấn tức thời nhằm giải trí cho vui, chứ hoàn toàn không gây nghiện. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy đá, ma túy cỏ để vui chơi, chứng tỏ đẳng cấp mà không biết rằng nó có sức tàn phá ghê gớm đến sức khỏe, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Đối với bản thân người sử dụng ma túy gây tổn hại về sức khỏe như hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma tuý dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma túy bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.

Với xã hội, hàng năm, Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma túy, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Ma túy cũng làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm, chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng; ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khách du dịch; Ma túy là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (trộm, cướp, buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố...); là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc...).

Trước những hiểm họa, tác hại nêu trên, pháp luật hình sự Việt Nam nghiêm cấm các hành vi liên quan đến ma túy như: Trồng các loại cây có chứa chất ma túy; chiếm đoạt, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, mua bán dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sản xuất chất ma túy, tiền chất ma túy; tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, hoặc cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Bộ luật Hình sự Việt Nam có 13 điều luật (từ Điều 247 đến Điều 259) quy định các loại tội phạm về ma túy.

ma tuy va nhung tac hai nguy hiem den con nguoi
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Tội phạm ma túy là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, cố ý thực hiện một trong các hành vi nghiêm cấm nêu trên; các hành vi này xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với chất ma túy, tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, gây hậu quả nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, trật tự xã hội, đạo đức và sức khỏe của con người. Hình phạt cao nhất đối với các loại tội phạm về ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự lên tới 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Vì vậy mỗi người dân hãy tích cực, chủ động nâng cao nhận thức, tuyên truyền cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp như: Kích thích tính tò mò, khuyến mãi dùng thử rồi nghiện; Lôi kéo ăn chơi, sành điệu đối với con em các gia đình khá giả về kinh tế; Sử dụng người nghiện lôi kéo, dụ dỗ người khác cùng nghiện với những chiêu trò thưởng hậu hĩnh, giả tạo; Lợi dụng sự kém hiểu biết hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn cần kiếm tiền để mưu sinh cuộc sống mà lợi dụng, dụ dỗ vào buôn bán, vận chuyển ma túy trái pháp luật. Chung tay đẩy lùi ma túy và giảm thiểu tác hại của ma tuý không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hay các tổ chức liên quan đến việc phòng chống ma tuý mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load