(Xây dựng) – Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng có loạt bài phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch tại các huyện phía Nam Thành phố Hà Nội, bao gồm: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai và Mỹ Đức. Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã làm việc với một số đơn vị cấp nước trên địa bàn các huyện trên.
Việc Hà Nội "sốt sắng" kiến nghị bổ sung Nhà máy nước Xuân Mai đang làm trái Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ làm tình hình cấp nước của thành phố xấu thêm. |
Theo Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vùng dịch vụ cấp nước của 4 huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức thuộc vùng dịch vụ cấp nước của Nhà máy nước sông Đà. Tuy nhiên, do không có hệ thống đường ống truyền tải cấp 1 kết nối từ đường ống truyền tải nước sạch của Nhà máy nước sạch sông Đà đến hệ thống cấp nước trong khu vực của 4 huyện nêu trên, nên đến nay người dân ở các khu vực này vẫn chưa được dùng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà.
Ngày 24/6/2017, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3845/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho liên danh Công ty Cổ phần nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao hệ thống đường ống nối từ Nhà máy nước sông Đà theo Quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cấp nước cho địa bàn các huyện nêu trên chưa được thực hiện mà đáng ra phải được thực hiện sớm như đã nêu trong Quyết định?
Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Oanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (đơn vị cấp nước trên địa bàn huyện Chương Mỹ), ông cho biết: "Tính đến nay, toàn bộ hệ thống tuyến ống truyền tải nước sạch, trạm bơm tăng áp, hệ thống cấp nước sạch của khu vực phía Nam Thành phố Hà Nội, bao gồm các huyện: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và phần còn lại của Thanh Oai, Thường Tín đã được UBND Thành phố Hà Nội giao cho các chủ đầu tư thực hiện. Cụ thể như sau:
Hệ thống tuyến ống truyền tải nước sạch, trạm bơm tăng áp của khu vực đã giao cho Công ty Cổ phần nước Aqua One tại Quyết định chủ trương đầu tư số 2775/QĐ-UBND ngày 6/6/2018. Hệ thống cấp nước sạch huyện Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa giao cho Liên danh Công ty Cổ phần nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống tại Quyết định chủ trương đầu tư số 3845/QĐ-UBND ngày 24/6/2017. Hệ thống cấp nước sạch huyện Chương Mỹ giao cho Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tại Quyết định số 6304/QĐ-UBND ngày 21/10/2013 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước sạch huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận sử dụng nguồn nước sạch sông Đà. Tuy nhiên, đến nay các dự án này đều chậm tiến độ dẫn đến khoảng 250 nghìn hộ dân (gần 1 triệu người) ở khu vực này mới chỉ có nước hợp vệ sinh nhưng chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế".
Nói về tình hình cấp nước sạch hiện nay trên địa bàn huyện Chương Mỹ, ông Oanh cho biết: Hiện tại, chúng tôi phải khai thác các trạm nước nông thôn sẵn có của huyện để tạm thời giải quyết nhu cầu trước mắt. Huyện Chương Mỹ có khoảng 11 trạm cấp nước nông thôn, đã bàn giao cho chúng tôi khai thác. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ sử dụng được 2 trạm, các trạm nước còn lại chưa khai thác được. Đối với hai trạm khai thác trên, chúng tôi đã đầu tư với công nghệ mới để đảm bảo chất lượng nước. Hiện nay, nhu cầu của bà con trên địa bàn huyện rất nhiều vì vậy chúng tôi phải mua thêm nước từ Nhà máy nước sạch Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) để giải quyết tình thế. Ngoài ra, thôn Thái Hòa (xã Hợp Đồng), thôn An Phú (Thị trấn Chúc Sơn) là có 2 trạm cấp nước nông thôn cũ đang hoạt động nhưng nhỏ lẻ, còn lại những trạm ngân sách thành phố đầu tư lại không hiệu quả, chưa hoạt động.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước sạch huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận sử dụng nguồn nước sạch sông Đà (Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai làm Chủ đầu tư - PV) được biết, phạm vi cấp nước của dự án là cấp cho 14 xã của huyện Chương Mỹ. Mức đầu tư của dự án là 745,9 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện theo Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nghĩa là Nhà nước hỗ trợ 65%; ở vùng sâu, vùng xa có thể tới 90%, còn lại là vốn tự có hoặc khai thác các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án cấp nước trên vẫn chậm triển khai.
Giải thích về nguyên nhân chậm triển khai dự án trên, ông Oanh chia sẻ: Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg, chúng tôi lấy nước từ mốc M107 qua ngã ba cao tốc Láng Hòa Lạc về Xuân Mai là 13,7km. Đến Xuân Mai có trạm tăng áp X1 và X2. Trạm tăng áp X1 cấp cho toàn bộ thị trấn Xuân Mai và đô thị Xuân Mai sau này cùng các xã dọc đường Hồ Chí Minh và trong quy hoạch có thể cấp nước cho huyện Mỹ Đức. Trạm tăng áp X2 cấp cho các xã dọc đường Quốc lộ 6 để kết nối với Chúc Sơn – Hà Đông, coi như mạch vòng luôn. Như vậy, an ninh nguồn nước theo Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đảm bảo.
Sau đó, UBND Thành phố Hà Nội lại có Quyết định số 2727/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Quốc lộ 21 đoạn từ Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai, tỷ lệ 1/500, nên việc đầu tư dự án lại phải trì hoãn. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã 4 lần làm văn bản xin ý kiến của Thành phố Hà Nội nhưng không thấy trả lời. UBND Thành phố Hà Nội có giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội tham mưu thành phố để trả lời doanh nghiệp nhưng họ cũng không tham mưu.
"Đối với việc giải phóng mặt bằng tại trạm tăng áp X1, X2. Theo quy định, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai phải được bàn giao “đất sạch” tuy nhiên chúng tôi đã phải bỏ tiền ra để chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng và hoàn thành từ tháng 10/2019. Đến ngày 22/10/2019, chúng tôi đã có văn bản trình Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định bàn giao đất. Vì vậy, dự án không thể xây dựng được.
Một điều chưa đúng nữa là, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu công ty giải trình về một số vấn đề như: ký quỹ, vấn đề đất đai có tranh chấp hay không, nhu cầu sử dụng nước… Chúng tôi cho rằng những vấn đề này không phải phạm vi của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường không có chức năng yêu cầu chủ đầu tư đánh giá nhu cầu sử dụng nước. Chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội đang làm khó doanh nghiệp. Một mặt họ ép, cho rằng công ty chậm tiến độ, mặt khác lại gây khó khăn trong quá trình xin các thủ tục thực hiện dự án. Là đơn vị cấp nước, chúng tôi cho rằng nhà máy nước nào đi qua có nguồn nước sạch, giá tốt chúng tôi được sử dụng cung cấp cho nhân dân (việc này là phù hợp với Quyết định của Thủ tướng). Tuy nhiên, UBND Thành phố Hà Nội lại chỉ định phải lấy nguồn nước của Công ty Cổ phần nước Aqua One (có lẽ là nguồn nước lấy từ Nhà máy nước sạch Xuân Mai không có trong phê duyệt của Thủ tướng mà đang khẩn trương xây dựng trong năm 2019 và hiện nay đã bị đình chỉ tuyệt đối của UBND tỉnh Hòa Bình). Nhiều hộ dân đăng ký nước sạch từ lâu nhưng chúng tôi cũng không có đủ nước sạch để cung cấp cho họ" - ông Oanh bức xúc.
"Chính vì vậy, tôi cho rằng quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của người dân, chỉ cần hoàn thành các đường ống truyền tải chính kết nối từ đường ống truyền tải nước sạch của Nhà máy nước sông Đà đến hệ thống cấp nước trong khu vực và điều chỉnh tăng công suất các trạm bơm tăng áp của khu vực để tiếp áp theo quy hoạch" - ông Oanh nêu quan điểm.
Dự án nhà máy nước sạch Xuân Mai bị UBND tỉnh Hòa Bình đình chỉ tuyệt đối. |
Để làm rõ hơn nội dung này, ông Lưu Việt Thịnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Công ty đang triển khai các kế hoạch đầu tư phát triển kinh doanh ngắn hạn, dài hạn là phù hợp với Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như dự án đầu tư được duyệt. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 UBND Thành phố Hà Nội đang đề xuất một số điều chỉnh khác với Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, tất cả đang bị dừng lại. Là 1 đơn vị kinh doanh bán buôn nước sạch cho các đơn vị phân phối tại Hà Nội, chúng tôi mong muốn Thủ tướng sớm ban hành Quyết định phê duyệt hệ thống cấp nước Thành phố Hà Nội theo hướng đề nghị của Bộ Xây dựng.
Như vậy có thể nói rằng, việc chậm cấp nước cho 4 huyện phía Nam của Thành phố Hà Nội và một số khu vực lân cận có thể là mục tiêu của Công ty Cổ phần nước Aqua One, một số Sở ban ngành và UBND Thành phố Hà Nội. Dư luận đang đặt ra là, tại sao chỉ đấu nối một số km đường ống từ nguồn nước Sông Đà về các huyện, đây là phương án tối ưu nhất để cung cấp nước sạch cho người dân; mà UBND Thành phố Hà Nội không triển khai thực hiện? Tại sao, vị trí của hai trạm tăng áp X1, X2 tại huyện Chương Mỹ đã được giải phóng mặt bằng nhưng không được bàn giao đất để đưa vào xây dựng nhằm tăng áp lực cấp nước cho các khu dân cư trên địa bàn theo quy hoạch? Liệu có phải tất cả những việc chậm trễ nêu trên, cùng với các dự án cấp nước trên địa bàn 4 huyện nêu trên đã có Quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai rất chậm, có phải để chờ Nhà máy nước sạch Xuân Mai do Công ty Cổ phần nước Aqua One đầu tư xây dựng xong mới được đấu nối cấp nước?
Những vấn đề nêu trên chắc chắn chỉ có một số Sở ngành của Thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hà Nội hiểu rõ và cần sớm trả lời trước công luận.
Khánh An – Thanh Thanh
Theo