Thứ sáu 20/09/2024 16:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Lai Châu: Đổi thay Lao Chải

09:00 | 10/11/2023

(Xây dựng) - Từ bản đói nghèo, lạc hậu, nhờ xây dựng nông thôn mới gắn phát triển du lịch cộng đồng, đời sống Nhân dân bản Lao Chải, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) được nâng cao, người dân vươn lên làm giàu. Bản Mông xanh, nhỏ xinh, tuyệt đẹp, nằm ven đỉnh núi Khun Há, ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển trở thành điểm đến, thu hút đông đảo du khách.

Lai Châu: Đổi thay Lao Chải
Đường vào bản Lao Chải được trang trí bằng các quả thông và vật liệu sẵn có trong tự nhiên, không tốn kém kinh phí của nhân dân.

Tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp để thoát nghèo

Từ thị trấn Tam Đường, vượt gần 15km đường quanh co trong trập trùng mây núi, đi qua những nương chè xanh tươi mơn mởn, ruộng bậc thang chín vàng sắp gặt, đồi chanh leo thơm lừng; du khách đến với Lao Chải - bản Mông nơi rẻo cao Tây Bắc. Nhìn từ xa, 43 nóc nhà như nấm rừng cài lên ngực núi, giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng Khun Há.

Thân thiện, mến khách, chân chất, thật thà là cảm nhận của du khách khi tiếp xúc với người Mông Lao Chải. Cả bản có 247 nhân khẩu, 100% người Mông. Trước đây, khi chưa xây dựng nông thôn mới, chưa làm du lịch, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương, ngô, chăm sóc và bảo vệ rừng, trồng thảo quả, sơn tra… đời sống gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Trọng Thi - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tam Đường cho biết: Năm 2016, Đảng ủy, HĐND xã Khun Há tổ chức cho nhân dân đi tham quan, học tập làm du lịch ở Sa Pa. Chúng tôi đã cùng bà con làm đường bê tông xi măng, điện chiếu sáng; trang trí cảnh quan của bản, từ cổng bản, cổng nhà, thùng rác, nhà vệ sinh; chỉnh trang, cải tạo nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh, trồng lan, tạo cảnh quan đẹp, khang trang. Điều đặc biệt là vật liệu trang trí đều làm từ những nguyên vật liệu sẵn có trong tự nhiên, để không tốn kém kinh phí của nhân dân.

Lai Châu: Đổi thay Lao Chải
Lao Chải ngày nay trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Tận dụng lợi thế tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên đẹp và đặc sắc văn hóa người Mông, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng được lãnh đạo xã Khun Há và Nhân dân Lao Chải đồng thuận, cùng làm. Các hộ trong bản được cử đi học cách làm du lịch hiện đại, văn minh, được cập nhật các kiến thức mới về phát triển kinh tế, văn hóa và làm du lịch cộng đồng. Bản có tổ điều hành để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các hộ dân trong bản. Gia súc, gia cầm có bãi chăn thả riêng, cách xa khu dân cư, để giữ gìn cảnh quan môi trường và không khí trong lành.

Ấn tượng đặc biệt là Lao Chải trồng rất nhiều lan, từ địa lan đến các loại phong lan khác nhau. Lan ngập tràn lối đi dọc bản, vườn nhà nào cũng trồng lan. Khí hậu mát mẻ quanh năm, cây lan phát triển tốt, đã mang lại lợi ích kép cho người dân, vừa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho bản, vừa tăng nguồn thu cho người dân khi bán hoa lan, đặc biệt các dịp lễ Tết vì cây lan có giá trị kinh tế cao.

Xây dựng nông thôn mới gắn phát triển du lịch cộng đồng

Từ bản nghèo nàn lạc hậu, Lao Chải ngày nay trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng của huyện Tam Đường; lưu giữ giá trị văn hóa độc đáo của người Mông. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm, người dân cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh hiện đại, loại bỏ phong tục, tập quán cổ hủ...

Lai Châu: Đổi thay Lao Chải
Phụ nữ Mông rất tỉ mỉ, khéo tay.

Bí thư Chi bộ bản Lao Chải Cứ A Chu cho biết: Trước đây, bản là những căn nhà dưới tán rừng, đường sá đi lại khó khăn, không có điện, người dân không biết chữ. Năm 2002, Đảng bộ huyện Tam Đường và lãnh đạo xã Khun Há vận động bà con di cư từ Lao Chải cũ về đây. Giai đoạn từ năm 2002 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo luôn trên 70%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5-8 triệu đồng/người/năm. Sau khi xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng, giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40%; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 - 28 triệu đồng/người/năm; giai đoạn 2020 - 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm; năm 2023 dự kiến đạt 38 triệu đồng/người/năm.

Bản đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế, các ngành nghề truyền thống như: Bàn ghế gỗ, dệt vải lanh… Đồng thời, thực hiện tăng vụ được 3 ha. Các Chi hội, đoàn thể bản đã hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên, hội viên, con giống, kỹ thuật để nhân dân phát triển kinh tế.

Theo Bí thư Chi bộ bản Lao Chải Cứ A Chu, những năm qua, bản đã vận động nhân dân đóng góp 2.350 ngày công làm được 2.500 m2 đường (làm đường trục bản 2.000 m2, nhà văn hóa 100 m2, đường ngõ bản và các điểm view 400 m2); đã huy động 1.540 ngày công làm 250m bậc thang quanh bản và 12 cái chòi ngắm cảnh. Hiện tại, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Huy động nhân dân đóng góp 11 triệu đồng làm được 1,3 km đường điện chiếu sáng nông thôn. Xây dựng 65 cột đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, với tổng kinh phí là 110,5 triệu đồng. Trong bản không còn nhà tạm, nhà tranh tre dột nát.

Tổng sản lượng lương thực bản là 175,2 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 780kg/người/năm (tăng 270 kg/người/năm so với năm 2016); diện tích cây thảo quả là 65 ha, sản lượng thu hoạch đạt 25 tấn, thu về 2,7 tỷ đồng; diện tích cây Sơn Tra 6 ha, sản lượng thu hoạch đạt 10 tấn. Nhân dân trồng khoảng 5.000 chậu địa lan đang sinh sản và phát triển tốt.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, nhân dân bản Lao Chải tích cực thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa. Bản liên tục đạt danh hiệu bản làng văn hóa; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp các bậc học đạt 100%. Công tác giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các trò chơi dân gian được tăng cường như: “Ngày hội bản Mông”, Lễ hội đánh cù, ném pao… Phong trào xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, bản đã vận động nhân dân thực hiện được 100% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% các hộ dân có chuồng gia súc.

Ông Cứ A Lồng - người dân thôn Lao Chải 1 cho biết: Trước đây, khi chưa xây dựng nông thôn mới, chưa phát triển du lịch cộng đồng, chưa làm homestay, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, đói nghèo liên miên. Xây dựng nông thôn gắn phát triển du lịch cộng đồng đã giúp người dân và gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Ngay đầu bản, du khách được nghe âm thanh róc rách của suối chảy, tiếng chim rừng líu lo, tiếng nô đùa của trẻ con, những âm thanh vui nhộn phá tan tĩnh lặng của núi rừng; được hít không khí trong veo, mát lạnh, cơ thể khoan thai, dễ chịu lạ thường.

Lai Châu: Đổi thay Lao Chải

Điểm trường bản Lao Chải.

Lai Châu: Đổi thay Lao Chải
Lai Châu: Đổi thay Lao Chải

Cầu Tình yêu được làm từ những vật liệu tự nhiên.

Nếu đến Lao Chải mùa xuân, dịp lễ Tết, du khách sẽ được hòa mình các lễ hội, múa khèn Mông, thưởng thức hát những điệu dân ca hát ru, hát đối, hát giải, nhảy dân vũ... phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, no đủ của đồng bào. Lao Chải vào mùa hạ, thu, “đặc sản” là không khí mát mẻ quanh năm; còn mùa đông, du khách được trải nghiệm cái lạnh thấu da thịt của núi rừng, sống trong biển mây và sương, khá thú vị. Ngoài ra, du khách có thể trekking tham quan tìm hiểu rừng nguyên sinh, ngắm những vườn hoa địa lan, hay các loài hoa theo mùa như hoa đào, hoa lê, mận, hoa hồng cổ...

Lai Châu: Đổi thay Lao Chải
Nét độc đáo trong kiến trúc nhà của người Mông.
Lai Châu: Đổi thay Lao Chải
Không gian các phòng homestay được trang trí bằng các họa tiết trám thêu tay của người phụ nữ Mông.

Bản Lao Chải bình yên, đẹp như cổ tích, với những nét vừa hiện đại, vừa hoang sơ, mang đậm văn hóa bản địa đã trở thành điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới điển hình của huyện Tam Đường nói riêng và Lai Châu nói chung. Điểm trừ duy nhất là những nhà làm trước đây vẫn lợp fibrô xi măng, khắc phục điểm này, Lao Chải sẽ đẹp hơn, xanh hơn trong thiên nhiên hùng vĩ.

Thanh Hương - Ảnh Phương Nghi

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bến Tre: Thành công nổi bật trong hành trình xây dựng nông thôn mới tại xã Thuận Điền

    (Xây dựng) - Sau hơn 10 năm nỗ lực không ngừng trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã ghi nhận những thành quả đáng tự hào. Đây là kết quả của sự đồng lòng hỗ trợ từ các ngành, các cấp, cùng với tấm lòng hào phóng của các mạnh thường quân và sự góp sức nhiệt tình từ mọi người dân quê hương, Thuận Điền đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

  • Văn Yên (Yên Bái): Thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành các quyết định về việc công nhận 3 xã: Châu Quế Hạ, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

  • Thạnh Phú (Bến Tre): Ấn tượng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thới Thạnh

    (Xây dựng) - Sau một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ, xã Thới Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) đã thực hiện thành công chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đánh dấu một bước tiến dài trong hành trình phát triển. Tính đến nay, xã Thới Thạnh đã đạt được 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), phản ánh sự cố gắng của các cấp lãnh đạo cũng như người dân trong việc cải thiện đời sống và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

  • Bến Tre nỗ lực đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn vươn lên thoát nghèo

    (Xây dựng) - Trong hành trình xây dựng, phát triển nông thôn, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực không ngừng để cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các xã khó khăn ở vùng bãi ngang, ven biển. Các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Bến Tre luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo, nhờ vào những kế hoạch, chương trình và dự án được triển khai một cách hiệu quả. Những nỗ lực này góp phần nâng dần mức sống, tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

  • Tam Dương (Vĩnh Phúc): Xã Thanh Vân tăng tốc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu kiến tạo miền quê đáng sống

    (Xây dựng) – Luôn xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi về đích xã nông thôn mới nâng cao năm 2023, cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Thanh Vân (huyện Tam Dương) cùng chung sức đồng lòng, phấn đấu về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

  • Quảng Nam: 56 xã chưa đủ điều kiện duy trì tiêu chí xã nông thôn mới theo các Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025

    (Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đã có Thông báo số 321 ngày 12/9 về danh sách các xã đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện duy trì chuẩn tiêu chí nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đối với các xã đạt chuẩn từ năm 2021 trở về trước theo các Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load