(Xây dựng) – Huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện đạt 15%, đến năm 2030 đạt 25%, phát triển các đô thị Vụ Bản, Mường Vó và Mường Khói theo các cấp đô thị.
Diện mạo nông thôn mới ở Lạc Sơn (Hòa Bình). |
Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của Huyện ủy Lạc Sơn về phát triển đô thị đề ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 15%; giai đoạn 2026 - 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; đến năm 2050, 70% dân số của huyện Lạc Sơn sống ở đô thị.
Để đạt được kết quả này, huyện đặc biệt chú trọng công tác quản lý đầu tư, phát triển đô thị, đồng thời tuân thủ các quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển đô thị đảm bảo phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan đô thị, gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các đồ án quy hoạch đã được nghiên cứu mở rộng đến hết ranh giới hành chính của đô thị, tạo thêm không gian phát triển cho toàn bộ đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất. Huyện tổ chức quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó quản lý, huy động tốt các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực triển khai dự án vào những lĩnh vực thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Đề án phát triển đô thị huyện Lạc Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định hình thành đô thị mới Mường Vó (dự kiến), đô thị Ân Nghĩa (thị trấn Mường Khói) là đô thị loại V. Trong đó quy hoạch thị trấn Vụ Bản là đô thị loại V - trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị - xã hội, khoa học kỹ thuật và văn hóa, giáo dục của huyện, là hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện.
Đô thị Ân Nghĩa (thị trấn Mường Khói), dự kiến đến năm 2035 phát triển xã Ân Nghĩa thành thị trấn Mường Khói là vùng phát triển kinh tế toàn diện, lấy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ làm động lực và chủ đạo.
Huyện Lạc Sơn cũng đã quy hoạch các dự án trọng điểm như đầu tư nâng cấp các tuyến đường chính của 3 xã thuộc địa giới có quy hoạch thành thị trấn: Nhân Nghĩa, Ân Nghĩa, Yên Nghiệp; đầu tư xây dựng mới tuyến đường nội bộ khu hành chính, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, dân cư mới bên bờ sông Bưởi, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường xương cá kết nối các khu dân cư với trục giao thông khu vực; nhựa hóa và chiếu sáng các trục đường hiện có phù hợp quy hoạch xây dựng; cải tạo bến xe nội thị. Đầu tư các tuyến đường: Đường tránh thị trấn Vụ Bản; đường mở rộng phía Nam thị trấn Vụ Bản; đường từ thị trấn Vụ Bản đi xã Quý Hòa; đường kết nối từ đường Hồ Chí Minh với khu công nghiệp Tân Phong, huyện Lạc Sơn. Đầu tư một số công trình hạ tầng văn hóa, xã hội, cảnh quan, kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, đồng thời chú trọng cải cách hành chính, thu hút đầu tư.
Mai Thu
Theo