Thứ sáu 08/11/2024 01:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bộ Xây dựng – Tổ chức Hợp tác phát triển (GIZ): 

Ký kết đối tác thực hiện xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế đường dành cho xe đạp 

16:50 | 13/11/2020

(Xây dựng) - Ngày 13/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về “Đối tác thực hiện xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế đường dành cho xe đạp” giữa Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ. Lễ ký kết có sự tham gia của lãnh đạo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học công nghệ & môi trường (Bộ Xây dựng) và các thành viên thuộc nhóm các Dự án Lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp và hội nhập kinh tế khu vực của GIZ.

ky ket doi tac thuc hien xay dung huong dan ky thuat thiet ke duong danh cho xe dap
Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và ông Kia Fariborz - Cố vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ cùng ký kết Biên bản ghi nhớ về “Đối tác thực hiện xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế đường dành cho xe đạp”.

Biên bản ghi nhớ ghi nhận cam kết phối hợp xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình DeveloPPP về “Thúc đẩy và thí điểm hệ thống xe đại chia sẻ công cộng tại Việt Nam hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững và thành phổ thông minh” do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ.

Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Giao thông đô thị Việt Nam trong quá trình phát triển trước đây đã có những giai đoạn mà xe đạp là loại hình phương tiện chính của người dân đô thị. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong khoảng 30 năm qua cùng với sự thiếu tiện nghi đã làm cho loại hình phương tiện này tại Việt Nam đến nay gần như không còn được sử dụng.

Hiện nay, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, thiết kế liên quan đến giao thông đô thị của Việt Nam thì phương tiện xe đạp vẫn chưa được chú ý đúng mức, vẫn chưa có riêng tiêu chuẩn thiết kế cho đường xe đạp trong đô thị. Do vậy, để thúc đẩy người dân đô thị sử dụng phương tiện xe đạp cần chú ý xem xét, tạo điều kiện từ công tác quy hoạch đô thị, thiết kế đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và cả trong giai đoạn khai thác sử dụng, nhằm tạo sự thuận tiện, an toàn cho người sử dụng…

Bà Mai Thị Liên Hương đánh giá cao sự hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ trong nhiều năm qua với Cục Hạ tầng kỹ thuật trong việc thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam nói chung và dự án xây dựng Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp nói riêng…

ky ket doi tac thuc hien xay dung huong dan ky thuat thiet ke duong danh cho xe dap
Toàn cảnh buổi lễ.

Ông Kia Fariborz - Cố vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ khẳng định, GIZ sẽ đóng vai trò làm cầu nối giữa Việt Nam với các tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế giao thông phi cơ giới để hoàn thiện Hướng dẫn thiết kế. Kinh nghiệm của các tổ chức và thành phố trên thế giới về việc xây dựng các thành phố xe đạp và cơ sở hạ tầng cho xe đạp sẽ giúp Việt Nam học hỏi được những kinh nghiệm thực tế, góp phần xây dựng hướng dẫn phù hợp với nhu cầu của người đi xe đạp. Hoạt động xây dựng Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp này không chỉ có sự chung tay hợp tác giữa Cục Hạ tầng kỹ thuật và GIZ mà còn có sự tham gia của Viện Nghiên cứu tài nguyên thế giới (WRI).

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật riêng về thiết kế đường cho xe đạp trong đô thị. Đi xe đạp được xem là một cách thức di chuyển trong đô thị có hiệu quả về mặt kinh tế, bền vững về mặt môi trường và đem lại sức khỏe cho người sử dụng.

ky ket doi tac thuc hien xay dung huong dan ky thuat thiet ke duong danh cho xe dap
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Mặc dù, Biên bản ghi nhớ mới chỉ là bước đầu của Lễ ký kết nhưng Hướng dẫn sẽ góp phần từng bước chi tiết và chuẩn hóa hệ thống văn bản hướng dẫn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị đồng thời cũng là bước đi đầu tiên, là cơ sở nền tảng ban đầu cho việc chuyển đổi giao thông đô thị và phát triển giao thông đô thị bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông và bảo vệ môi trường…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load