Thứ tư 13/11/2024 07:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Kiên quyết giải quyết bất cập 8 dự án BOT: Quyền lợi, công bằng và niềm tin

22:56 | 08/11/2022

(Xây dựng) - Giao thông được xác định phải đi trước 1 bước trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Đất nước chúng ta vừa bước ra khỏi đại dịch Covid-19, cần 1 sự tăng tốc bứt phá. Tinh thần đó đã được thể hiện bằng quyết tâm của Chính phủ khi đề ra mục tiêu hoàn thành 5.000km đường cao tốc đến năm 2030.

kien quyet giai quyet bat cap 8 du an bot quyen loi cong bang va niem tin
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại tọa đàm.

Tuy nhiên, khí thế bừng bừng khi chúng ta hướng đến tương lai có vẻ đang bị làm nguội bởi những tồn tại, vướng mắc của những vấn đề quá khứ và hiện tại chưa thể dứt điểm được. Do những bất cập tại các dự án BOT đã được nhận diện nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nên trong tuần qua, trên các diễn đàn báo chí truyền thông vấn đề này lại “nóng” trở lại khi Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) tổ chức tọa đàm “Tháo gỡ bất cập dự án PPP hạ tầng giao thông”.

Nội dung cuộc trao đổi đặt ra với tinh thần vì lợi ích giao thông cho người dân, công bằng trong đối tác công – tư, tạo ra niềm tin để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, những lợi ích mà các dự án BOT mang lại đã ít nhiều được người dân đồng thuận về hiệu quả kinh tế - xã hội, đã có đại biểu Quốc hội nhìn nhận khách quan: “Xác định khi dự án gặp vướng mắc, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các bên gồm nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, ngân hàng thẩm định cho vay vốn và các cơ quan liên quan”.

Nhận diện bất cập từ các doanh nghiệp BOT

Tại dự án nâng cấp Quốc lộ 91 từ thành phố Cần Thơ đi An Giang, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 cho hay, từ năm 2019 đến nay, phương án tài chính của dự án gần như bị phá vỡ. Dự án này hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016. Theo thỏa thuận, việc thu phí triển khai tại 2 trạm T1 và T2 thuộc phạm vi dự án. Công tác thu phí ổn định đến tháng 5/2019, trạm T2 phải dừng thu phí do việc thu phí lượt không bảo đảm công bằng tuyệt đối.

Lộ trình tăng phí 3 năm một lần theo điều khoản hợp đồng cũng không được thực hiện, trong khi chính sách giảm giá, miễn phí cho phương tiện của người dân xung quanh khu vực trạm thì các Công ty vẫn phải thực hiện.

“Doanh thu BOT tại dự án hiện sụt giảm còn hơn 30%/trạm so với phương án tài chính ban đầu. Dự kiến, khi các tuyến đường mới của địa phương tiếp tục được đưa vào khai thác, doanh thu chỉ còn 15-20%, hợp đồng BOT bị phá vỡ”, ông Khang thông tin. Hiện nay, doanh nghiệp bị xếp vào nợ nhóm 5.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trên cơ sở chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ Giao thông vận tải đã ký kết và triển khai dự án, dự kiến sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, trong đó có trạm trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Tuy nhiên, năm 2018, thực hiện Nghị quyết 437, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và cho rằng, việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả là bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây phản ứng của người dân.

“Dự án này đã được nhà đầu tư hoàn thành theo đúng cam kết hợp đồng. Doanh nghiệp đã 6 lần mời Kiểm toán Nhà nước, một lần mời Thanh tra của Bộ Xây dựng kiểm tra và đều đánh giá nguyên nhân do sự thay đổi của chính sách pháp luật”, ông Ngọ Trường Nam cho biết, bất cập hiện tại khiến doanh nghiệp không chỉ không thể triển khai thu phí mà còn phải lo các khoản lãi vay ngân hàng mỗi tháng.

Trên đây là 2 trong số 8 dự án tồn tại những vướng mắc và 6 dự án còn lại cũng đều là các dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí; không thể thu phí do mất an ninh, trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ; dự án đã thu phí, doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng, nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí... phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp

Tại cuộc tọa đàm nói trên, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Vasi dẫn lời phát biểu của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trên các phương tiện báo chí truyền thông. Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm: “Mục đích của chúng ta cần xử lý những vấn đề này là để đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân, xã hội. Đảm bảo sự công bằng trong hợp tác công - tư, trong đó có lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, tránh nguy cơ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các dự án theo phương thức PPP vốn rất cần thiết hiện nay. Tôi cho rằng, cần phải đánh giá kỹ nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc bất cập của từng dự án mà Bộ Giao thông vận tải đề xuất Nhà nước mua lại. Đây là các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, do vậy khi xem xét giải quyết cần phải xem những hạn chế của từng dự án là do đâu, trách nhiệm của bên nào. Nếu những tồn tại do nhà đầu tư gây ra thì họ phải chịu trách nhiệm. Trái lại nếu tồn tại đến từ phía các cơ quan Nhà nước thì Nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra xử lý”.

PGS.TS Trần Chủng khẳng định: “Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng thuận của các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các lĩnh vực luật pháp, kiểm toán, kỹ thuật, truyền thông xã hội và chính từ các nhà đầu tư những dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc nói trên. Hiệp hội sẽ tổng hợp báo cáo đến các cơ quan, kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ và Quốc hội sớm tháo gỡ”.

kien quyet giai quyet bat cap 8 du an bot quyen loi cong bang va niem tin
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Trong bài viết của mình đăng trên Tạp chí Nhà đầu tư nhân dịp 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Lúc đó là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) với nhan đề "Bác Hồ với khát vọng Việt Nam hùng cường và sứ mệnh doanh nhân" đã viết: “Bác Hồ bảo “thực túc thì binh cường” và “tăng gia sản xuất là cái thiết thực nhất của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Để tăng gia sản xuất, Bác bảo có bốn điều cần coi trọng. Trong đó, điều số 1 là “Công - Tư đều lợi” và Bác chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần để kết hợp công - tư, trong đó có kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, tư bản Nhà nước, tư bản tư nhân, cá thể, tiểu chủ… đều là những “lực lượng cần thiết” cho kiến thiết kinh tế nước nhà, nhưng phải phù hợp với sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia.

Trước một nhiệm vụ lớn là hoàn thiện mạng lưới giao thông đất nước cần sự kết hợp của nhiều nguồn lực, đặc biệt từ lực lượng doanh nghiệp tư nhân giàu khát vọng cống hiến. Đâu đó vẫn có những tiếng kêu “nhà đầu tư nản lòng”, “bất bình đẳng công - tư”… cần được bắt bệnh, chữa trị dứt điểm thì mới có thể kỳ vọng cùng nhau tạo ra những đột phá.

Nguyễn Nga – Lê Cương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load