Chủ nhật 29/09/2024 07:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Khuyến nghị không áp giá dịch vụ thoát nước trong năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh

16:10 | 19/08/2020

(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản đề nghị UBND Thành phố chưa nên áp dụng “giá dịch vụ thoát nước” (gồm “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”) trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019 để giảm bớt gánh nặng cho người dân trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

khuyen nghi khong ap gia dich vu thoat nuoc trong nam 2020 tai thanh pho ho chi minh
Ảnh minh họa.

Người dân sẽ phải gánh 2 loại phí, giá môi trường

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra nghiệm thu đạt chuẩn, để được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án, qua đó giảm bớt được gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình đang sinh sống trong các dự án này.

Trước đó, trong Tờ trình số 9150/TTr-SXD-HTKT ngày 12/8/2020, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trình đề xuất Giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2024 mỗi năm tăng 5%.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, trước đó Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tăng giá nước sạch sinh hoạt từ 5 -7% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2024, tăng bình quân khoảng 5,9 - 6%/năm (theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 24/10/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2019).

Theo đó, năm 2020 giá nước sạch sinh hoạt 9.590 đồng/m3; năm 2021 giá 10.165 đồng/m3; năm 2022 giá 10.775 đồng/m3; năm 2023 giá 11.422 đồng/m3; năm 2024 giá 12.107 đồng/m3.

Nay, Sở Xây dựng tiếp tục đề xuất lộ trình tăng giá dịch vụ thoát nước trong giai đoạn 2020 - 2024 dựa trên cơ sở lộ trình tỷ trọng “giá dịch vụ thoát nước/giá nước sạch” tăng khoảng 5%/năm, từ mức chiếm 15% năm 2020 lên mức chiếm 35% năm 2024.

Theo đó, năm 2020 giá dịch vụ thoát nước 1.439 đồng/m3, tăng khoảng 50% so với năm 2019 và chiếm tỷ trọng bằng 15% giá nước sạch (giá nước sạch bình quân năm 2019 khoảng 9.030 đồng/m3, người sử dụng nước sạch phải trả “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”, bằng 10% giá nước sạch, khoảng 903 đồng/m3).

Năm 2021, giá dịch vụ thoát nước 2.033 đồng/m3, tăng khoảng 41,2% so với năm 2020 và bằng 20% giá nước sạch. Năm 2022, giá 2.694 đồng/m3, tăng khoảng 32,5% so với năm 2021 và bằng 25% giá nước sạch. Năm 2023 giá 3.426 đồng/m3, tăng khoảng 27,1% so với năm 2022 và bằng 30% giá nước sạch. Năm 2024, giá 4.237 đồng/m3, tăng khoảng 23,67% so với năm 2023 và bằng 35% giá nước sạch.

Lo ngại đề xuất sớm được thông qua

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nhận định dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn coi sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu… nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các địa phương ban hành các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí... Trong đó, chính UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 1455/KH-UBND ngày 21/4/2020 về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19.

Nhưng nếu đề xuất nói trên của Sở Xây dựng được thông qua và đi vào thực tiễn thì người dân Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ chịu gánh nặng về việc tăng giá nước theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 24/10/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2019, gánh nặng về phí môi trường, mà còn phải chịu thêm giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Lo ngại đề xuất của Sở Xây dựng sớm được thông qua, HoREA đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, chưa nên áp dụng “giá dịch vụ thoát nước” (gồm “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”) trong năm 2020, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình.

HoREA cũng cho biết, trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại, trong đó có cả nhà thấp tầng và nhà chung cư, đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành. Nhưng hiện nay, có một số dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, cho nên người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải “hai lần”. Một lần, trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải. Một lần, đóng “phí bảo vệ môi trường” thông qua trả tiền nước sạch.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load