Thứ sáu 08/11/2024 18:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ là “quả đấm kinh tế” của thành phố Hồ Chí Minh

14:18 | 29/05/2020

(Xây dựng) - Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Đông Nam Bộ.

khu do thi sang tao tuong tac cao phia dong se la qua dam kinh te cua thanh pho ho chi minh
Theo đánh giá, nếu sáp nhập 3 quận này thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, thì đây sẽ là “quả đấm kinh tế”, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của thành phố.

Quyết tâm kiến tạo “quả đấm kinh tế” trong 10 năm tới

Việc chuẩn bị thành lập “thành phố phía Đông” (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), đã được thành phố Hồ Chí Minh gấp rút chuẩn bị từ nhiều năm trước. Năm 2018, thành phố đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao thành phố Hồ Chí Minh”, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham dự.

Với tâm huyết của Đảng bộ và chính quyền thành phố, trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị, việc thành lập “Thành phố phía Đông” đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi làm việc giữa Chính phủ và lãnh đạo thành phố ngày 8/5 vừa qua.

Cũng tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ là động lực phát triển của thành phố trong 5-10 năm tới. Khu này sẽ có quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số thành phố), diện tích 21.000ha (chiếm 10% diện tích thành phố).

Theo ông Nhân, nếu sáp nhập 3 quận này thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, thì đây sẽ là “quả đấm kinh tế”, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của thành phố. Điều này đồng nghĩa “Thành phố phía Đông” sẽ đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố.

Được biết, hồi cuối tháng 4, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố. Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể Khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...

Theo ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố sẽ xúc tiến, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời, thành phố sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi nhất hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là tiền đề cho ra đời Thành phố khu Đông thuộc thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai gần.

Đầu tàu kinh tế cho thành phố Hồ Chí Minh và cả Đông Nam bộ

Theo lộ trình, đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ được trình ra Quốc hội trong năm 2020. “Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi, thành phố Hồ Chí Minh có thể bắt tay triển khai”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Việc thành lập “Thành phố phía Đông” không chỉ là vấn đề quản lý hành chính, nó còn thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của Trung ương, nâng tầm khu Đông thành trung tâm kinh tế, tạo động lực phát triển cho thành phố Hồ Chí Minh và cả Đông Nam bộ. Do đó, ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, thu hút nhân tài, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư… sẽ là những bước đi cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa.

Theo đề án thành lập “Thành phố phía Đông”, việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như: Các khu Đại học ở quận Thủ Đức (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao quận 9 (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...).

Thực tế, những năm qua, khu Đông thành phố Hồ Chí Minh là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, thành phố Hồ Chí Minh triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa thành phố và các tỉnh Đông Nam bộ.

Việc xây dựng và quy hoạch phía Đông thành khu đô thị sáng tạo được kỳ vọng sẽ là cột mốc làm thay đổi bộ mặt của toàn thành phố. Khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.

Cơ hội đón đầu cho nhà đầu tư bất động sản

Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, cho rằng nỗ lực phát triển khu đô thị sáng tạo của thành phố cũng là nỗ lực để giải quyết các vấn đề đô thị, trên cơ sở kết nối và tận dụng các nguồn lực. Mỗi ý tưởng được đề xuất ở trong khu đô thị sẽ tạo ra giá trị mới, cơ hội mới cho các ngành kinh tế của khu vực, của vùng.Ví dụ hiện thành phố đang phải chi hàng tỷ USD để giải quyết vấn đề nhức nhối là kẹt xe và ngập lụt. Tại khu đô thị này, chúng ta sẽ thử nghiệm những giải pháp giao thông và thoát nước mới trước khi áp dụng ra toàn thành phố cũng như dành cơ hội cho các công ty công nghệ, nhất là các công ty khởi nghiệp của các bạn trẻ để tham gia giải quyết các vấn đề lớn của thành phố và cả nước.

“Như vậy, khu đô thị giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của thành phố trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh sẽ có môi trường trong lành hơn... Không chỉ người dân ba quận (2, 9, Thủ Đức) hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp thành phố có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn”, ông Dũng đánh giá.

Ông Trần Hữu Hạnh – Giám Đốc Công ty Cổ phần An Điền, cho rằng sự ủng hộ của Thủ tướng đối với việc thành lập “Thành phố phía Đông”, không chỉ có ý nghĩa tạo động lực đối với chính quyền, trong lộ trình triển khai từ nay đến năm 2021, mà còn tăng niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với sự phát triển của khu Đông trong giai đoạn mới.

Thực tế, thông tin Thủ tướng ủng hộ việc thành lập “Thành phố phía Đông”, ngay lập tức đã có hiệu ứng với thị trường bất động sản khu Đông. Điển hình như dự án nhà phốAn Phú New City (quận 2), có lượng khách hàng tìm hiểu tăng vọt, dù mức giá sắp công bố đợt 2 dự kiến tăng 5 - 10%. Dự án biệt thự vườn Ba Son - Đông Tăng Long Hưng Phúc (quận 9), trong khoảng 2 tuần trở lại đây,cũng ghi nhận lượng khách tăng gấp 3 lần so với trước đó…

Theo các chuyên gia, việc thành lập “Thành phố phía Đông” sẽ tác động tích cực đối với bất động sản khu vực này. Trong đó, nhà phố, biệt thự là phân khúc được hưởng lợi nhiều nhất. Đây vốn là phân khúc đang khan hiếm nguồn cung và có tiềm năng tăng giá ổn định, phù hợp với chiến lược đầu tư lâu dài. Mặt khác thông tin ngân hàng giảm lãi suất huy động thời gian gần đây cũng thúc đẩy tâm lý chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư bất động sản.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load