(Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.
Trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai đang được xây dựng tại KCN Biên Hòa 1 nằm trong dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh. |
Nỗi niềm trước giờ “G”
Xí nghiệp Cao su Đồng Nai thuộc Tổng công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) là một trong những DN có hơn 20 năm hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 nằm trong diện di dời để triển khai đề án khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.
Theo Tổng giám đốc Casumina ông Phạm Hồng Phú, Xí nghiệp Cao su Đồng Nai hiện nay có 2 xưởng chuyên sản xuất lốp xe tải nhẹ. Tổng giám đốc Casumina cho biết, với đặc thù ngành nghề nên khi xác định xây dựng nhà máy ở KCN Biên Hòa 1 là công ty đã xác định gắn bó dài lâu. “Với suy nghĩ đó, chúng tôi đã đầu tư trang thiết bị, máy móc dây chuyền tương đối nhiều. Sau khi khấu hao, thời hạn thuê đất của DN chúng tôi còn hơn 20 năm. Đây cũng là giai đoạn sinh lời nhưng bây giờ lại phải dời đi”, ông Phú nói và rất lo lắng vì nếu xây dựng lại ở một nơi khác, số tiền bỏ ra có khi lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Trước giờ “G” di dời, một trong những vấn đề mà vị lãnh đạo này băn khoăn nữa đó là việc hơn 200 lao động phần lớn đều đã lớn tuổi sẽ khó thích nghi khi chuyển đến nơi mới. Theo Tổng giám đốc Casumina, nếu chọn ở lại, người lao động của xí nghiệp sẽ rất khó để kiếm được việc làm, phần vì tuổi tác, phần vì đặc thù ngành nghề. Trong trường hợp lao động không theo, xí nghiệp phải xây dựng lại bộ máy quản lý, việc tuyển và đào tạo lại nhân lực mất nhiều thời gian.
Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, hiện đang là công nhân một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo tại KCN Biên Hòa 1 cho biết, ngay khi biết về kế hoạch di dời KCN nói trên, bản thân ông khá bất ngờ xen lẫn là cảm giác lo lắng. “Gắn bó với công ty tại KCN Biên Hòa 1 từ những ngày đầu, nay hay tin đơn vị thuộc diện phải di dời để triển khai dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ thì cũng thấy bất ngờ vì nơi đây hiện tập trung khá nhiều nhà máy, xí nghiệp”, ông Hoàng nói và cho biết rất lo lắng vì chưa có thông tin nhà máy nơi ông làm việc sẽ di dời đi đâu? Công việc sắp tới sẽ thế nào.
KCN Biên Hòa 1 hiện có 76 đơn vị, DN đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động. Trong đó có 6 DN FDI cùng 70 DN trong nước. Tổng số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người.
Theo lộ trình, việc di dời sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 có 14 DN phải hoàn thành việc di dời trước tháng 12/2024. Trong đó 10 công ty sẽ bị ảnh hưởng toàn bộ mặt bằng gồm: Công ty CP Cơ giới và xây lắp số 9; Công ty CP Bê tông Biên Hòa; Công ty CP Chương Dương; Công ty CP Bibica; Công ty CP Đầu tư Phát triển vận tải Vĩnh Phú; Công ty TNHH Giặt mài Texma Vina; Công ty CP Miền Đông; Công ty CP Tập đoàn Tân Mai; Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hòa và Công ty CP Đồng Nai. 4 công ty bị ảnh hưởng một phần diện tích mặt bằng gồm: Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam; Công ty CP Điện tử Biên Hòa và Công ty CP Gạch ngói Đồng Nai.
14 DN nói trên nằm trong phần diện tích Khu 1 (diện tích khoảng hơn 75 ha) nằm về phía Nam KCN Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt và xa lộ Hà Nội.
Sở KH&ĐT Đồng Nai đã có văn bản đề nghị 14 DN này chủ động tìm kiếm vị trí phù hợp để di dời và phải thực hiện xong trước tháng 12/2024.
Giai đoạn 2, có 62 DN phải hoàn thành di dời trước tháng 12/2025. Về chính sách bồi thường và hỗ trợ, dự kiến phương án bồi thường và hỗ trợ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua trong quý II/2024.
Ngoài các DN, 322 hộ dân đang sinh sống xen kẽ trong đất của KCN Biên Hòa 1 (chủ yếu ở phường An Bình) cũng nằm trong diện phải di dời. Qua chia sẻ với phóng viên, phần lớn người dân sinh sống ở đây đều đồng thuận, ủng hộ đề án “khủng” của tỉnh Đồng Nai. Bà Trần Thị Hà (ngụ phường An Bình) cho biết, khi hay tin có dự án, cả gia đình đều đã sẵn sàng tâm lý di dời, giao đất cho Nhà nước. “Đề án này theo tôi là phù hợp với sự phát triển chung của TP Biên Hòa. Tôi chỉ mong dự án làm đúng tiến độ, và đặc biệt là thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi phù hợp, công khai, công bằng và khách quan” - bà Hà nói.
“Tấm áo mới” hiện đại và năng động
KCN Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành KCN Biên Hòa 1. Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án Cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật KCN Biên Hòa 1, trong đó quy định KCN Biên Hòa 1 được tổ chức và hoạt động theo quy chế KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đến cuối tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.
KCN Biên Hòa 1 nằm ở vị trí đắc địa của TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. |
Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, sau nhiều lần bàn thảo, lấy ý kiến, thống nhất, tháng 02/2024, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. “Đây là một bước ngoặt lớn, việc chuyển đổi công năng là phù hợp với tất yếu khách quan và là cơ hội để phát triển TP Biên Hòa theo đúng quy hoạch, qua đó, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc TP Biên Hòa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai”, ông Võ Tấn Đức nói.
Theo đề án, Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường sẽ được tách thành 2 hồ sơ với quy mô cụ thể từng dự án (khu vực) gồm: Dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh (quy mô khoảng 44 ha) và dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ (quy mô hơn 286 ha).
Với dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Đồng Nai thống nhất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; dự án được chia làm 6 khu; trong đó khu 1 (diện tích khoảng 75 ha) được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030, các khu còn lại triển khai từ năm 2024 - 2030. Hiện khu này có 2 công trình hiện hữu đề xuất giữ lại gồm tòa nhà Sonadezi (diện tích khoảng 1,2 ha) và Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (diện tích khoảng 2,2 ha).
Đối với dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, hiện nay, đang triển khai các dự án Trụ sở Công an tỉnh (diện tích gần 6 ha) và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII diện tích 0,5 ha.
“Đề án sau khi triển khai sẽ tạo nên một khu đô thị mới hiện đại, năng động, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh”, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói và khẳng định để hiện thực hóa được mục tiêu đó, quá trình triển khai dự án phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan. Đặc biệt là lợi ích của Nhân dân, doanh nghiệp đang hoạt động, sinh sống hiện hữu tại KCN Biên Hòa 1.
Như vậy, có thể khẳng định, sứ mệnh lịch sử của KCN Biên Hòa 1 sẽ sớm kết thúc. Một khu đô thị mới hiện đại hơn, quy hoạch hợp lý hơn, phù hợp với sự phát triển của xu thế chung tại tỉnh Đồng Nai cũng sẽ sớm thành hình.
Thìn Nguyễn
Theo