(Xây dựng) - Cầu vượt sông Đáy là một trong các dự án trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các tỉnh ven biển, mang tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, rút ngắn thời gian và khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh phía nam Thủ đô Hà Nội, giữa các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình đi thành phố Hải Phòng và ngược lại.
Các đại biểu ấn nút triển khai thi công dự án cầu vượt sông Đáy. |
Tỉnh Nam Định vừa tổ chức lễ triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối 2 tỉnh Nam Định - Ninh Bình được thực hiện theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, được phân cấp cho UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản; được HĐND tỉnh Nam Định quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022; được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 23/2/2023.
Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Thăng Long, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương; thời gian thực hiện hợp đồng là 16 tháng, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 2km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; đi qua 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và 2 xã Khánh Cường, Khánh Trung thuộc địa phận huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tổng mức đầu tư công trình là 1.450 tỷ đồng.
Cầu vượt sông Đáy tại Km18+116 trên đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng gồm 29 nhịp, trong đó cầu chính gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng; cầu dẫn vượt đê hữu sông Đáy phía Ninh Bình gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực, các nhịp dẫn còn lại dùng kết cấu dầm Super T bê tông cốt thép dự ứng lực.
Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh: Đây là một trong các dự án trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các tỉnh ven biển, mang tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, rút ngắn thời gian và khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh phía Nam, tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng và ngược lại.
Các dự án khi hoàn thành đồng bộ sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, nhất là đối với vùng kinh tế ven biển của tỉnh Nam Định, cũng như các tỉnh ven biển của đồng bằng Bắc bộ. Qua đó, tạo động lực phát triển mạnh kinh tế - xã hội các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình.
Để dự án triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) chỉ đạo, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án. Nhà thầu thi công tập trung huy động nguồn lực, có kế hoạch thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - chủ đầu tư chỉ đạo rà soát, thực hiện đầy đủ các thủ tục triển khai dự án theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, mỹ thuật, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, giải ngân vốn đầu tư của dự án theo đúng kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai dự án, chỉ đạo đẩy nhanh công tác triển khai các thủ tục sớm đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình để kết nối đồng bộ với dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Văn Đạt
Theo