(Xây dựng) - Trong những năm qua, thành quả từ nỗ lực của lãnh đạo, CBCNV; kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ và tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong cải tiến kỹ thuật, mạnh dạn xử lý nút thắt hệ thống lò nung, số hóa chuỗi tiêu thụ, đã tạo bước đột phá mới, mang đến khí thế hăng say lao động, đoàn kết và hiệu quả tại Công ty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai.
Xử lý nút thắt hệ thống lò nung tạo đột phá mới cho VICEM Hoàng Mai. |
Hiệu quả từ giải pháp đột phá trong sản xuất
Là 1 trong 7 thương hiệu thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), trong những năm qua, VICEM Hoàng Mai đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, từ quy mô sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Nhận thức được bối cảnh của doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty đã quyết liệt trong chuyển đổi số, ứng dụng thành quả khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, điển hình là phương án lựa chọn thời điểm, tiến hành Dự án sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt công nghệ tại hệ thống lò nung của Nhà máy Xi măng VICEM Hoàng Mai. Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu chính để sản xuất clinker là than trở nên khan hiếm, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng liên tục, kết quả sản xuất kinh doanh tại VICEM Hoàng Mai đã minh chứng được những bước đi và lựa chọn phù hợp tình hình.
Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện theo hướng tinh gọn, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, thực sự mang lại động lực tăng trưởng mới cho VICEM Hoàng Mai. Theo ông Nguyễn Ngọc Tình - Phó tổng giám đốc, phương án cải tạo công đoạn lò nung đã tăng năng suất sản xuất clinker thêm 10% so với trước khi cải tạo, với 100% thiết bị sản xuất trong nước, không thuê chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, sau khi cải tạo, dây chuyền sản xuất đã sử dụng được đa dạng nguồn than, kể cả than phẩm cấp thấp, giảm tiêu hao than trên 4,3%, giảm tiêu hao điện trên 5,5% trong sản xuất clinker, tiết kiệm chi phí sửa chữa hàng năm tại tháp trao đổi nhiệt và ghi lạnh khoảng 1,5 tỷ đồng… Hệ thống lò nung sau cải tạo với vòi đốt đa điểm trong Calciner mới đã giảm phát thải trên 100 mg/Nm3 khí thải NOx so với trước đây. Cùng với xử lý nút thắt hệ thống lò nung, việc sửa chữa lớn công đoạn nghiền xi măng với trọng tâm sàng tuyển lại bi ngăn 1, thay thế quạt lọc bụi bằng quạt biến tần giúp năng suất nghiền tăng lên, tiêu hao điện giảm… Từ những kết quả tích cực của khối sản xuất đã tạo được khí thế mới trong phong trào thi đua, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo, đổi mới và đoàn kết của tập thể người lao động, tạo động lực cho các đơn vị tự tin phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Tiên phong ứng dụng CNTT vào quản lý chuỗi tiêu thụ
Nằm trên khu vực được ví là một trong những “cái nôi” sản xuất clinker, xi măng cả nước với năng lực sản xuất trên 30 triệu tấn xi măng/năm, “bức tranh” tiêu thụ của VICEM Hoàng Mai trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi dấu ấn đặc biệt với sản lượng tiêu thụ tăng trưởng tốt, cơ cấu sản phẩm và địa bàn tiêu thụ đúng hướng, thị phần tại các thị trường chính tăng mạnh.
Với sự tin tưởng, đồng hành của các chủ đầu tư, nhà thầu và hệ thống phân phối, các sản phẩm xi măng của VICEM Hoàng Mai đã được đa số khách hàng sử dụng thi công hầu hết các hạng mục trên các đại công trường dự án Đường ven biển quốc gia đoạn qua Nghệ An, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình), các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua QL 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu - Bãi Vọt… Từ nhu cầu của khách hàng và năng lực đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, VICEM Hoàng Mai đã cung cấp sản phẩm xi măng bền sulphat PCmrs40, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật của các hạng mục bê tông chịu mặn.
Qua thời gian nghiên cứu và áp dụng thực tiễn trên hệ thống phân phối của VICEM Hoàng Mai, khách hàng được trải nghiệm ứng dụng Apps mobile trên nền tảng hệ thống DMS quản lý chuỗi tiêu thụ, tracking phương tiện và hệ thống xuất hàng tự động không dừng. Bước đi tiên phong trong chuyển đổi số này đã tạo tiện ích, hiệu quả trong khai thác nhân sự, phương tiện cho hệ thống khách hàng, đồng thời mang đến cách thức quản lý mới, phù hợp xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống xã hội.
Từ thành quả về đổi mới, đột phá trong sản xuất kinh doanh, công tác tiêu thụ của VICEM Hoàng Mai đạt nhiều kết quả tích cực, sản phẩm tại các địa bàn mang lại hiệu quả cao, đều tăng trưởng so với các năm trước. Tiêu thụ xi măng trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20% so với cùng kỳ 2021, trong đó xi măng tiêu thụ trong nước tăng trưởng 33,4% so với cùng kỳ 2021 và vượt 6,5% kế hoạch. Địa bàn chính Nghệ An ghi nhận mức tăng cao nhất với tỷ lệ 41% so với cùng kỳ 2021 và vượt trên 20% kế hoạch. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 đã cán đích mục tiêu năm 2022.
Hướng tới nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường
Sau khi hoàn thành cải tạo, xử lý nút thắt công nghệ, VICEM Hoàng Mai đã xây dựng lại các thông số để kiểm soát sản xuất, đảm bảo tối ưu chi phí, tiếp tục duy trì thiết bị hoạt động ổn định, giảm tiêu hao trong điều kiện nguồn than không ổn định cả về phẩm cấp và giá. Ông Nguyễn Đình Dũng - Tổng giám đốc VICEM Hoàng Mai chia sẻ: VICEM Hoàng Mai xây dựng phương án điều hành, kiểm soát chặt chi phí theo công đoạn, giảm chi phí biến đổi, chi phí sửa chữa. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai phương án tự động hóa hệ thống xếp bao. Công ty sẽ thay thế từ 30 - 40% thạch cao tự nhiên bằng thạch cao nhân tạo hoặc thạch cao khan có giá mua cạnh tranh để tăng hiệu quả kinh doanh; tăng tỷ lệ pha tro, xỉ ở mức tối đa cho phép.
Tới đây, VICEM Hoàng Mai dự kiến sử dụng từ 10 - 30% rác thải làm nhiên liệu thay thế, phấn đấu trong tương lai sẽ sử dụng trên 50% nhiên liệu thay thế; giảm phát thải bụi, phát thải khí NOx, giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tài nguyên không tái tạo, hướng tới sản xuất xanh, bền vững
Với việc được chấp thuận bổ sung Dự án tận dụng nhiệt khí thải phát điện tại Nhà máy Xi măng VICEM Hoàng Mai vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035, hiện Công ty đang gấp rút tiến hành các thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến trong quý IV/2022, VICEM Hoàng Mai sẽ đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Công ty cũng đang tiến hành các thủ tục liên quan để triển khai dự án Xi măng Hoàng Mai 2 theo hướng hiện đại, công nghệ xanh, tận dụng lợi thế về địa lý và khai thác kinh tế biển tại Khu kinh tế Đông Nam gắn với cảng Đông Hồi.
Kỷ cương trong điều hành, quản lý
Trước biến động địa chính trị thế giới, các nền kinh tế, đặc biệt phương Tây đang đối mặt với suy thoái, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm giá nguyên nhiên liệu đầu vào của ngành sản xuất xi măng tiếp tục leo thang, Công ty chủ động làm việc với các nhà cung cấp truyền thống để có giá mua tốt nhất, nguồn tồn kho ổn định cho sản xuất 6 tháng cuối năm 2022, tìm kiếm thêm các nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là than cám. Đồng thời, tiếp tục giao kế hoạch chi phí hàng tháng/quý/năm cho các đơn vị trong Công ty, gắn với cơ chế thưởng phạt, để các đơn vị chủ động, nâng cao tính sáng tạo, nhằm tiết giảm tối đa các chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh; thực hiện nghiêm quy định về quản lý tài chính, chi tiêu, quản lý chặt công nợ.
Ngọc Thảo
Theo