(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo chia sẻ do Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức ngày 22/2 theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Văn phòng JICA tại Việt Nam; các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng và thành phố Cần Thơ; nhóm tư vấn Ernst & Young Việt Nam, Nhật Bản và một số doanh nghiệp có liên quan đến cấp thoát nước và xử lý nước thải.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021). Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Việc ban hành và triển khai thi hành các văn bản khác có liên quan đã tạo dựng khung pháp lý, thu hút tư nhân tham gia thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, cấp nước xử lý nước thải…
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng hiện đang là cơ quan quản lý Nhà nước tham gia hướng dẫn các bên thực hiện nội dung thuộc lĩnh vực chuyên ngành như cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.
Cục trưởng Tạ Quang Vinh nhận định, trong 20 năm qua, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình hợp tác công tư nhờ việc đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp về PPP.
Còn ở nước ta, hợp tác công tư về lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải vẫn còn mới mẻ, hiện mới đang từng bước nghiên cứu và học tập kinh nghiệm thế giới cũng như thực hiện thí điểm mô hình theo PPP. Nếu xét theo kinh nghiệm thế giới cũng như điều kiện của Việt Nam thì việc áp dụng mô hình PPP chính là một trong những giải pháp tăng nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý của tư nhân cho các dự án thoát nước và xử lý nước thải.
Có thể thấy, Việt Nam đã và đang trải qua quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng trong hai thập kỷ gần đây. Tốc độ tăng trưởng cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã tạo áp lực lớn tới lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước và các công trình xử lý nước thải tại Việt Nam chưa được phát triển đồng bộ, công suất xử lý nước thải còn hạn chế (tỷ lệ thu gom và xử lý khoảng 15%; tổng công suất thiết kế các nhà máy xử lý nước thải 1,4 triệu m3/ngày so với công suất cấp nước sạch khoảng 11,2 triệu m3/ngày). Chính phủ và các địa phương hiện đang cấp bách tìm kiếm các giải pháp và tập trung thu hút nguồn lực thúc đầy phát triển, cải tạo cơ sở hạ tầng lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.
Hội thảo chia sẻ “Khảo sát về thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam" được tổ chức lần này chính là nhằm đánh giá tính khả thi của việc áp dụng phương thức PPP trong xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống thoát nước tại Việt Nam.
Trong đó, các bên thực hiện các nhiệm vụ gồm thu thập và tổng hợp thông tin về Luật PPP và các Nghị định liên quan tại Việt Nam, xác định những lợi thế và vấn đề còn tồn tại thông qua nghiên cứu các Luật và quy định về PPP của Nhật Bản và Philippines; đánh giá hiện trạng môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam; nghiên cứu tính khả thi và các khó khăn, thách thức liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong xây dựng, vận hành và bảo trì các công trình thoát nước, xử lý nước thài theo Luật PPP tại Việt Nam.
Cục trưởng Tạ Quang Vinh mong muốn, đại biểu các bên có liên quan tại Hội thảo sẽ cùng làm rõ được các khó khăn, thách thức và đề ra giải pháp hiệu quả về chính sách cũng như kỹ thuật. Đây sẽ là cơ sở để Cục Hạ tầng kỹ thuật tham khảo, tiếp tục hoàn thiện xây dựng khung chính sách toàn diện nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, đại diện đơn vị thực hiện khảo sát Ernst & Young đã giới thiệu khảo sát và kết quả thực hiện khảo sát gồm 3 nhiệm vụ chính: hiện trạng môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam; phân tích khung pháp lý PPP tại Việt Nam; cơ chế phân bổ rủi ro trong các hình thức khu vực tư nhân tham gia đầu tư và nghiên cứu mang tính định lượng của 2 dự án tại thành phố Hải Phòng và Cần Thơ; tổng hợp các vấn đề và hành động cần thiết nhằm thúc đẩy áp dụng PPP trong xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức, đơn vị có liên quan cũng đã cùng tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến đánh giá về kết quả khảo sát, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đánh giá khó khăn, thách thức và đề xuất kiến nghị. Các bên đều nhất trí cho rằng, nội dung đánh giá còn chưa cụ thể, cần phải bổ sung như nên đánh giá, so sánh thêm dự án đang triển khai tại Đà Nẵng; đề xuất sửa đổi khung pháp lý rõ ràng; nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề khi tiến hành lập dự án thoát nước, xử lý nước thải tại địa phương…
Kết luận tại Hội thảo, Cục trưởng Tạ Quang Vinh ghi nhận những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm từ phía Nhật Bản cũng như các chuyên gia tham dự Hội thảo. Các bên đã đem tới những góc nhìn đa chiều về áp dụng PPP cho vận hành, bảo trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các ý kiến để nhằm xây dựng tốt Luật cấp thoát nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn trong thời gian tới. Đồng thời, đơn vị tư vấn cần tiếp thu những ý kiến đóng góp để rà soát, hoàn thiện bản báo cáo một cách tốt nhất.
Yến Mai
Theo