(Xây dựng) – Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển đô thị. Theo các chuyên gia, việc sử dụng khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bố trí hợp lý, không chỉ giải quyết bức xúc về hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay, mà còn phải được nghiên cứu, xác định trong tương lai để đô thị phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, phát triển không gian ngầm cần phải dựa trên quy hoạch đô thị. |
Pháp luật chưa quy định cụ thể quản lý HTKTĐT
Hiện nay, hệ thống pháp luật chung có khoảng gần 30 luật liên quan và điều chỉnh các hoạt động quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật như: Về quản lý sử dụng đất hạ tầng kỹ thuật chịu sự điều chỉnh của pháp luật là Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị; về quy hoạch chịu sự điều chỉnh của Luật Quy hoạch, Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Đo đạc và bản đồ; về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Ngân sách Nhà nước, Đầu tư, Đầu tư công, Đầu tư theo phương pháp đối tác công tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa quy định cụ thể điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; bàn giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là bàn giao tài sản hình thành từ nguồn vốn khác; quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Về pháp luật chuyên ngành, Chính phủ đã ban hành 7 Nghị định chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: Cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải; không gian ngầm đô thị; sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị; chiếu sáng đô thị; cây xanh đô thị; nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Các Nghị định cơ bản được xây dựng theo hướng quy định từ quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đến quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật. Nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cho quản lý giao thông đô thị và quản lý công viên trong đô thị.
Trong 7 Nghị định trên, chỉ có 2 Nghị định về quản lý không gian ngầm đô thị và quản lý cây xanh đô thị, để quy định chi tiết và tổ chức thi hành Luật. Các nghị định chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật chưa có nội dụng về quản lý, khai thác và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chưa quy định cụ thể để thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn tư nhân.
Phát triển không gian ngầm cần đồng bộ với hệ thống pháp luật
Theo các chuyên gia, phát triển không gian ngầm đô thị cần phải dựa trên quy hoạch đô thị. Đến nay, sự phát triển không gian ngầm đô thị ở nước ta chưa đồng bộ, chưa phối hợp được nhiều ngành. Chúng ta thiếu kinh nghiệm trong quy hoạch không gian ngầm, đô thị ngầm và thiếu kinh nghiệm xây dựng không gian ngầm đô thị…
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, cần ưu tiên, nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch...
Bên cạnh đó, cần ban hành văn bản về quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quy hoạch, thi công, khai thác sử dụng không gian ngầm; xây dựng quy định về cơ chế tài chính để tạo kinh phí duy trì, duy tu vận hành, đặc biệt với khu vực không gian ngầm công cộng; quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi cùng khai thác không gian ngầm thành phố; xây dựng cơ chế chính sách, quy định về bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất một cách thỏa đáng... Ngoài ra, kinh phí đầu tư xây dựng công trình ngầm lớn hơn nhiều lần so với công trình nổi trên mặt đất, nên vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm.
Để phát triển không gian ngầm trong các đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư thích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị, phục vụ xây dụng công trình ngầm; phát triển công nghệ tiên tiến, xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao…
Góp ý cho chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển không gian ngầm đô thị, PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng: Trước hết cần có Bộ luật về đô thị, trong đó bao gồm tất cả các luật, bao quát tất cả các nội dung liên quan. Bộ Luật về đô thị được đề xuất có 6 phần, gồm: Quy định chung, quy hoạch đô thị, xây dựng đô thị, quản lý đô thị, phát triển đô thị, quản lý hạ tầng đô thị.
Muốn quản lý đô thị sẽ phải nâng các nội dung đang chưa thành luật để thành luật, nghĩa là trong Bộ luật đô thị, phần 4 (quản lý đô thị) sẽ có Luật Giao thông đô thị, Luật Cấp nước đô thị, Luật Thoát nước đô thị (bao quát cả thoát nước mưa), Luật về chiếu sáng đô thị, Luật Công viên cây xanh đô thị, Luật về nghĩa trang và an táng, Luật về quản lý chất thải rắn đô thị, Luật Vệ sinh môi trường đô thị, Luật Tên đường phố và biến số nhà, Luật Không gian ngầm đô thị.
Về công tác quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm, cần nhận thức rằng không gian dưới lòng đất là nguồn tài nguyên quý, cần được khai thác bền vững. Ngoài việc quy hoạch không gian ngầm phải phù hợp với các quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung xây dựng đô thị, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành), bản quy hoạch không gian ngầm dân dụng nên mở và chỉ mang tính định hướng…
Tại hội thảo tham vấn chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển không gian ngầm đô thị do Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác, quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đã được xây dựng, hoàn thiện phù hợp giai đoạn phát triển, tạo cơ sở cho quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập do biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung; công tác quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm tại các địa phương còn vướng mắc trong quá trình thực thi…
Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết từ thực tế, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị theo nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Dự thảo Luật có hai nội dung quan trọng cần phải quy định đó là chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (nội dung 1) và chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị (nội dung 2).
Trong đó, dự kiến nội dung 1 sẽ bao gồm các vấn đề chính: Quy định bảo đảm tính đồng bộ, cơ chế tăng cường nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; cơ chế, quy định về bàn giao, quản lý sử dụng khai thác tài sản hạ tầng kỹ thuật; quy định quản lý vận hành khai thác, cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Dự kiến nội dung 2 sẽ bao gồm các vấn đề chính: Các nguyên tắc quản lý không gian ngầm đô thị bảo đảm thống nhất, kết nối đồng bộ về không gian ngầm, không gian đô thị nói chung, bảo đảm an toàn trong xây dựng, hiệu quả trong đầu tư; quy định kiểm soát phát triển không gian ngầm theo thời gian; các quy định, quy chế quản lý khai thác công trình ngầm, nhằm bảo đảm an toàn, an ninh và điều tiết mối quan hệ các chủ thể sử dụng không gian ngầm trong khai thác, sử dụng.
Linh Đan
Theo