Thứ sáu 08/11/2024 22:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Khả năng chủ động tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng vào sản xuất

16:38 | 26/11/2020

(Xây dựng) - Cùng với việc hoàn thiện, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thì việc nghiên cứu, phổ biến khả năng chủ động tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng vào sản xuất là việc cần thiết, góp phần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

kha nang chu dong tiep can he thong tieu chuan quy chuan ky thuat xay dung vao san xuat
Ông Bùi Phong An - Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thời kỳ hội nhập”.

Đưa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vào thực tiễn sản xuất

Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật xây dựng là công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại; giúp các cơ sở mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài; thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm đổi mới, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội. Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh hợp lý hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ, tiết kiệm chi phí, nguyên, nhiên vật liệu, tiết kiệm thời gian.

Để giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Các địa phương cũng đã quan tâm và triển khai thực hiện tốt nội dung này. Hình thức phổ biến qua mạng Internet đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Các nhóm tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được lựa chọn phổ biến tập trung cho các đối tượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới ban hành, có nội dung phức tạp, có tác động lớn đến sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Thông qua hoạt động phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp đã nắm bắt, hiểu đúng và thực hiện các nội dung của tiêu chuẩn, quy chuẩn, giúp doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và có những đầu tư, quan tâm đúng mức hơn cho công tác tiêu chuẩn hóa.

Cũng thông qua hoạt động phổ biến, cơ quan quản lý đã nắm bắt được nhanh chóng, cụ thể các phản hồi từ doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn để có những biện pháp quản lý phù hợp và hiệu quả hơn.

Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn ở cơ sở

Cùng với hướng dẫn áp dụng hiệu quả tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc nghiên cứu, phổ biến khả năng chủ động tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng vào sản xuất còn giúp cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Nghiên cứu, phổ biến đáp ứng việc đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn tiêu chuẩn hóa cơ sở sử dụng trong đào tạo doanh nghiệp; Thông qua hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp nhận thức và quan tâm nhiều hơn đến hoạt động tiêu chuẩn hóa cơ sở; Từng bước phát triển hệ thống tiêu chuẩn cơ sở, góp phần đảm bảo sự phát triển cân đối, toàn diện của hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nêu: “Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh chưa có các chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay thông qua việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Bùi Phong An – Cục trưởng chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh cho biết: “Từ khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản phẩm thì càng khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất đối với người tiêu dùng và ngược lại người tiêu dùng giám sát lại các cơ sở sản xuất kinh doanh thông qua việc niêm yết, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện nay ở Hà Tĩnh các sản phẩm của Formosa sản xuất đã thực hiện rất tốt việc công bố chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Xây dựng quy định”.

“Hiện nay, Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 215/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thời kỳ hội nhâp”, ông An nói thêm.

Khi khả năng chủ động tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng vào sản xuất đã trở thành vấn đề cốt lõi, thúc đẩy được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước, thông qua đó huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm hàng hoá chủ lực của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong, ngoài nước.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load